16/06/2019 15:16 GMT+7

Nguyễn Ngọc Tư và tâm thế làm bạn với cuộc đời

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Viết văn để làm gì? Nhà văn có giá trị như thế nào giữa cuộc đời? Câu hỏi tưởng giản đơn, nhưng không phải nhà văn nào cũng nhất trí với nhau về các quan niệm làm nghề.

Nguyễn Ngọc Tư và tâm thế làm bạn với cuộc đời - Ảnh 1.

Ấy vậy mà trong tập tản văn Hành lý hư vô, Nguyễn Ngọc Tư âm thầm trả lời câu hỏi ấy. Và, thật may mắn, sự chọn lựa của Nguyễn Ngọc Tư mới đáng quý làm sao: Viết văn để làm bạn với cuộc đời.

Bạn với nhau thì thế nào? Cứ đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, sẽ thấy những điều nói ra chính là những chỗ nắm bắt của bằng hữu thâm tình, sống hết lòng hết dạ với nhau.

Có như vậy, mới nhận ra tình mẫu tử nơi bà bán quán cóc và một anh dở người suốt ngày say xỉn; hay bắt gặp một phận người độc dị như thằng Khờ trên đỉnh núi Xanh: tình nguyện để cho lời hẹn "chờ đá trổ bông" của người mẹ nhẫn tâm ghim đời nó vào bao nỗi cơ cực.

Phải chí tình với cuộc đời đến mức nào, mới nhận thấy sự đổi thay trong từng vùng đất mang nhiều mầm bất ổn. Từ một đám cưới ở rừng đến mấy chữ "đi Bình Dương" mở ra một trận lốc mưu sinh khốc liệt đang bứng từng con người ra khỏi bản quán, quăng vào nơi chốn xa lạ mà oái ăm thay, hư vô lại là cái nhìn rõ nhất ở tương lai.

Không nhận mình là bạn với cuộc đời, sao biết được người đàn bà dân tộc trên quãng đèo Tây Bắc có một nhận xét sắc lẹm: "Từ lắm người xuôi lên, bụi mới nhiều"; và làm sao thấu được tấm lòng nhân hậu của cô Ba Trầu với chiếc ghe truyền đời bán bông kiểng dịp cuối năm khi nói về người chồng phụ bạc: "Thấy cây kiểng còi mình còn săn sóc, ổng ra nông nỗi vậy bỏ luôn sao đành".

Nhưng gây ám ảnh nhất là hình ảnh "sẹo của nước" trong một tản văn của Nguyễn Ngọc Tư. Một vụ án oan khuất trùng trùng, nạn nhân là cậu bé mồ côi sống tốt bụng hết lòng với dân làng, và cũng vì lòng tốt mà cậu bị khép tội khi cứu người. Pháp luật và những người đại diện không đứng về phía cậu, ngay cả người cậu cứu cũng không.

Vậy mà dân làng, những người thất học, ít học, chỉ chan chứa lòng nhân ái và giàu niềm tin là khẳng quyết rằng: cậu bé không thể là kẻ ác.

Nguyễn Ngọc Tư gọi tên nhân vật là Chơn - một ngụ ý sâu xa và đặt nhan đề truyện là Sẹo của nước. Câu chuyện có hậu: cậu Chơn được minh oan nhờ dân làng dốc lòng đi đòi công lý, để từ chỗ cậu mất hết niềm tin "Tui nghĩ ông trời đui" đến lúc cậu cùng tin với mọi người: Trời có mắt.

Nhưng hóa ra chỗ không có hậu chính là cái sẹo vô hình để lại trong lòng tốt của Chơn và dân làng: tất cả đều đắn đo khi được hỏi: Vậy nếu gặp người bị nạn bên đường, Chơn có ra tay cứu nữa không? Từ chỗ lòng thiện vô tư giục Chơn lao ra cứu người đến chỗ xuất hiện sự đắn đo, đó là vết sẹo, sẹo của lòng thiện, của từ tâm, của bác ái vô tư.

"Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành" - Nguyễn Ngọc Tư kết thúc bài viết như vậy.

Hành lý hư vô còn "để lộ" những nét văn thật độc đáo. Chẳng hạn như cái sự đô thị hóa đã thay đổi tánh cách con người nơi thôn dã, Ngọc Tư viết: "Con đường mới mở làm cả xóm ríu rít quay mặt theo nó, để sông lại đằng lưng". Hay khi đề cập đến dấu vết thời gian nơi anh chàng tâm thần say xỉn suốt ngày, Ngọc Tư dùng hình ảnh: "Mặc thời gian trồng tóc râu lên khối da thịt mọng rượu".

Và lạ nhất là cái tứ Ngọc Tư nói về sự dài dặc của đời người: "Không mùa, đời người dằng dặc không rào vách". Những nét văn như vậy, dành nhấm nháp trong những ngày hè, chẳng phải khoan khoái lắm sao.

Vì sao một giải thưởng cho Nguyễn Ngọc Tư là cần thiết? Vì sao một giải thưởng cho Nguyễn Ngọc Tư là cần thiết?

TTO - Đã lâu lắm rồi chúng ta mới lại có thêm một cây bút văn xuôi đoạt giải thưởng văn học của nước ngoài: nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải LiBeraturpreis 2018 do LitProm sáng lập và trao tặng.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên