Nến, hoa và thông điệp tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố ngày 19-12 tại khu chợ Giáng sinh Đức (ảnh chụp ngày 23-12) - Ảnh: M.Anh |
Còn ở Copenhagen, cảnh sát đặt các khối bêtông chặn trước công viên, phố đi bộ phòng ngừa nguy cơ xe tải tông vào đám đông.
Đối với rất nhiều người trên thế giới thì lễ Giáng sinh không chỉ là một ngày lễ tôn giáo mà còn mang ý nghĩa của hòa bình, tinh thần hòa hợp và bình an cho mọi người. Thế nên vụ tấn công ngày 19-12 tại khu chợ Giáng sinh ở quảng trường Breitscheidplatz, gần nhà thờ Gendachtniskirche nổi tiếng của Berlin khiến 12 người chết là một điều ngoài sức tưởng tượng!
Xe tải - vũ khí khủng bố lợi hại
Berlin vốn là một trong những trung tâm mua sắm mùa Giáng sinh nhộn nhịp nhất châu Âu từ nhiều năm qua, thu hút rất nhiều khách mua sắm, cả người dân Đức từ các nơi đổ về đến khách nước ngoài. Sau vụ tấn công trên, chợ đã nhanh chóng hoạt động trở lại nhưng mọi người đều biết rằng từ giờ trở đi Giáng sinh sẽ không còn như xưa.
Theo lực lượng an ninh Đan Mạch, vụ khủng bố xảy ra tại Nice vào tháng 7-2016 hay tại Berlin vừa qua hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Nhật báo Metroxpress ngày 21-12 đưa tin phương thức tấn công này đã được đề cập trên tạp chí tuyên truyền cho chủ nghĩa khủng bố “Inspire” (Gây cảm hứng) của Al-Qaeda, xuất bản năm 2010.
Trong một bài viết dài ba trang, tác giả Yahya Ibrahim đã hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các phương tiện chuyên chở nặng như một công cụ tấn công cũng như cách tẩu thoát cho những ai “có nguyện vọng trở thành người tử vì đạo” tại các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Đan Mạch.
Hans Jørgen Bonnichsen, nguyên giám đốc Cơ quan An ninh Đan Mạch, nhận định khi không có trong tay vũ khí hay chất nổ các loại để tạo bom thì việc dùng xe tải lao thẳng vào một đám đông nào đó tương đối dễ thực hiện mà lại gây được tiếng vang lớn.
Phần nổi của tảng băng chìm
Dư luận châu Âu nói chung đều cho rằng chủ trương mở cửa đón người tị nạn của Chính phủ Đức không chỉ dẫn đến cuộc khủng hoảng người nhập cư mà còn dẫn đến bất ổn trong xã hội và nguy cơ bị những phần tử khủng bố trà trộn vào.
Ngoài nỗi lo khủng bố, họ còn sợ những phần tử này một khi lọt vào châu Âu sẽ tuyên truyền, lôi kéo thanh niên nam nữ bản địa vào mạng lưới của họ.
Một vấn nạn nữa là cách giải quyết những trường hợp bị bác nguyện vọng tị nạn. Trên nguyên tắc thì những người không hội đủ điều kiện để được phép tị nạn tại một quốc gia nào đó, ví dụ như có vấn đề khả nghi về nhân thân, bị phát hiện có liên quan với những tổ chức tội phạm hay khủng bố..., sẽ bị trả về quốc gia nơi họ đặt chân tới đầu tiên hoặc bị trục xuất về quê hương, nhưng trên thực tế thì điều này rất khó thực hiện.
Rất nhiều người tị nạn sau khi đến được châu Âu đã tránh đăng ký tại nơi đến là các nước biên giới như Ý, Hi Lạp, Hungary... mà tìm cách tới thẳng Đức, Pháp hay Thụy Điển, để nếu có bị từ chối thì vẫn có thể lưu lại đó. Riêng Đức hiện có hơn 200.000 người bị bác đơn xin tị nạn nhưng vẫn sống tại đây.
Việc trục xuất họ về cố hương cũng không đơn giản vì luật EU không cho phép trục xuất người nhập cư hay tị nạn về bản xứ nếu như họ có khả năng gặp nguy hiểm khi trở về hoặc tại các nước này có chuyện tra tấn người bị bắt giam hay tội phạm.
Nhiều người khai đã mất hết giấy tờ tùy thân nên việc trục xuất họ gặp khó khăn về thủ tục hành chính. Đó là chưa nói tới việc những người này lợi dụng việc khối EU không có biên giới để chạy từ nước này sang nước khác.
Tuy vậy, vụ khủng bố ngày 19-12 cũng chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Phần chìm là tinh thần và khả năng lẫn thiện chí hòa hợp giữa những người đang sống tại châu Âu trong một môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc.
Một ví dụ nhỏ cho vấn đề này là chuyện rắc rối tại khu dân cư Egesdalvaerge, thị trấn Kokkedal (Đan Mạch) trong mùa Giáng sinh 2012 khi ban điều hành khu dân cư, mà người gốc nhập cư chiếm đa số, đã không cho dựng cây thông vì xem đó là một biểu tượng tôn giáo (người Bắc Âu đã có truyền thống dựng cây thông vào mùa đông từ rất lâu trước khi Thiên Chúa giáo du nhập vào đây.
Họ xem cây thông xanh tươi là biểu trưng của sự sống và sức sống mãnh liệt của người phương Bắc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt). Điều khiến người Đan Mạch bất mãn là chính ban điều hành khu dân cư này lại dùng tới 1/3 ngân sách để mừng lễ Eid của Hồi giáo. Sau sự kiện này, một số gia đình Đan Mạch sống tại Egesdalvaerge nhiều thế hệ đã quyết định dời nhà đi nơi khác.
Với nhiều người dân châu Âu thì những khó khăn, thử thách chỉ mới bắt đầu!
Cơ hội cho phe hữu Các đảng phái hữu khuynh hay cực hữu tại châu Âu tận dụng cơ hội này để đả kích chính sách tị nạn và nhập cư của chính phủ các nước, mà mạnh mẽ nhất là Đức. Marcus Pretzell - một thành viên nổi bật của đảng hữu khuynh AfD (Đức) - gọi những người thiệt mạng trong vụ khủng bố này là “những nạn nhân của Merkel” trên Twitter. Cựu chủ tịch đảng bài EU và nhập cư UKIP của Anh Nigel Farage cũng như Geert Wilder, chủ tịch sáng lập của Đảng “Vì tự do” tại Hà Lan, đều quy trách nhiệm cho chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel. |
Thất bại của chính sách mở cửa Trong vài tháng cuối năm 2015 đã có hơn 1 triệu người tị nạn và nhập cư tự do tràn vào châu Âu. Chính sách mở cửa của bà Merkel, với khẩu hiệu “Wir schaffen das” (Chúng tôi làm được), đã nhanh chóng phá sản khi cảnh sát tại các nước biên giới EU không thể kiểm soát hết số người ồ ạt kéo vào cũng như hành trình xuyên EU của họ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận