30/08/2007 21:00 GMT+7

Người Việt vươn lên sau bão Katrina

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Khu vực vùng cửa sông Misissippi chạy dọc nước Mỹ đổ ra vịnh Mexico là nơi nhiều người gốc Việt xuất thân từ các vùng chài lưới đến sinh sống bằng nghề đánh tôm, nuôi cá, kinh doanh hải sản hoặc dịch vụ.

MF64h4Ze.jpgPhóng to
Công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt đã dần ổn định - Ảnh: jwa.org
Khu vực vùng cửa sông Misissippi chạy dọc nước Mỹ đổ ra vịnh Mexico là nơi nhiều người gốc Việt xuất thân từ các vùng chài lưới đến sinh sống bằng nghề đánh tôm, nuôi cá, kinh doanh hải sản hoặc dịch vụ.

Một nhà nghiên cứu xã hội Mỹ nhận xét ở miền đông nam nước Mỹ, giờ đây khi nói đến nghề đánh tôm và nuôi cá, không thể không nói tới vai trò của người Mỹ gốc Việt.

Theo thống kê, hiện có hơn 55.000 người gốc Việt sống tập trung ở vùng duyên hải bang Louisiana, ở quận Biloxi của bang Mississippi và quận Mobile bang Alabama. Đây là khu vực bị ảnh hưởng bão Katrina nặng nề nhất. Trận bão thế kỷ đã làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn, làm chết 1.832 người, trong đó có gần 80 người Việt. Rất nhiều người ở đây bị mất hết nhà cửa, xe cộ. Có địa phương, 70% số người Việt làm nghề đánh cá, tôm bị mất phương tiện làm ăn.

Người dân địa phương vẫn ca ngợi tinh thần đùm bọc lẫn nhau của người Việt trong lúc khó khăn. Họ bảo trong khi người Mỹ thuộc các sắc tộc khác phải vào sống tại những khu tạm trú do chính phủ lập ra, thì đa số người Việt Nam đã được các đồng hương ở Houston hoặc Dallas đón nhận và cưu mang khi tránh bão. Trong danh sách 5 người gốc châu Á được Tổng thống Mỹ trao giải thưởng về tình nguyện phục vụ cộng đồng trong cơn bão Katrina có một người Việt Nam là sơ Theresa Phạm Kim Hằng, người đã hết lòng chăm sóc những đồng hương của mình trong cơn hoạn nạn.

Trong khi rất nhiều gia đình giàu có đã chuyển đi nơi khác sinh sống, vì lo sợ những trận bão mới có thể ập đến bất cứ lúc nào, 90% người Việt đã trở về, góp phần vào sự hồi sinh của địa phương. Quận Biloxi ở bang Mississippi có 6.000 người Việt sinh sống hai năm sau ngày bão đi qua, quang cảnh vẫn tiêu điều, song nhiều người đã giúp đỡ nhau mua sắm lại tàu thuyền để ra khơi, mặc dù công việc làm ăn giờ đây khó khăn hơn vì giá nhiên liệu tăng cao, và vì các cơ sở hạ tầng như bến cảng, kho đông lạnh bị phá hủy chưa khôi phục được.

Trong nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, những người đi tiên phong trong cộng đồng còn có sáng kiến lập chương trình đào tạo cho người Việt nhằm dạy kỹ năng việc làm cho thanh niên và tổ chức sinh hoạt, học tập cho trẻ em từ tuổi mẫu giáo đến hết trung học. Báo chí Mỹ đã gọi sự hồi sinh của cộng đồng người Việt ở đây như là "phép lạ", một "hiện tượng" ở giữa một vùng vẫn còn tan hoang vì bão.

Sau Katrina, khu thị trấn người Việt ở Versailles, phía đông thành phố New Orleans, sẽ trở nên nổi tiếng bởi sự phục hồi nhanh chóng của nó. Một số nhà báo đã ghi nhận nó như là một địa điểm du lịch mới. Trở về sớm nhất trong số những người trở về, người dân ở đây đã dựng lại nhà cửa, vườn tược và mở lại các cửa hàng. Đây thật giống như một làng Việt Nam trong lòng nước Mỹ với một quán phở Ba Miền phục vụ nhiều món ẩm thực quê hương.

Ở New Orleans, cũng như ở Cali, người Việt đến định cư đều mang theo những tập quán sinh hoạt quen thuộc từ hồi ở quê nhà. Ở đây có khu chợ xanh, mà bà con gọi đùa là chợ "chồm hổm" vì không có bàn ghế, chỉ hoạt động từ 5 đến 8 giờ sáng mỗi ngày. Tại khu chợ này, người ta mang ra bán những thứ cây nhà lá vườn, chủ yếu là các loại rau muống, rau bí, rau thơm, những thứ rau quen thuộc của Việt Nam. Người ta đi chợ còn để thỏa mãn mong muốn gặp gỡ, tâm sự giữa những người đồng hương. Bà con vẫn chăm chỉ đi lễ chùa và đi nhà thờ, và trong nhà đều có bàn thờ gia tiên.

Thế hệ người Việt đầu tiên tới Mỹ đã ra sức lao động và gây dựng cho tương lai. Thế hệ người Việt thứ hai ở đây được học hành chu đáo, nhiều người vào làm các ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ, tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong xã hội.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên