12/06/2015 08:56 GMT+7

Nguy cơ từ việc tái sử dụng vật tư y tế

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Với một số bệnh, bác sĩ phải sử dụng vật tư y tế để can thiệp điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, người bệnh muốn dùng hàng mới 100%, dù có thẻ bảo hiểm y tế hay bệnh nhi được điều trị miễn phí vẫn phải trả thêm tiền.

Bệnh nhi thuộc diện được điều trị miễn phí nhưng dùng VTYT mới 100% phải đóng thêm tiền.  Trong ảnh: bệnh nhi bệnh tim bẩm sinh điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Hữu Khoa
Bệnh nhi thuộc diện được điều trị miễn phí nhưng dùng VTYT mới 100% phải đóng thêm tiền. Trong ảnh: bệnh nhi bệnh tim bẩm sinh điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Hữu Khoa

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã thông báo cho các khoa, phòng kể từ ngày 29-4, bệnh viện thu thêm tiền trong trường hợp bệnh nhân dùng vật tư y tế (VTYT) mới 100% đối với chín loại VTYT mà quỹ BHYT có quy định phải sử dụng nhiều lần (2 - 4 lần).

Nguy cơ lây nhiễm một số bệnh truyền nhiễm cũng có thể xảy ra vì lòng trong của bóng không thể súc rửa sạch, bệnh viện đã thử hấp bóng tiệt trùng và kết quả cấy vi trùng cho thấy không đảm bảo tiệt trùng tốt
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định về việc tái sử dụng nhiều lần các loại bóng sử dụng trong nong van động mạch phổi và động mạch chủ ở trẻ em.

Phải đóng thêm tiền

Trong chín loại VTYT nói trên, có bốn loại thu thêm 50% gồm: ba bóng đo đường kính lỗ thông liên nhĩ với giá thu thêm gần 1,75 triệu đồng, bộ sheath thu thêm 3,25 triệu đồng. Năm loại còn lại là các loại ống thông chẩn đoán thu thêm 67% (một loại thu thêm hơn 1,2 triệu đồng, bốn loại thu thêm 320.000 đồng).

Đây là những VTYT được dùng để thông tim can thiệp cho bệnh nhi bị dị tật tim bẩm sinh và hầu hết là trẻ em dưới 6 tuổi - theo quy định được điều trị bệnh miễn phí. Với quy định này, bệnh nhi dù có thẻ BHYT nhưng khi sử dụng những VTYT nói trên vẫn phải đóng thêm tiền.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã gửi văn bản đến Bảo hiểm xã hội TP và Sở Y tế TP nói bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện văn bản của Bảo hiểm xã hội TP (hướng dẫn thanh toán chi phí VTYT có dải giá rộng, VTYT khó định lượng, tái sử dụng theo thông tư 27/2013 của Bộ Y tế). Bệnh viện đề nghị chỉ sử dụng một lần cho mỗi bệnh nhân đối với sáu loại VTYT mà quy định buộc phải tái sử dụng nhiều lần.

Tháng 3-2014, Bệnh viện Nhân dân 115 có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội TP cho biết bệnh viện đang sử dụng hai loại máy cắt nối tự động. Trong đó, máy cắt nối tự động vòng (máy cắt nối tự động ống tiêu hóa) chỉ sử dụng được một lần.

Trước đây, Bảo hiểm xã hội TP vẫn thanh toán đủ cho người bệnh sử dụng máy cắt nối tự động vòng nhưng từ khi có quy định tái sử dụng, bệnh viện phải thu thêm tiền bệnh nhân. Điều này rất khó khăn cho bệnh viện và ảnh hưởng tới quyền lợi người bệnh BHYT.

Bệnh viện Triều An cũng gửi công văn cho biết máy cắt nối tự động bệnh viện đang dùng được thiết kế chỉ sử dụng một lần cho một bệnh nhân nên không thể sử dụng hai lần và thanh toán hai lần theo quy định.

Bệnh viện Triều An cho rằng quy định sử dụng hai lần máy cắt nối tự động là chưa hợp lý và đề nghị Bảo hiểm xã hội TP chấp thuận việc sử dụng và thanh toán tạm thời máy cắt nối ruột tự động một lần/bệnh nhân theo cách quỹ BHYT thanh toán 50% và bệnh nhân trả thêm 50% chi phí.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1, các loại bóng nong van, bóng đo đường kính lỗ thông liên nhĩ, bóng nong vách liên nhĩ thường được sử dụng trong nong van động mạch phổi và động mạch chủ ở trẻ em. Khi hấp vô trùng để sử dụng lại, bóng sẽ mất tính trơn láng và đàn hồi ở những lần sử dụng sau, rất dễ bị bể bóng khi nong, tăng tỉ lệ tai biến.

Khi tái sử dụng phải xếp bóng lại bằng tay, sẽ làm khẩu kính bóng khi tái sử dụng lớn hơn rất nhiều nên bác sĩ phải dùng dụng cụ mở đường lớn, khó khăn khi luồn qua những mạch máu hay cấu trúc tim, đặc biệt ở trẻ em.

Ngoài ra, đầu bóng và thân bóng luôn được nhà sản xuất phủ lớp bôi trơn và chống đông máu nên việc tái sử dụng sẽ mất hết các đặc tính này, tăng nguy cơ tai biến như gây tổn thương mạch máu, tạo cục máu đông... cho bệnh nhi.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng khẳng định đối với bộ sheath - dụng cụ dùng để đưa vào đóng các lỗ thông trong tim - cũng không thể tái sử dụng được vì sẽ làm tăng nguy cơ tai biến tổn thương mạch máu, tạo cục máu đông... do mất hết lớp bôi trơn và chống đông máu khi tái sử dụng. Ở trẻ em thường có hiện tượng co thắt tĩnh mạch khi đưa dụng cụ có kích cỡ lớn vào. Đây là biến chứng rất nguy hiểm.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cũng nói việc tái sử dụng các VTYT kể trên là không nên vì không bảo đảm an toàn cho bệnh nhi.

Chưa thống nhất được

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - nói theo quy định tại thông tư 27 của Bộ Y tế (về việc ban hành danh mục VTYT thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT), có một số loại VTYT phải sử dụng lại, còn tái sử dụng bao nhiêu lần thì cơ sở khám chữa bệnh thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tại TP.HCM, từ tháng 1-2014 đến nay, Bảo hiểm xã hội TP đã nhiều lần gửi văn bản cho Sở Y tế đề nghị thống nhất dự thảo hướng dẫn về việc thực hiện thông tư 27/BYT.

Tuy nhiên, đến nay Sở Y tế vẫn chưa có phản hồi cho Bảo hiểm xã hội TP. Bà Huyền cho rằng chỉ có Sở Y tế mới đánh giá được định mức, số lần tái sử dụng VTYT bao nhiêu là phù hợp và đảm bảo an toàn, điều trị tốt cho bệnh nhân.

Theo bà Huyền, thực tế cũng có việc sử dụng lãng phí VTYT ở một số cơ sở y tế. Còn việc bệnh viện thu thêm tiền của bệnh nhân BHYT thế nào thì bà chưa rõ, nhưng bà cho rằng thu thêm như vậy là khó cho bệnh nhân.

“Hiện nay định mức sử dụng VTYT giữa các bệnh viện chưa thống nhất. Có bệnh viện bảo chỉ sử dụng được một lần nhưng có bệnh viện bảo sử dụng hai, ba lần cũng được. Hiện Bảo hiểm xã hội TP vẫn đang đợi thống nhất với Sở Y tế TP để ra được định mức phù hợp cho các loại VTYT trên địa bàn TP” - bà Huyền nói.

Bà Huyền cũng cho biết thêm hiện Bộ Y tế đang xây dựng gói quyền lợi cơ bản cho bệnh nhân BHYT, trong đó có định mức VTYT. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội VN cũng đi khảo sát để đánh giá vấn đề này và sau đó sẽ có quy định phù hợp hơn.

Thông tư 27/BYT của Bộ Y tế quy định đối với VTYT có thể tái sử dụng mà chưa có hướng dẫn về quy trình tái sử dụng, số lần tái sử dụng của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất thì bệnh viện căn cứ vào yêu cầu chuyên môn, thực tế sử dụng, theo đề xuất của Hội đồng thuốc và điều trị và thống nhất với Bảo hiểm xã hội để quyết định về số lần tái sử dụng.

Giá thanh toán mỗi lần là như nhau và được xác định bằng tổng giá trị VTYT cộng với chi phí hấp, sấy, khử khuẩn của các lần tái sử dụng chia cho tổng số lần sử dụng...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên