25/12/2004 11:55 GMT+7

Điểm 5 cho Mùa len trâu

Nhà văn SƠN NAM 
Nhà văn SƠN NAM 

TTCN - Trong những từ điển phim nước ngoài, người ta hay dùng dấu ngôi sao (*) để tính điểm cho phim, hiếm có phim đạt 5*, cũng như không có tác phẩm nghệ thuật nào toàn bích, nhưng sự khá hoàn chỉnh của Mùa len trâu khiến tôi vẫn một ghi một điểm 5.

8xAIhBgb.jpgPhóng to
Cảnh quay trong Mùa len trâu
TTCN - Trong những từ điển phim nước ngoài, người ta hay dùng dấu ngôi sao (*) để tính điểm cho phim, hiếm có phim đạt 5*, cũng như không có tác phẩm nghệ thuật nào toàn bích, nhưng sự khá hoàn chỉnh của Mùa len trâu khiến tôi vẫn một ghi một điểm 5.

Điểm đầu tiên đi kèm với chút ngạc nhiên. Truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam đã có nhiều thế hệ độc giả. Chắc cũng có không ít người làm phim đã đọc nhưng rồi bỏ qua.

Vậy thì phải tinh tường thế nào đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã đọc nó, dừng lại ngẫm nghĩ về nó lâu lâu, rồi chọn làm bộ phim đầu tay. Chuyện xảy ra đúng như phép thần kỳ trong một cửa hàng đồ cũ phủ đầy bụi, một người tinh tường và may mắn đã tìm mua được một viên ngọc quí mà chính người bán và bao nhiêu người mua đã bỏ qua, không định giá được. Tôi tin trong cái “cửa hàng đồ cũ” ấy vẫn còn có nhiều hạt ngọc như vậy đang chờ những cặp mắt biết định giá.

Điểm thứ hai: truyện Mùa len trâu dừng lại ở một câu chuyện giản dị, một chú thiếu niên được cha mẹ giao cho hai con trâu, gửi đi theo một đoàn đưa trâu sơ tán khỏi vùng nước ngập. Sau mùa nước nổi, chú trở về, dường như đã trở thành người lớn, biết hút thuốc, uống rượu, thậm chí biết... chửi thề. Một hành trình từ con nít trở thành người lớn, sau hành trình là một người trưởng thành, đồng thời thu nhận vào mình cả bụi trần tục.

Nguyễn Võ Nghiêm Minh mở rộng hơn tầm bao quát hiện thực. Câu chuyện phim chứng tỏ anh đọc kỹ và hiểu Sơn Nam, anh đã kết hợp những chi tiết rải rác trong nhiều truyện của Sơn Nam để làm nên phim Mùa len trâu. Hiện dần lên cảnh sắc Nam bộ mùa nước nổi của một thời đã qua. Hoàn cảnh lịch sử được chấm phá đôi nét bằng chiếc xuồng máy cắm cờ Pháp chở hai kẻ thu thuế, sau này là cảnh thoáng qua quân Pháp bị quân Nhật giải đi...

Trên bối cảnh đó là số phận những người nghèo không có đất, sống cùng nước và chết cũng cùng với nước, vùng đất cao đã thuộc hết về địa chủ. Mùa nước nổi, họ phải xua trâu đi tìm những bãi đất cao có cỏ. Trâu với người chung một cảnh khốn đốn khổ ải. Đoàn len trâu có cả ân oán giang hồ, giành giật cướp bóc, cũng có cả tình yêu và nghĩa khí Nam bộ. Không còn là chuyện trưởng thành của một chàng trai, Mùa len trâu là chuyện con người xử sự với môi trường và mọi sinh vật trong đó. Con trâu được trân trọng, được coi như bạn bè, được đặt vào bao hi vọng. Cảnh tế lễ khi có con trâu bị chết trên đường chạy nước gợi ấn tượng một gia súc đã trở thành tín ngưỡng. Một câu chuyện giản dị mang chứa triết lý giản dị đã được nâng thành bộ phim độc đáo, khỏe khoắn và cao sâu. Đó là nhờ kịch bản chặt chẽ và có ấn tượng của chính Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

“Phim này đã nói được tâm tư của tôi… Phim được nhiều giải thưởng chứng tỏ tính dân tộc của ta được thế giới nhìn nhận. Đối với dân mình, phim này như một trắc nghiệm tình yêu dân tộc.

Nên chiếu cho lớp trẻ xem để các em cảm được tinh thần dân tộc từ thời cha ông đi khẩn hoang…

Hai diễn viên chính chọn rất đúng, diễn ra vai.

Âm thanh thu thật tại chỗ, nhất là âm nhạc có hồn lắm! Người chăn trâu thổi sáo được khắc họa thật hay… Người đạo diễn có tài hơn tôi tưởng nên phim mới được như vậy”.

Điểm thứ ba: đạo diễn thực hiện kịch bản của chính mình, vì thế có thể coi Mùa len trâu là “phim tác giả”, trong đó có sự thống nhất ở mức độ cao nhất về tư tưởng và nghệ thuật. Nguyễn Võ Nghiêm Minh có những phẩm chất mà nhiều đạo diễn có danh có giải ở ta không có, mà đó lại là phẩm chất quyết định việc đạo diễn có nên tiếp tục hành nghề hay không: tài năng; tính chu đáo nghiêm cẩn trong hành nghề; và khả năng cấu trúc tác phẩm. Chỉ có tài mới rưng rưng với từng hạt nước bắn tóe theo từng bước trâu giẫm xuống, mới rùng rùng kích động theo hàng trăm con trâu ào ào lao đi, mới nghẹn ngào với tấm da con trâu bị chết, treo trên vách nhà như thế.

Chỉ có tài mới có thể chỉ trong một tình huống đơn giản mà làm cho người xem khó đoán được là xác người cha sẽ được bó chiếu treo trên mặt nước hay phải dìm xuống nước sâu, mới làm cho sự việc diễn tiến hợp lôgic và gây ấn tượng mạnh đến vậy.

Chỉ có tay nghề điện ảnh cao, thể hiện qua tính nghiêm cẩn trong dàn dựng chu đáo từng chi tiết mới làm cho người xem quên cả phim mà hòa nhập tự nhiên vào khung cảnh nước nổi mênh mang (thật sự đó là thế giới nghệ thuật mà tác giả tạo ra thôi).

Những cảnh đàn trâu dàn hàng ngang xông tới; cảnh một tuyến cắt ngang, xẻ dọc khi chàng trai dắt hai con trâu của mình đi ngược chiều; những cảnh tĩnh mà động, động mà tĩnh đúng niêm luật và đầy ngụ ý...

Đặc biệt khả năng tư duy chính xác ở Nguyễn Võ Nghiêm Minh không bị tính nghệ sĩ mông lung đuổi đi, biểu hiện ra ở cấu trúc khép vòng tròn khá chặt chẽ. Nếu anh đặt xuống kết phim chi tiết chú bé tìm thấy trên cánh đồng sau mùa nước cái cối đá dìm xác người ông ngày nào, tôi chắc là cái kết ấy sẽ phù hợp hơn với cấu trúc tuần tự của phim, Mùa len trâu sẽ mạch lạc và lâm ly hơn. Nhưng chi tiết này đã được đặt lên đầu phim, cấu trúc vòng đã gia giảm độ xúc động cải lương, mà gợi ấn tượng về một vòng luân hồi mới.

Điểm thứ tư: nhìn các diễn viên như đang đóng vai chính mình trong cuộc đời, khó mà không tấm tắc khen bàn tay đạo diễn. Diễn viên Lê Thế Lữ (vai chàng trai tên Kìm) xua trâu, chèo thuyền ngon lành như không khiến người xem nghĩ đây là nhân vật đạo diễn nhặt được đâu đó từ đám đông diễn viên quần chúng. Nhưng khả năng diễn xuất của anh cũng như các diễn viên khác trong phim đều biết diễn, dù chưa thật sâu, lại khiến ta tin họ là những diễn viên thứ thiệt vẫn chìm khuất đâu đó cho đến một ngày gặp được Nguyễn Võ Nghiêm Minh, được đạo diễn “phù phép” sống động bằng sự chỉ đạo diễn xuất có hạng. Nói như thế vì rất có thể vẫn những diễn viên đó thôi, nếu vào tay đạo diễn khác trong một bộ phim khác thì họ lại trở về với nếp diễn của loại phim giả tạo và nhạt nhẽo.

Điểm thứ năm:Mùa len trâu là tổng hòa của những điểm xuất sắc về kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim cùng những khâu kỹ thuật để giành lấy điểm 5 cho bộ phim xuất sắc nhất, giải thưởng mà phim đã giành được trong một số liên hoan phim quốc tế. Không ít khán giả có nghề khi xem Mùa len trâu đã thầm ước: giá mà nền điện ảnh đang lãng phí của ta cũng được phép như bên bóng đá, được thuê huấn luyện viên giỏi nước ngoài? Điện ảnh ta khi ấy sau khi đấu thầu kịch bản hay sẽ được phép mời đạo diễn giỏi nước ngoài, thêm cả những đạo diễn gốc Việt có tài có nghề...

Sao lại không nhỉ?

I7bTNeR3.jpgPhóng to
Nguyễn Võ Nghiêm Minh nhận giải thưởng tại LHP Amazonas
Tháng 8, tại LHP Locarno (Thụy Sĩ) phim dự thi Mùa len trâu đã đoạt Giải đặc biệt của ban giám khảo trẻ.

Tháng 10, tại LHP Chicago - LHP lâu đời nhất ở Bắc Mỹ và quan trọng nhất tại Mỹ về phim thế giới - Mùa len trâu đã nhận giải đạo diễn phim xuất sắc nhất với nhận xét của ban giám khảo: “Với một cách kể chuyện hoàn hảo, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh của Mùa len trâu đã thực hiện một phim đầu tay ngoạn mục”.

Tháng 11, tại LHP Amiens (Pháp), Mùa len trâu đã giành được giải thưởng lớn (Grand prix).

Tháng 12, tại LHP Amazonas (Brazil), Mùa len trâu đoạt giải đặc biệt hạng nhất của BGK quốc tế gồm nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng và các nhà phát hành phương Tây.Phim cũng được mời dự nhiều LHP quốc tế khác như Toronto (Canada), Busan (Hàn Quốc), Namur (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan)…

Nhà văn SƠN NAM 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên