10/09/2019 06:57 GMT+7

Nguy cơ Nhà nước mất quyền chi phối cảng KCN Cát Lái

A.NHÂN - M.HƯƠNG - H.LỘC
A.NHÂN - M.HƯƠNG - H.LỘC

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, UBND TP.HCM đang làm rõ thiệt hại, xem xét xử lý việc cổ phần hóa sai quy định tại Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn IPD - đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.

Nguy cơ Nhà nước mất quyền chi phối cảng KCN Cát Lái - Ảnh 1.

Khu vực Cát Lái, quận 2, TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng...

Kết luận thanh tra

Việc cổ phần hóa sai quy định trên được nêu tại kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hóa, thực hiện đầu tư dự án, góp vốn liên doanh của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và các công ty có vốn góp của Công ty IPC của Thanh tra TP.HCM.

Cổ đông nhà nước không được mua cổ phần

Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn IPD (gọi tắt là Công ty IPD) có 100% vốn nhà nước, là công ty con của Công ty IPC. 

Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt và quyết định của UBND TP, IPD phải cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thời điểm cổ phần hóa, IPD đang được UBND TP cho thuê hơn 69ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.

Tháng 5-2016, IPD hoàn tất cổ phần hóa trở thành Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỉ đồng. Tuy nhiên việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ được Thanh tra TP chỉ ra là "không có cơ sở và không phù hợp với quy định".

Đồng thời, Thanh tra TP cũng chỉ ra việc đề xuất tỉ lệ vốn nắm giữ 75% nhằm quản lý khai thác cảng là trái với phương án mà Thủ tướng và UBND TP phê duyệt. 

Cụ thể, khi thực hiện cổ phần hóa (giữa năm 2015), IPD đề xuất hai phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, IPC (công ty mẹ) lại trình tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65%, rồi 75% vốn điều lệ để IPC có quyền chi phối, sau một thời gian sẽ giảm xuống 51%.

Đặc biệt là IPC đề nghị sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng cổ đông nhà nước sẽ không tham gia mua cổ phần. "Khi đó Nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty IPD, có nghĩa việc quản lý, khai thác cảng biển Cát Lái không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ..." - kết luận thanh tra đánh giá.

Kết luận của Thanh tra TP cho biết một lãnh đạo UBND TP đã bút phê chấp thuận các đề xuất tỉ lệ vốn trên và giao cho các đơn vị có liên quan triển khai vào tháng 11-2015. Kết luận thanh tra nêu rõ tổ giúp việc, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban chỉ đạo cổ phần hóa triển khai hoàn tất các bước và trình UBND TP để ký phê duyệt tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại IPD tạm thời sau cổ phần hóa là 75% vốn điều lệ.

Nguy cơ Nhà nước mất quyền chi phối cảng KCN Cát Lái - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

"Có dấu hiệu cố ý làm trái"

Sau khi cổ phần hóa, Công ty IPD trở thành Công ty ESL. Tuy nhiên "ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng vào công ty cổ phần... cần được làm rõ" - kết luận thanh tra nêu.

Cụ thể, theo phương án cổ phần hóa, Công ty ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng. Tuy nhiên, ESL đã góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng. Trong đó ESL chỉ góp 20% vốn điều lệ. "Với tỉ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả đối tác khác nắm quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng" - kết luận thanh tra nhận định.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa là chưa phù hợp với quy định. Thể hiện ở việc tháng 9-2015, IPC đề xuất bổ sung một tiêu chí không có trong đề xuất của Ban chỉ đạo cổ phần hóa và ý kiến thẩm định của Chi cục Tài chính doanh nghiệp là: "Cam kết cùng Công ty IPC - là công ty mẹ của Công ty IPD phát triển chuỗi dịch vụ cảng - logistics trong toàn hệ thống Công ty IPC, bao gồm khu cảng IPD Cát Lái...", tiêu chí này đã được một lãnh đạo UBND TP ký duyệt. 

"Trách nhiệm chính thuộc về tổng giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng, phó chủ tịch UBND TP" - kết luận thanh tra nêu.

Dự án cảng KCN Cát Lái là một trong nhiều cảng khác nhau nằm trong khu vực cảng Cát Lái. Giai đoạn 1 của dự án cảng KCN Cát Lái được thực hiện tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, có diện tích hơn 18,3ha, khai thác hàng container, với vai trò là cảng vệ tinh trung chuyển, tổng mức đầu tư hơn 660 tỉ đồng.

Lo kẹt xe nếu nới công suất cảng Cát Lái Lo kẹt xe nếu nới công suất cảng Cát Lái

TTO - Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị bỏ quy định khống chế số chuyến tàu cập cảng Cát Lái, trong khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM lo điều này sẽ khiến gia tăng kẹt xe ở 'điểm nóng' này.

A.NHÂN - M.HƯƠNG - H.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên