21/06/2018 19:27 GMT+7

Nguyên nhân và cách ngăn ngừa khàn tiếng

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Khàn tiếng là thay đổi bất thường về giọng, là tình trạng hay gặp kèm theo với khô và ngứa họng.

Nguyên nhân và cách ngăn ngừa khàn tiếng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: vecer.mk

Khàn tiếng thường do vấn đề của dây thanh âm và có thể liên quan đến viêm thanh quản. Nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài trên 10 ngày, hãy đến gặp bác sĩ vì đó có thể là triệu chứng của một bệnh lý nặng.

Khàn tiếng (khàn giọng) là thay đổi bất thường về giọng, là tình trạng hay gặp kèm theo với khô và ngứa họng. Khi bị khàn tiếng, giọng của bạn trở nên khàn, yếu, trầm làm cho tiếng nói của bạn không trong và mượt mà.

Các nguyên nhân gây khàn tiếng

Khàn tiếng thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Những yếu tố khác có thể gây khàn tiếng như:

- Sự trào ngược acid dạ dày thực quản;

- Hút thuốc lá;

- Uống nhiều rượu và caffein;

- La hét hoặc hát kéo dài hoặc các hoạt động sử dụng đến dây thanh âm quá nhiều;

- Dị ứng;

- Hít phải các chất độc hại;

- Ho quá nhiều;

Những nguyên nhân ít phổ biến hơn, đó là:

- Pô lýp dây thanh âm;

- Ung thư phổi, tuyến giáp, họng;

- Chấn thương họng;

- Thời kỳ dậy thì ở nam giới (khi giọng nói trở nên trầm hơn);

- Thiểu năng tuyến giáp;

- Phồng động mạch chủ;

- Tổn thương dây thần kinh làm yếu các cơ thanh quản;

Khi nào thì bạn cần đến gặp bác sĩ?

Khàn tiếng không phải là một tình trạng cần cấp cứu nhưng nó có thể liên quan tới những bệnh lý nặng. Hãy đến gặp bác sĩ nếu khàn tiếng dai dẳng, trên một tuần ở trẻ em và trên 10 ngày ở người lớn.

Đến khám bác sĩ ngay nếu khàn tiếng kèm theo sổ mũi (ở trẻ em) và khó nuốt hoặc khó thở. Mất giọng đột ngột có thể kèm theo một tình trạng bệnh lý nặng.

Khi bạn đến phòng khám hay khoa cấp cứu với triệu chứng khó thở thì bạn sẽ được thở oxy qua mặt nạ hoặc đặt nội khí quản tùy vào mức độ khó thở của bạn.

Bác sĩ sẽ hỏi những triệu chứng của bạn cũng như là tiền sử các bệnh bạn đã mắc: Chất lượng và cường độ giọng của bạn, số lần xuất hiện và thời gian tồn tại các triệu chứng; hỏi về những yếu tố làm tăng thêm khàn tiếng như là hút thuốc lá, la hét, nói trong thời gian dài; các triệu chứng kèm theo như sốt, mệt mỏi.

Bác sĩ sẽ khám họng của bạn bằng một cái gương nhỏ để kiểm tra các bất thường cũng như tình trạng viêm. Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn mà họ có thể chỉ định các xét nghiệm như chụp X-quang hay cắt lớp vi tính họng, xét nghiệm công thức máu để đánh giá số lượng hồng cầu và bạch cầu.

Một vài lưu ý có thể giúp bạn giảm khàn tiếng

- Để giọng của bạn được nghỉ ngơi một vài ngày: Tránh nói và la hét, không huýt sáo vì nó sẽ làm căng dây thanh âm của bạn hơn.

- Uống nhiều nước: Nước sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng cũng như làm ướt họng.

- Tránh cafein và rượu: Vì chúng có thể làm khô họng của bạn và làm khàn tiếng nặng hơn.

- Sử dụng máy làm ẩm không khí: Nó sẽ giúp thông thoáng đường thở và dễ thở hơn.

- Tắm nước ấm: Hơi nước từ vòi hoa sen cũng sẽ giúp làm ẩm và thông thoáng đường thở của bạn.

- Dừng hoặc hạn chế hút thuốc: Thuốc lá sẽ làm khô và ngứa họng.

- Làm ẩm họng của bạn của bạn bằng cách ngậm các viên ngậm hoặc nhai kẹo cao su: Nó sẽ giúp tăng tiết nước bọt và có thể giúp làm dịu cổ họng.

- Loại bỏ các yếu tố gây dị ứng từ môi trường của bạn: Dị ứng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm khàn tiếng.

- Không sử dụng các thuốc chống ngạt mũi vì chúng có thể làm ngứa và khô họng của bạn.

Hãy đến khám bác sĩ nếu các biện pháp trên không giúp bạn làm giảm khàn tiếng.

Nếu bạn bị khàn tiếng dai dẳng và mạn tính có thể là triệu chứng của một bệnh nặng. Xác định sớm nguyên nhân sẽ giúp bạn ngăn bệnh nặng lên và hạn chế các tổn thương dây thanh âm và họng.

Phòng bệnh

Một vài phương pháp có thể giúp bạn bảo vệ dây thanh âm:

- Dừng hút thuốc lá hoặc tránh hút thuốc thụ động: Hít khói thuốc có thể gây kích thích ở dây thanh âm và thanh quản, làm khô họng của bạn.

- Rửa tay thường xuyên: Khàn tiếng có thể do nhiễm trùng đường hô hấp. Rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn và giúp bạn khỏe mạnh.

- Uống nhiều nước: Uống tối thiểu 8 ly nước mỗi ngày. Nước làm loãng đờm và làm ẩm họng của bạn.

- Tránh sử dụng cafein và các đồ uống có cồn vì chúng có tác dụng lợi tiểu và có thể làm bạn mất nước.

- Hạn chế khạc nhổ vì nó có thể làm tăng khả năng bị viêm dây thanh và kích thích họng của bạn.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên