Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh vừa về nước để chiếu Mùa len trâu nhân dịp tròn 20 năm ra mắt. Ông cùng là giám khảo hạng mục Phim Đông Nam Á tại Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF).
Ông nói với Tuổi Trẻ, kết thúc HIFF, ông sẽ lại bước vào một cuộc rong ruổi. Nó ra sao? Ông không nói, ông bắt người ta tò mò và chờ đợi.
Sống xa quê hương là một thử thách
* Mùa len trâu (năm 2004) và Khi yêu đừng quay đầu lại (2010) cách nhau bảy năm. Tới năm 2013, ông có Nước 2030. Hơn 10 năm qua, tôi muốn hỏi ông về "quãng giữa" của một đạo diễn?
- Để làm một bộ phim theo đúng ước nguyện của mình quả là quá trình dài và đầy cam go.
Đầu tiên là thời giờ để thai nghén, từ chủ đề đến kịch bản. Sau đó là chuyện vận động tài chính là cả quá trình nhiêu khê và mất nhiều thời giờ.
Trong khi đó, các quỹ điện ảnh của các nước trên thế giới hiện có mức độ cạnh tranh lớn.
Có quá nhiều dự án xuất sắc "tranh nhau" một số tiền nhỏ.
Để hoàn thành một bộ phim, nhà làm phim phải xin ở nhiều quỹ tại các nước khác nhau.
Mỗi quỹ đã xin được lại có một thời gian giới hạn. Nếu không quay, mình sẽ mất số tiền của họ đã tài trợ.
Giai đoạn quay và hậu kỳ mất khoảng một năm. Do đó phải ít nhất là 3-4 năm, thậm chí lâu hơn, để hoàn thành một bộ phim nếu mình có một dự án thật xuất sắc. Cuối cùng, vì thiếu tính chất thương mại nên đa số phim có tính chất tác giả hay độc lập thường ít có dịp được ra rạp.
Chưa kể Nguyễn Võ Nghiêm Minh còn là một người chồng, người cha nữa. Tôi vẫn muốn dành thời giờ sống với gia đình. Để làm một bộ phim, 9 hay 10 năm là chuyện hết sức bình thường.
* Mỗi lần về nước, Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại có gì đó để kể. Lần này ông kể câu chuyện gì?
- Sau một thử nghiệm viễn tưởng với Nước 2030, tôi sẽ trở lại với một thể loại rất gần với phim đầu tay Mùa len trâu.
Lần này tôi không có tập Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam để đưa đường dẫn lối mà chỉ có quá khứ của chính mình là chất liệu.
* Chất liệu đó có gì đặc biệt?
- Một ngạc nhiên thích thú là việc khám phá ra những hồi ức tuổi nhỏ tưởng chừng quên lãng từ bao giờ bỗng trở về với mình một cách thật bất ngờ.
Ban đầu chỉ là những hình bóng rời rạc chớp lên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng dần dà đã trở thành một phương tiện để tôi đi ngược dòng thời gian, trở lại với những cảm xúc của chính mình trong những thập niên 1960 và 1970.
Lúc đó, tôi còn là một đứa nhỏ khoảng 8 tuổi, lớn lên trong một rạp chiếu bóng được ông ngoại dựng ở thời Pháp thuộc và sau đó đã bị đóng cửa trong chiến tranh, theo lời mẹ tôi kể lại.
Những cảm xúc đó đã trở thành chất liệu cho một câu chuyện hư cấu mà tôi viết lại trong kịch bản Chớp bóng (Picturehouse) - một câu chuyện gắn liền ba thế hệ gia đình.
* Bên kia bờ đại dương là một Nguyễn Võ Nghiêm Minh ra sao, có giống với ông lúc này - khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất và đi trên quê hương?
- Sống xa quê hương là một thử thách về bản chất của mình. Việc thay đổi nơi chốn, khung cảnh chắc chắn có ảnh hưởng đến nội tâm và cảm nhận của mình.
Kinh nghiệm khi làm phim Mùa len trâu 20 năm trước cho tôi thấy có những cảnh mà ngồi viết cách xa quê hương nửa vòng Trái đất có thể trở nên vô vị khi quay nó.
* Ông từng làm ba phim thì tới hai phim có nhân vật là "nước". Trong bộ phim mới, ông đã đoạn tuyệt "nước" chưa?
- Hơn 3/4 mặt đất được bao phủ bởi nước. Việt Nam có hàng ngàn km bờ biển và Vũng Tàu - nơi tôi lớn lên và là bối cảnh của phim Chớp bóng - cũng nằm ngay trên bờ biển. Không cố tình nhưng tôi nghĩ, nước vẫn còn phảng phất đâu đó trong phim mới của tôi.
* Nhưng ông tìm đủ tiền để làm Chớp bóng chưa?
- Chúng tôi đã tìm được một phần vốn từ nước ngoài để quay, song vẫn cần thêm sự ủng hộ để bộ phim được hoàn thiện và sớm đến được với khán giả.
Điện ảnh "nuốt" trọn đời người làm phim
* 20 năm chỉ làm vài bộ phim. Nguyễn Võ Nghiêm Minh kiệm làm phim, làm thế đủ rồi hay như thế nào, thưa ông?
- Tôi nhớ Nguyễn Công Trứ có viết: "Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc" (nôm na là biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ).
Điều này có lẽ đã được trích ra từ một nguồn xa xưa hơn nữa là kinh Phật chăng? Tôi tin là đủ hay không đủ đều do lòng tham muốn của mình.
Cũng như các nghệ thuật khác, điện ảnh có thể "nuốt" trọn cuộc đời của người làm phim.
Tôi cảm thấy mình đã nhận được rất nhiều yêu thương từ những người xung quanh và tôi cũng nên có những bổn phận đối với họ.
* Có người thương nhớ đồng quê, thương nhớ 12. Còn ông thương nhớ gì khi đi xa? Khi nói về viễn ảnh và cả những điều không còn nữa?
- Tôi cảm thấy khả năng chữ nghĩa của mình khá giới hạn. Có lẽ Chớp bóng, dự án phim mà tôi nói ở trên, là một cố gắng để tôi trả lời câu hỏi về viễn ảnh và những điều không còn nữa.
* Ông muốn người ta gọi ông là một "đạo diễn gốc Việt", "đạo diễn Việt kiều" hay "đạo diễn người Việt"? Hai chữ "gốc Việt", có sự cộng thêm và trừ đi ra sao trong bản dạng một con người?
- Tôi nghĩ "Việt kiều" có lẽ bị khoác lên những ý nghĩa không tốt đẹp khác hơn là nghĩa nguyên thủy của nó. Còn "người Việt" hay "gốc Việt" với riêng tôi không tách rời ra được. Tôi không muốn làm một người Việt mà không còn gốc Việt, và ngược lại.
Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, có những lúc cũng không phải hoàn toàn đó là sự chọn lựa của họ, và tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn khác nhau của mỗi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận