23/06/2015 14:22 GMT+7

Nguyễn Văn Linh - những câu chuyện để lại

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG

TT - “Đất nước mình dài rộng lắm. Cán bộ phải đi nhiều nơi mới hiểu được dân, như vợ hiểu chồng. Đảng ta lấy dân làm gốc. Nếu cái gốc mình không nắm được thì làm sao dựa được!”.

Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi bà Ngô Thị Huệ - phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - tại hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM” sáng 22-6 (ảnh phải) - Ảnh: Quang Định

“Gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có hơn một nửa cuộc đời gắn bó máu thịt với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM. Tám lần là người đứng đầu Đảng bộ thành phố, vào những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng...” .

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải bắt đầu cuộc hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM” tổ chức ngày 22-6 như vậy.

Không chuẩn bị trước tham luận nhưng những mẩu chuyện, những kỷ niệm về chú Mười Cúc được bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước - kể tại hội thảo lại thu hút sự chú ý của nhiều người. Giai đoạn mới giải phóng, bà làm lãnh đạo Q.Tân Bình, một quận đông dân nhất TP.HCM lúc bấy giờ.

Tư duy đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất phát từ thực tiễn, đó là kết quả của một quá trình luôn sát cánh với nhân dân, bám sát thực tiễn, luôn trăn trở trước hiện thực khách quan, trong sản xuất và đời sống, nhìn thẳng vào sự thật, thấu hiểu ra và nói rõ sự thật, đặc biệt là những thiếu sót, khuyết điểm; nhận ra được những đòi hỏi khách quan của thực tiễn để đổi mới tư duy, đề ra những việc cần làm ngay phù hợp với quy luật để có thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng... 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM LÊ THANH HẢI

“Không nắm được gốc thì làm sao mà dựa!”

Vấn đề mà bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh hay hỏi nhất là đời sống và tư tưởng người dân. Bà Trương Mỹ Hoa báo cáo và không giấu được lo lắng khi Q.Tân Bình ngày đó còn nhiều tệ nạn xã hội, rất đông gia đình có người tham gia chế độ cũ, tư tưởng phức tạp...

Nghe vậy, ông dặn: “Ngay trong chiến tranh thì qua nòng súng cũng còn có tình người Việt Nam”. Bà Hoa giải thích thêm: “Chú Mười nói hình tượng văn vẻ, tôi hiểu là chú muốn chúng tôi phải xử sự thế nào để việc hòa hợp dân tộc được thực hiện một cách thực tâm, thực chất”.

“Chú Mười là vậy. Ông luôn theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ khi chúng tôi gặp khó khăn, luôn kiểm tra, giám sát việc chúng tôi làm. Ông nói như vậy mới là thật tâm bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ. Đợi đến khi tụi nhỏ làm sai rồi đổ tại non trẻ, thiếu kinh nghiệm là làm hỏng mất cán bộ rồi” - bà Hoa nhớ lại.

Sau này, khi được điều động ra công tác ở trung ương, phải xa nhà lúc con còn nhỏ dại, bà Trương Mỹ Hoa rất băn khoăn. Lại cũng chính ông Mười Cúc động viên: “Đất nước mình dài rộng lắm. Cán bộ phải đi nhiều nơi mới hiểu được dân, như vợ hiểu chồng. Đảng ta lấy dân làm gốc. Nếu cái gốc mình không nắm được thì làm sao dựa được!”.

Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, phát biểu tại lễ kỷ niệm -  Ảnh: Quang Định
Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: Quang Định

“Tuổi cao mà nhận trọng trách thì khó tránh khỏi sai lầm”

Ông Nguyễn Thọ Chân kể về người đồng chí thân thiết của mình: “Khi anh đã là tổng bí thư, trong một buổi họp mặt tại nhà tôi, khi ngồi uống trà, anh Hà Huy Giáp nói: "Xem ra chú mày còn phải thay đổi cách làm việc”. Anh Nguyễn Văn Linh lặng lẽ gật đầu. Tôi chứng kiến và thầm nghĩ anh vẫn giữ được ưu điểm của mình là khiêm tốn, từ ngày còn trẻ cho đến khi lên ghế lãnh đạo cao nhất, vẫn biết trên mình còn có các đàn anh”.

Ông kể tiếp: “Thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 7, anh Lê Văn Lương và tôi rất lo về mặt nhân sự. Chúng tôi đề xuất anh Linh làm thêm một khóa nữa nhưng anh kiên quyết nói: “Tôi tuổi đã cao rồi. Tuổi cao mà nhận trọng trách thì khó tránh khỏi sai lầm”.

Lần khác, khi có người góp ý với anh là anh chưa làm tốt công tác nội bộ, anh thẳng thắn nhận: “Đúng là tôi còn khuyết điểm đó”. Khi tôi nói với anh là nhiều người khen anh có những quyết định tốt trong công cuộc đổi mới, anh liền nghiêm mặt: “Nếu nói về đổi mới phải là anh Trường Chinh chứ không phải tôi”. Theo tôi, đó là đạo đức cao nhất của người cộng sản, luôn biết mình, biết người. Tôi khâm phục thái độ chân thành của anh” - ông Nguyễn Thọ Chân nhấn mạnh.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, tâm đắc nhắc đến tính nguyên tắc của ông Nguyễn Văn Linh. Sự nghiệp của ông có lúc thăng trầm, có lúc đã ra khỏi Bộ Chính trị, ông vẫn không một lời thắc mắc với ai, tranh thủ cá nhân nào hay làm điều gì không có lợi cho Đảng.

Ông cho rằng để người khác hiểu mình phải thuyết phục bằng thực tiễn, việc làm và phẩm chất của người cộng sản. Ông đã tìm lại lòng tin của dân với Đảng từ những điều đơn giản nhất: nói đi đôi với làm. Khi nhận chức tổng bí thư, ông bỏ việc dùng chuyên cơ khi không cần thiết, không cho xe hụ còi mở đường khi đi lại trong thành phố, tự tay duyệt danh sách cán bộ đi kèm khi đi công tác nước ngoài...

Câu chuyện của bà Bảy Huệ

Không nhắc đến những điều to lớn mà Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã làm cho cuộc đời, vì đất nước, bà Bảy Huệ (bà Ngô Thị Huệ - phu nhân của ông) kể cho mọi người nghe về một anh Mười Cúc thời thanh niên vừa rụt rè vừa quyết liệt trong cả tình yêu: “Tôi gặp anh Mười lần đầu khi đi đón đoàn tù nhân Côn Đảo vừa được tự do sau Cách mạng Tháng Tám. Trò chuyện được vài câu làm quen rồi cả hai mỗi người mỗi việc lẫn vào đám đông. Lần thứ hai, tôi đi dự họp Quốc hội ở Hà Nội về, anh đi đón tại ga xe lửa. Đón thôi chứ không dám nhìn mặt, cũng không nói chuyện để khỏi lộ bí mật. Về nhà cơ sở tôi mới nhận ra gương mặt anh quen quen. Trao đổi công việc chớp nhoáng rồi tôi đi ngay về cứ, mang theo một chồng thư. Đến căn cứ, mở ra chuyển thư thì thấy trong đó có một lá thư ghi tên Ngô Thị Huệ...”.

Đó là lá thư mà ông Mười Cúc đã cố ý bỏ lẫn vào chồng thư, ngỏ lời thương với bà Bảy và đề nghị... làm đám cưới.

“Tôi bất ngờ và có phần còn bất bình. Từ nhỏ tôi ở chùa, ăn chay trường, nay có người mới gặp mặt mà đòi cưới. Còn bực nữa là các chị em xung quanh biết cả... Sau đó, vài lần hội họp gặp nhau nữa, anh nói với tôi về lý tưởng làm cách mạng đấu tranh cho một cuộc đời công bằng, kể chuyện mình bốn tuổi mồ côi cha, bảy tuổi mồ côi mẹ, chịu bao thiệt thòi, thiếu thốn... Sau đó nữa, anh Ba Duẩn viết thư rất dài cho tôi giới thiệu về anh. Hơn một năm sau, chúng tôi làm đám cưới, cũng nhân một cuộc họp thường vụ ở căn cứ Láng Le - Bàu Cò. Xứ ủy Nam bộ cử người đi dự, quà cưới là 100 trái gòn để lấy bông làm gối...”.

Ngay sau đó, bà Bảy đã tiếp tục với những kỷ niệm thấm xót xa về chồng mình: “Năm 1998, các con tôi bàn nhau tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới cho cha mẹ. Tôi nhẩm tính lại cưới nhau 50 năm mà cả vợ chồng cứ hai ngả đường công tác, vợ Bắc chồng Nam, rồi lại chồng Bắc vợ Nam, những ngày sống chung cộng lại chẳng được tròn vài năm. Ông mắc bệnh và không thích rình rang nên không đồng ý tổ chức. Chỉ sau ngày kỷ niệm ấy hai tuần, ông đã ra đi mãi mãi, trên lưng còn bốn vết sẹo lớn in từ ngày 16 tuổi bị đày chung thân khổ sai ngoài Côn Đảo vì rải truyền đơn chống Pháp, vì không vác nổi bao lúa mà bị đánh bằng roi cá đuối...”.

Những kỷ niệm, những câu chuyện, những bài học rút ra từ cuộc đời hoạt động của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh còn rất dài...

Triển lãm 27 bài “Những việc cần làm ngay”

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 - 2015), chiều 22-6 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm tư liệu “Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và sự nghiệp đổi mới đất nước”.

Triển lãm trưng bày gần 1.000 tư liệu được lựa chọn trong tổng số hơn 2 triệu đơn vị tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam về Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và sự nghiệp đổi mới đất nước.

Triển lãm cũng giới thiệu 27 bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đăng trên báo Nhân Dân với bút danh N.V.L. từ ngày 25-5-1987 đến 28-9-1990. Nhiều số báo Tuổi Trẻ trong thời kỳ đổi mới có đăng các bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng được trưng bày tại triển lãm.

V.V.TUÂN

____________

Mời bạn theo dõi toàn văn bài phát biểu đề dẫn của ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM tại đây.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên