18/10/2015 21:42 GMT+7

Chữa bệnh mê tín dị đoan, mất tiền, mất cả mạng sống

LAM XUÂN thực hiện
LAM XUÂN thực hiện

TTO - Mới đây, lại có bệnh nhân tử vong vì thầy lang ấn huyệt, tạt nước vào mặt... Đây không phải là trường hợp hiếm nhận hậu quả do người dân cứ chữa bệnh theo kiểu "vái tứ phương".

BS Nguyễn Văn Ca - phó chủ nhiệm bộ môn tâm thần kinh Bệnh viện 175

Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với BS Nguyễn Văn Ca - phó chủ nhiệm bộ môn tâm thần kinh Bệnh viện 175 - về vấn đề này. 

* Báo chí thông tin rất nhiều về những trường hợp tử vong do người bệnh khám tại các cơ sở hành nghề mê tín dị đoan, nhưng người dân vẫn đến và để lại hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ có thể lý giải điều này?

- Chính vì tâm lý truyền miệng và thổi phồng sự việc sẽ tạo động lực cho những người có “tinh thần yếu” không kịp suy xét. Bản thân vô tình được khỏi bệnh nhưng lại kể cho nhiều người về bệnh của mình thật ly kỳ, nặng nề và được chữa khỏi một cách thần kỳ bởi thầy lang thần thánh.

Tam sao thất bản khi người này đồn người kia tạo nên hiệu ứng. Bên cạnh đó, những trường hợp hết bệnh thì một nhưng đồn đến mười này lại đưa lên các diễn đàn và sự lan truyền càng rộng rãi hơn.

Các trường hợp báo chí thông tin cũng cho thấy rõ, người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nghe đồn thổi rồi lần mò tìm đến những người chữa bệnh không dựa trên cơ sở khoa học này. Họ chỉ nghe được rằng người này chữa được bách bệnh từ ung thư sắp chết cho đến các tật cơ xương khớp bẩm sinh… Thậm chí có những đường dây giới thiệu người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh này từ các nhà xe để cùng hưởng lợi chẳng hạn.

Cũng thông tin thêm rằng tâm lý giải thoát cũng là một trong những nguyên nhân. Dù bệnh tình người nhà rất nặng nhưng nếu nghe ở đâu đó có thể chữa được mà không đưa người nhà đến chữa sẽ ân hận là mình làm chưa hết khả năng, đầu hàng số phận sớm khiến người nhà ra đi.

* Người dân ở vùng sâu vùng xa thường là những nạn nhân của các cơ sở lang băm và dẫn đến tình trạng tử vong nhiều nhất. Bác sĩ có nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Mọi người vẫn mặc định những người dân ở các vùng nông thôn hẻo lánh, thiếu kiến thức về thông tin nên dễ bị lừa. Hoặc sự thiếu hiểu biết khiến họ không phân biệt được đâu là bệnh lý và đâu là mê tín.

Họ cứ cho rằng người bị bệnh về tâm thần kinh là do ma nhập, tin vào các “thánh cô”, vái lạy, điều trị khổ sai… là trừ ma, dẫn ma ra khỏi cơ thể người bệnh. Bên cạnh tâm lý “do ăn ở” hoặc “do kiếp trước” nên kiếp này phải trả càng khiến người bệnh bị kỳ thị và không được quan tâm đúng cách.

Trong khi đó, người bệnh tâm thần là nhóm người bệnh đau khổ nhất, họ không còn nhận thức được bản thân và cần sự hỗ trợ từ gia đình nhiều nhất. Họ không được sự lựa chọn và chỉ phụ thuộc vào người nhà.

Tất nhiên, nhóm người dân thiếu thông tin là chiếm đa số khi đến các cơ sở khám chữa bệnh này. Nhưng bên cạnh đó, một nhóm người không nhỏ có kiến thức, có hiểu biết vẫn chọn cách chữa trị mê tín này.

Mong muốn khỏi bệnh là nguyện vọng chính đáng nhưng cần cân nhắc để tránh tiền mất tật mang.

Có một bộ phận bệnh nhân lại mắc các chứng bệnh khó nói, và lo sợ thông tin cá nhân sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài nếu khám ở hệ thống bệnh viện. Nên khi đến các thầy lang này họ có cơ hội được chữa bệnh lại bảo toàn được bí mật riêng tư của mình.

Thực tế, không có bệnh nào đáng xấu hổ để phải che giấu. Vô sinh hay các bệnh nhạy cảm đều được khoa học cố gắng tìm cách cứu chữa và bệnh nhân được bảo mật thông tin cá nhân cho dù là bệnh gì.

* Vậy theo bác sĩ, đâu là giải pháp để giảm thiểu tình trạng người dân chấp nhận chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan và những người hành nghề vô lương tâm?

- Về mặt bệnh lý, để được xác định đúng và đưa ra hướng điều trị phù hợp thì bệnh nhân phải được khám và chẩn đoán dựa trên các cơ sở khoa học. Tùy theo từng chuyên khoa sẽ có sự kết hợp giữa y học hiện đại, kết hợp y học cổ truyền và tâm lý liệu pháp. Nhưng dù là phương pháp hay sự kết hợp nào, người bệnh cũng phải tuân thủ theo phác đồ bác sĩ điều trị.

Chỉ có người có chuyên môn mới biết họ nên làm gì, còn những “thầy lang đồn thổi” rõ ràng họ không có chuyên môn và chữa bệnh không dựa trên bất kỳ một cơ sở khoa học nào. Tin vào thế giới tâm linh để cân bằng cuộc sống và có nơi nương tựa về mặt tinh thần, giúp con người làm lành tránh dữ là nên. Nhưng không nên mê tín để hại người và hại người thân.

Chúng tôi thường điều trị cho những trường hợp bị ảo giác, rối loạn tâm thần do nghiện rượu… trong quá trình điều trị bằng dược học, bệnh nhân sẽ có biểu hiện lơ mơ, tạm quên một số chuyện… do thích ứng thuốc. Nhưng người nhà lại lo lắng và muốn đưa người bệnh về nhà, thà cho người bệnh uống rượu trở lại, có thể sẽ nói nhiều, quậy phá nhưng không bị mất trí như vầy…

Sự không tin tưởng khiến người bệnh và người nhà lâm vào tình cảnh luẩn quẩn. Có một số gia đình chấp nhận hành vi của người bệnh trong thời gian dài nên không cần phải điều trị tiếp tục và khi bức bách quá họ lại dễ dàng nghe theo tin đồn đoán trừ ma giải độc ở đâu đó.

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là bản chất tâm linh ăn sâu vào người Việt nên để cải thiện nhận thức của những người bệnh “lâm vào bước đường cùng” thì khó cải thiện được ngày một ngày hai mà cần có chiến dịch truyền thông lâu dài về các bệnh lý thường gặp. Đâu là bệnh và phương pháp điều trị là gì, họ có cái nhìn tổng quan sẽ giúp nâng cao ý thức tốt hơn.

Kiểm soát các cơ sở khám chữa bệnh và kịp thời thông tin để người dân phòng tránh là điều nên làm. Tăng cường công tác quản lý này tại cơ sở địa phương, đơn vị quản lý trực tiếp.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống bác sĩ gia đình ngày càng sâu rộng sẽ giảm thiểu được gánh nặng y tế vầ nâng cao ý thức sức khỏe của người dân tốt nhất.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

LAM XUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên