15/10/2013 08:32 GMT+7

Bác sĩ biển thủ vật tư y tế

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Đó là một trong những sai phạm lớn xảy ra tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vừa được Thanh tra TP.HCM phát hiện và có kết luận. Trước đó, Thanh tra TP đã thanh tra bệnh viện này từ ngày 2-4 đến 11-7-2013.

jbLtncrV.jpg
Người nhà và bệnh nhân ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Ngày 14-10, trả lời Tuổi Trẻ xung quanh kết luận này, ông Nguyễn Thi Hùng - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - nhìn nhận bệnh viện có những sai sót trong hoạt động và những cá nhân có sai phạm đã tự giác nộp lại các khoản tiền sai phạm. Bệnh viện cũng đang thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM để kiểm điểm, rút kinh nghiệm với những cá nhân có liên quan và có các phương án chấn chỉnh những tồn tại mà Thanh tra TP đã chỉ ra.

Cấp cứu phải mổ... dịch vụ

UBND TP yêu cầu khắc phục ngay sai phạm

Ngày 14-10, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND TP.HCM đã thông qua kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Theo đó, UBND TP thống nhất với các nội dung kết luận, kiến nghị của Thanh tra TP sau khi kết thúc quá trình thanh tra. UBND TP yêu cầu Sở Y tế TP, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khắc phục ngay những sai phạm, báo cáo kết quả trong tháng 10-2013.

QUỐC THANH

Thanh tra hoạt động dịch vụ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương của Thanh tra TP cho thấy từ năm 2011-2012 bệnh viện đã triển khai 21 hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên khi thực hiện, bệnh viện đã để xảy ra những vấn đề chưa phù hợp với quy định như hoạt động dịch vụ cả trong và ngoài giờ hành chính, nên các bác sĩ vừa được hưởng lương từ ngân sách vừa được hưởng tiền công từ hoạt động dịch vụ. Tỉ lệ phẫu thuật, thủ thuật dịch vụ tại bệnh viện cũng khá cao, với tỉ lệ gần 54% (năm 2011) và hơn 47% (năm 2012) trên tổng số ca phẫu thuật, thủ thuật toàn bệnh viện (cả trong và ngoài giờ hành chính). Đặc biệt, có rất nhiều bệnh thuộc diện cấp cứu như viêm ruột thừa cấp, viêm ruột thừa vỡ, u nang buồng trứng vỡ... nhưng bác sĩ vẫn đưa vào mổ... dịch vụ.

Chỉ riêng năm 2011 đã có 902 ca mổ dịch vụ viêm ruột thừa và bệnh viện thu được gần 1,734 tỉ đồng. Năm 2012 mổ dịch vụ viêm ruột thừa 171 ca, thu hơn 500 triệu đồng. Trong việc mổ dịch vụ, bệnh viện thực hiện việc phân chia tiền công phẫu thuật giữa kíp mổ và bệnh viện chưa phù hợp (tỉ lệ 50%/50%), trong khi ca mổ dịch vụ sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện và cả việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.

Cũng như nhiều bệnh viện khác tại TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng tổ chức hoạt động liên doanh, liên kết với chín đơn vị bên ngoài. Năm 2011 thu nhập từ hoạt động liên kết của bệnh viện được 4,255 tỉ đồng và năm 2012 được hơn 5,1 tỉ đồng. Thanh tra TP chỉ kiểm tra một đề án liên kết đặt máy chụp cộng hưởng từ giữa bệnh viện và Công ty CP Cẩm Hà, và thấy một số chi phí không được xây dựng trong đề án liên kết này nhưng lại được thỏa thuận trong hợp đồng giữa bệnh viện và công ty như tiền tư vấn bác sĩ 120.000 đồng/ca, phí dự phòng sửa chữa 56.000 đồng/ca, chi phí khấu hao máy 105.000 đồng/ca. Bệnh viện cũng thỏa thuận với Công ty CP Cẩm Hà chia thu nhập trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, dẫn đến công ty này chưa kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu từ hoạt động liên kết với bệnh viện gần 960 triệu đồng.

Không đạt vẫn cho trúng thầu

Thanh tra việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế (năm 2011 và 2012, bệnh viện mua tổng cộng 230 máy, trị giá gần 59 tỉ đồng - PV), bệnh viện còn để xảy ra một số sai phạm trong đấu thầu. Cụ thể, hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Thành An (Hà Nội) và Công ty TNHH thiết bị y tế Thành Công không đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được xét cho đấu thầu. Đơn vị dự thầu là Công ty TNHH Thành An có một tiêu chí (máy thở đa năng) và bốn tiêu chí (máy gây mê giúp thở và monitor theo dõi độ mê) không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được chấm đạt và đơn vị này đã trúng thầu.

Về đấu thầu mua thuốc, bệnh viện xây dựng một số nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp dẫn đến đơn vị dự thầu không thể đáp ứng được; xây dựng thang điểm kỹ thuật chưa hợp lý, còn dàn đều các tiêu chí. Qua kiểm tra một số hồ sơ dự thầu thuốc, Thanh tra TP phát hiện một số nhà thầu tham gia dự đấu thầu không có kho thuốc nhưng bệnh viện vẫn chấm điểm kỹ thuật (5 điểm). Ngoài ra, còn có hơn chục mặt hàng thuốc trúng thầu vào bệnh viện nhưng tại thời điểm bệnh viện xét thầu thì giấy phép lưu hành sản phẩm của các thuốc này đã... hết hạn. Đáng lưu ý, bệnh viện xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc hằng năm còn chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng dẫn đến phải mua sắm bổ sung thuốc với số lượng lớn: năm 2011 phải mua bổ sung 527 mặt hàng, trị giá hơn 65,8 tỉ đồng; năm 2012 mua bổ sung 643 mặt hàng, trị giá hơn 47 tỉ đồng.

Năm 2011 và 2012 bệnh viện còn thu viện phí đối với hoạt động chụp MSCT (chụp cắt lớp) cao hơn quy định 100.000 đồng/ca (quy định 700.000 đồng, bệnh viện thu 800.000 đồng/ca). Trong hai năm 2011-2012 (tính đến tháng 5-2012), bệnh viện chỉ định chụp MSCT 16.325 ca với tổng số tiền cao hơn quy định trên 1,632 tỉ đồng. Số tiền này bệnh viện đã chi trả cho bác sĩ chỉ định, bác sĩ đọc kết quả và bồi dưỡng nhân viên khoa chẩn đoán hình ảnh gần 840 triệu đồng. Phần còn lại được bổ sung thu nhập của bệnh viện.

“Bay hơi” nhiều loại vật tư

Tuy Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tự phát hiện và xử lý cảnh cáo hai bác sĩ, một kỹ thuật viên và thu hồi tiền thất thoát vật tư y tế nhưng Thanh tra TP vẫn xem xét lại.

Liên quan đến việc làm thất thoát phim chụp MSCT và thuốc chụp cản quang có bác sĩ Tạ Quang Luyện - trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật viên trưởng Nguyễn Hiền Chánh. Cụ thể, từ tháng 10-2010 bệnh viện triển khai hoạt động MSCT. Trên cơ sở định mức được duyệt, khoa chẩn đoán hình ảnh lãnh phim về và thực hiện theo định mức. Thời gian đầu, do kỹ thuật viên và bác sĩ chưa thành thạo nên số lượng phim hư nhiều, do đó số lượng phim lãnh và sử dụng phù hợp với định mức. Tuy nhiên, khi đã thành thạo, số lượng phim hư giảm hẳn và thừa ra nhiều so với định mức nhưng ông Luyện không báo mà tự ý bán các phim dư này để mua sắm một số thiết bị cho khoa. Năm 2012, sau khi đã trang bị đủ các vật dụng cho khoa thì ông Luyện và ông Chánh tự ý chia nhau tiền bán phim. Ngoài ra, khi chụp MSCT có cản quang mỗi bệnh nhân phải nộp tiền một lọ thuốc 100ml, nhưng thực tế khi sử dụng cho bệnh nhân chỉ hết trung bình 75-85ml... Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tự kiểm tra, xác định thất thoát 25.020 phim thô và 136 lọ thuốc cản quang với trị giá gần 1,318 tỉ đồng. Tháng 10-2012, các cá nhân vi phạm đã nộp đủ tiền bồi thường lại cho bệnh viện và bị xử lý cách chức.

Qua thanh tra lại, Thanh tra TP xác định số phim thất thoát tại khoa chẩn đoán hình ảnh là 18.695 phim và hơn 100 lọ thuốc cản quang. Tổng cộng giá trị thiệt hại về phim và thuốc hơn 779,5 triệu đồng. Tuy nhiên, do khoa có trang bị một số tài sản, vật tư có hóa đơn từ nguồn vật tư bán đi này nên giá trị phải bồi thường chỉ còn hơn 656,6 triệu đồng.

Tại đơn vị mắt thuộc khoa liên chuyên khoa, bệnh viện cũng tự phát hiện ông Lê Thanh Hải - trưởng đơn vị mắt - làm thất thoát 851 hộp chất nhầy và ông Hải đã nộp đủ số tiền bồi thường hơn 505 triệu đồng cho bệnh viện vào tháng 10-2012. Bệnh viện cũng xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hải...

Đề nghị quy định cụ thể việc mổ dịch vụ

Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP giao giám đốc Sở Y tế kiểm tra, giám sát và có quy định cụ thể đối với việc mổ dịch vụ tại các bệnh viện trên địa bàn TP; nghiên cứu, lập quy trình tiếp nhận bệnh cụ thể tại các bệnh viện nhằm tách bạch giữa bệnh nhân tự nguyện khám chữa bệnh dịch vụ và các bệnh nhân khác, chấm dứt tình trạng lôi kéo bệnh nhân khám chữa bệnh dịch vụ; nghiêm cấm việc chi trả và nhận tiền bồi dưỡng chỉ định cho các bác sĩ nhằm ngăn ngừa tình trạng “cầm tay bác sĩ chỉ định”, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi bệnh nhân... Đồng thời, giao giám đốc bệnh viện chấn chỉnh tình trạng mổ dịch vụ đối với các trường hợp mổ cấp cứu...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên