Bá Kiến là một trong những nhân vật thuộc hệ thống nhân vật phản diện trong văn Nam Cao.
Theo GS Nguyễn Đăng Mạnh, năm 1963, ông có về làng Đại Hoàng - quê Nam Cao - để tìm hiểu những nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn vì biết nhà văn Nam Cao hay dùng nguyên mẫu.
Kể trong một bài viết chân dung về Nam Cao viết năm 2007 (được tuyển in trong cuốn Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung và phong cách, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, 2019), ông Nguyễn Đặng Mạnh cho biết Chí Phèo không phải là người cùng thời với Nam Cao, đó là một nhân vật truyền thuyết của làng.
Còn Bá Kiến thì có nguyên mẫu tên là Trần Duy Bính, "gần giống với Bá Kiến: bóc lột dân, dâm ô, cướp cả vợ bố, ngủ với con dâu, cũng có bốn vợ".
Ông Nguyễn Đăng Mạnh có ghi lại mấy câu vè về Bá Bính của dân Đại Hoàng (dân Đại Hoàng hay làm vè, Nam Cao gọi là trần ngôn):
"Nam Sang nhất tổng Cao Đà/ Có thằng Bá Nghị tên là sọc nhăng/ Ông mà lại hóa ra thằng/ Khôn ngoan nhất mực, nói năng ai tày/ Bốn đời lý trưởng trong tay/ Bao chiếm điền thổ xưa nay đã nhiều/ Thuế tháng năm nhà nghèo cùng khổ/ Mày lại còn lạm bổ lạm thu/ Mang về xây dựng cơ đồ/ Lắng tai ta sẽ bảo cho ân cần" (theo ông Trần Doãn Chấn).
Trong truyện Chí Phèo, trước khi bị tha hóa, Chí Phèo là gã thanh niên "hiền như cục đất", y đi ở thuê cho nhà Bá Kiến.
Sau đó do ghen tuông, Bá Kiến khiến Chí Phèo đi tù. Từ đây, Chí Phèo biến thành tên chuyên gây rối, rạch mặt ăn vạ, chửi bới dân làng.
Kết thúc truyện, Chí Phèo đâm chết Bá Kiến rồi tự sát.
Tuy nhiên, ở ngoài đời thực, Chí Phèo và Bá Bính chẳng liên quan gì đến nhau cả. Bá Bính chẳng bị ai đâm chém cả.
Thậm chí, trong cuốn Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao của bà Trần Thị Hồng - con gái của cố nhà văn Nam Cao, ông Trần Duy Bính - nguyên mẫu Bá Kiến - còn sống đến sau năm 1945, về sau có nhiều con cháu tham gia kháng chiến hoặc thành đạt ở nhiều nơi.
Vì tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao quá nổi tiếng nên từ đó, ngôi nhà của Bá Bính cũng bị gọi là nhà của Bá Kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận