1... Nhưng cháu tôi, trong những lần nói chuyện trước đó, có cho biết cô giáo ở lớp thường khuyến khích các bạn khi làm bài tập làm văn về nhà, thì lên mạng (hoặc nhờ bố mẹ lên mạng - cháu nói rõ như vậy) tìm các bài văn hay chép lại, rồi đem nộp. Trong lớp hơn 30 bạn làm theo cách ấy, và được cô cho điểm cao, cô khen...
Chuyện này khiến tôi nghe chăm chú. Tôi suy nghĩ, đắn đo, rồi bằng nhiều cách trong nhiều lúc của năm học, mỗi lần gặp nhau, tôi nói với cháu về việc không nên chép bài của người khác làm của mình, dù là việc ấy có được cô giáo khuyến khích.
Tôi nói mỗi lần từng chút một, bởi tôi thực sự lo lắng cháu tôi sẽ rơi vào hoang mang vì cùng lúc tiếp nhận hệ giá trị kép đối nghịch: những gì cô giáo dạy ở lớp mâu thuẫn với những gì người chú dạy ở nhà.
Nhưng tôi muốn cháu tôi nhất định phải phân biệt được đâu là hành vi tự mình làm ra sản phẩm và đâu là hành vi sao chép/ lấy cắp/ biến cái của người khác thành của mình.
Tiếp theo, tôi nhấn mạnh đến niềm kiêu hãnh của một người tự lập trong học tập, sáng tạo mà hành vi tự làm bài chứ không chép của người khác là nấc thang đầu tiên cần phải tôn trọng và bước qua.
2 Có lẽ vì tin tưởng người nhà, cháu tôi lập chí không chép bài trên mạng, mặc dù có thể điều đó khiến cháu không vui vì bài làm của cháu thường quá, không được cô khen.
Thỉnh thoảng, cháu có kể bạn này bạn kia trong lớp vừa làm bài văn tả cây ăn trái được cô khen, nhưng cháu biết bạn ấy chép trên mạng, vì nhà bạn ở thành phố, và trong lúc trò chuyện, bạn hồn nhiên cho biết thực ra bạn cũng chưa gặp cây mít, cây sầu riêng bao giờ cả.
Những lúc như vậy, tôi thực sự phân vân, tôi lựa lời làm cho cháu vui và bảo cháu đem bài làm của cháu cho tôi xem, tôi khen những ý cháu tự nghĩ và viết ra trung thực, hồn nhiên, đáng yêu. Tôi bảo, cháu học lớp bốn, và cháu làm được bài văn như thế này là tốt, đúng chất lượng của bài văn lớp bốn đấy, đừng lo.
Nhưng tôi mới là người lo. Lẽ ra đến cuối năm, khi nhìn thấy niềm vui rạng rỡ nhất loạt trên khuôn mặt các phụ huynh, tôi cũng vui cùng mới phải.
Vậy mà không hiểu sao cái hình ảnh những bài văn chép trên mạng, lời cô giáo khen hôm nào và lời báo cáo kết quả học tập của lớp hôm nay... làm tôi thấy mình như đứng trong một vở kịch mơ màng...
Cậu học trò mười tuổi lên mạng chép bài của người khác đem nộp được cô khen nên vui, là cái vui của độ tuổi chưa kịp nhận thức phải trái, gian ngay.
Người phụ huynh không biết con mình thực học ra sao nên họ vui. Nhưng có những giáo viên đầu hai thứ tóc vẫn cứ dạy trẻ con sao chép và lấy văn của người khác làm của mình một cách vô tội vạ như vậy mà vui được sao?
3 Cho nên, mới đây khi hay tin cây viết trẻ đạo văn của nhà văn nổi tiếng trong một cuộc thi mà chính nhà văn này làm giám khảo, tôi lại nghĩ đến vấn đề nhân quả của hành vi đạo văn này. Những người lớn đang làm chính sách giáo dục có để ý đến sản phẩm do mình làm ra không?
Câu chuyện của cháu tôi kỳ thực là cũ rồi đấy, và việc ấy bao năm nay vẫn vậy thôi. Chẳng qua nhân chuyện đạo văn, tôi muốn nhìn dưới góc độ nhân quả, để thấy không phải tự nhiên mà nảy ra một anh đạo văn.
Hãy nghe tác giả trả lời một tờ báo về chuyện này: Do tôi đọc nhiều truyện của chị ấy, nên khi nhìn vào đề tài, tôi đã không lường trước được hậu quả khi tình tiết tôi viết ra nó tự tuôn một cách không ý thức.
Chính cái "không ý thức" mà anh gọi đó, nó là một dạng ý thức khác, được hình thành từ dưới mái trường trong những năm tháng ấu thơ của đời người rồi. Chẳng qua những câu chuyện học văn như đứa cháu tôi ấy mà, thường chỉ có hai chú cháu biết với nhau thôi.
Tuần trước, giới văn nghệ xôn xao về trường hợp truyện ngắn Biến mất của tác giả Kai Hoàng có nhiều chi tiết và nội dung giống như “sinh đôi” với truyện ngắn Những biển của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từng in trong tập Cố định một đám mây phát hành mới đây.
Càng quái lạ hơn là Kai Hoàng đã hồn nhiên gửi truyện Biến mất dự cuộc thi viết do một tờ báo tại TPHCM tổ chức mà Nguyễn Ngọc Tư là thành viên Ban giám khảo.
Sự việc này có vẻ gây sốc cho Ngọc Tư và nhà văn đã trả lời một tờ báo với hình ảnh ví von thật đáng suy nghĩ: “Bạn trộm một con mèo về nuôi, dần dần con mèo là của bạn, nhưng chữ thì không. Kể cả không ai phát hiện ra hoặc phát hiện mà người ta chẳng hô hoán lên thì chữ mãi mãi vẫn không phải của bạn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận