17/02/2010 11:00 GMT+7

Người viết thư thuê

Truyện ngắn của LÊ VĂN THẢO
Truyện ngắn của LÊ VĂN THẢO

TTXuân - Cả thành phố chắc chỉ mình ông làm nghề đó. Bảy mươi ba tuổi, ngồi đây đã bốn mươi ba năm, lâu đến nỗi bưu điện coi ông như người nhà, xếp cho ông góc riêng cuối dãy băng ghế khách hàng, họp cuối năm liên hoan lễ tết đều mời dự. Một phần do ơn nghĩa, phần khác cũng do xét đến công lao của ông. Ông viết một bức thư, bưu điện có thêm con tem gửi đi.

cQ2kjPbO.jpgPhóng to

Minh họa: Hoàng Tường

Ông viết thư định giá theo nội dung và độ dài ngắn, ra giá hẳn hoi, nhưng thường khách hàng muốn trả bao nhiêu thì trả. Đa số họ là người nghèo, nông dân dốt nát vùng sâu vùng xa, lặn lội lên thành phố tìm ông kể sơ nội dung ông muốn viết gì thì viết. Người giàu có giỏi giang nhờ viết thư làm gì.

Ông học Tây có bằng “đíp-plôm”, học thêm tiếng Anh sau này, tiếng Nga, tiếng Đức cũng biết chút đỉnh. Ông luôn đem theo các cuốn từ điển tiếng Pháp, tiếng Anh, vừa để tra cứu vừa làm bằng với khách hàng, thêm cuốn từ điển tiếng Việt. Không phải người Việt là giỏi tiếng Việt.

Ông viết thư tiếng Việt cho người nghèo ít học, tiếng Pháp, tiếng Anh cho người có bà con định cư nước ngoài, vì lý do nào đó không biết tiếng Việt, hoặc không muốn viết tiếng Việt. Lại có lần ông viết thư tiếng Việt cho một người nước ngoài: một cô sinh viên người Mỹ học tiếng Việt, muốn kiểm tra trình độ “ngoại ngữ” của mình. Hôm đó ông và cô sinh viên người Mỹ có một buổi giao lưu ngôn ngữ thú vị.

Công việc của ông nói chung thường đơn giản. Một bức thư thăm hỏi kể chuyện gia đình, tranh cãi kiện tụng đất đai, không phải là một bài phê bình văn học, hay luận cương chính trị cần phải lao tâm khổ tứ.

Nhưng đôi khi cũng gặp rắc rối. Sau giải phóng mọi người làm lý lịch, ông cũng vậy, nhưng bản lý lịch của ông bị phường trả lại. Nói nghề gì kỳ cục, không thấy có trong danh mục giai cấp: nông dân, công nhân, tiểu tư sản học sinh... Ông nói cứ ghi nghề tự do. Phường nói không được, tự do ai quản lý? Ông nói luật pháp quản lý. Phường nói luật pháp cũng phải từ đây, cấp phường cơ sở này. Lời qua tiếng lại một lúc hai bên thống nhứt ghi ông là thợ thủ công, như mài dao hoặc gò nồi chảo. Cũng được thôi. Cũng giống nhau ở sự cặm cụi tỉ mẩn.

Ông làm việc theo giờ hành chính, là điều bắt buộc. Bưu điện mở cửa ông đi thẳng vào chào người bảo vệ đến ngồi chỗ của mình, đặt hai túi xách sát vô chân bàn, cố thu xếp thật gọn, trông ngoài không khác khách hàng đến ngồi viết thư dán tem. Có được chỗ ngồi như vầy là quý rồi, không thể trương bảng hiệu chớp đèn xanh đỏ được. Một chiếc túi xách đựng các bộ từ điển, các bộ luật dân sự, sách địa lý, lịch sử... Chiếc thứ hai đựng bản photo các bức thư ông đã viết, xếp theo chủ đề, độ tuổi gia cảnh người gửi, thư trong nước, thư gửi ra nước ngoài, thư thăm hỏi, kiện tụng, ly hôn, tranh chấp đất đai... Đôi khi giữa đêm không ngủ được, ông bật đèn giở vài bức thư ra xem, những bất hòa xích mích, giận hờn tranh cãi, nhớ thương người đi xa, người chết đi người sanh ra, chuyện của người khác không hiểu sao khiến ông bồi hồi xúc động.

Có một bé gái mồ côi di tản sang Mỹ hôm 30 tháng 4, sau hơn hai mươi năm thành một cô gái có công ăn việc làm, trở về nước tìm mẹ chỉ nhớ lờ mờ trong ký ức. Cô không biết tiếng Việt, nhờ ông viết bức thư đăng báo, kể những thông tin ít ỏi cô có được, mong có được sự may mắn thần diệu nào đó cô gặp được mẹ. Đó là một cô gái đẹp, cao dong dỏng, mắt mũi rõ nét, da mịn màng, tóc mượt mà. Nhưng nhan sắc không phải là điều ông quan tâm. Ông có cảm giác đã gặp cô ở đâu rồi. Nhưng cô về nước lần đầu làm sao ông gặp được? Ông viết rất lâu bức thư ngắn ngủn, đầu óc cứ mãi lục tìm, đưa thư cho cô gái ông cẩn thận hỏi địa chỉ khách sạn cô đang ở. Ông tin vào trí nhớ của mình. Về nhà ông vẫn nghĩ ngợi vẩn vơ, đến giữa đêm vụt nhớ ra. Cô rất giống má cô. Một lần lâu lắm rồi một bà đến nhờ ông viết bức thư với những thông tin y như vậy, sau đó không thấy đến lấy thư. Thư ông còn giữ, có cả tên họ địa chỉ...

Hai mẹ con đã gặp nhau như vậy đó, như có phép mầu. Hai bức thư không cần phải gửi đi.

Bao chuyện vui buồn trong nghề viết thư thuê của ông. Nhiều chuyện cười ra nước mắt. Một đám con trai con gái tuổi choai choai đến nhờ ông viết thư, hết đứa này đến đứa khác, cùng nội dung na ná như nhau. Thư thăm hỏi người thân đi xa, trong rừng trên biển, ngoài hải đảo xa xôi. Thư gửi người nước ngoài bên Pháp bên Mỹ. Ông biết chuyện gì rồi. Bọn học trò làm biếng nhờ ông viết thư thay cho bài tập. Ông lấy tiền không thiếu đứa nào, đến ngày hẹn phát mỗi đứa một phong bì dán kín dặn về nhà hãy mở. Thư viết: “Gửi mấy đứa học trò làm biếng! Bài tập phải tự mình làm, ông không còn sống lâu sau này viết thư cho mấy đứa đâu”.

Một bà sống lâu năm bên Pháp, ông chồng già chết trước, có đứa con gái sanh ra bên đó. Những ngày cuối đời bà về nước để được chết ở quê nhà. Cô con gái không về. Cô còn gia đình, công việc, không biết tiếng Việt, chưa từng thấy con trâu, lũy tre làng, đâu có gì nhớ nhung ràng buộc. Về nước rồi bà nhớ con da diết, thư từ cô gái chỉ trả lời cầm chừng. Đến hôm lên cơn nhồi máu nhập viện, nghĩ đã đến hồi cuối, chết không nhìn thấy mặt con cay đắng trăm bề, muốn viết lá thư cuối cùng mà mắt mờ tay run không viết được, trong nhà không ai biết tiếng Pháp. Có người chỉ đến ông, đúng ra nhờ ông đến với bà. Ông vào bệnh viện bắc ghế ngồi cạnh giường bà đọc cho viết lá thư gửi con gái. Bà thều thào mãi, lập bập được mấy câu rồi làm thinh. Ông chờ mãi không thấy có tiếng nào cất lên, ngó sang thấy bà đã ngoẹo đầu mở trừng mắt. Bà đã chết, trang giấy chỉ có mấy dòng, nửa sau còn trắng tinh. Bức thư hiện ông còn giữ. Nhiều lúc ông có ý nghĩ viết tiếp bức thư, địa chỉ có rồi, những lời tiếp theo là của ông. Ông sẽ kêu cô gái trở về, không phải gặp mẹ mà để viếng ngôi mộ, hương hồn ở gần bên còn hơn ở xa bên kia nửa vòng trái đất. Nhưng ông đã không viết, như trước đó và về sau này có bao bức thư ông không thể viết.

Có những chuyện không vui không buồn mà là kỳ lạ quái dị. Như chuyện ông viết thư gửi cho người chết dưới âm phủ, đốt theo với giấy vàng bạc, đồ hàng mã ngày thanh minh tảo mộ. Hoặc chuyện con nít nhờ ông viết thư gửi ông già Noel. Có một ông nhà giàu chơi ngông nhờ ông viết một trăm bức thư gửi một trăm người bạn sau khi ông ta chết, danh sách địa chỉ có sẵn, tiền ứng trước một nửa tính bằng đôla, nửa sau trả ở ngân hàng theo giấy ghi nợ. Ông đẩy trả cọc tiền nói ông già lắm rồi, sẽ chết trước ông ta, không gia đình con cái không có người hoàn thành dịch vụ.

Ông kể thêm chuyện này rồi thôi, không vui vẻ gì. Một đứa con gái nhỏ đến nhờ ông viết một bức thư. Nó giúp việc cho một nhà giàu, nhà có nhiều người làm ở ban ngày, nó chăm sóc bé gái một tuổi ở luôn ban đêm. Công việc bình thường. Đứa nhỏ ngoan, bà chủ không đến nỗi nào. Ông chủ rất dễ tính. Nhưng tai họa đến bất ngờ. Ngày thôi nôi đứa bé tổ chức linh đình, chập tối khách khứa giàu có nườm nượp kéo đến, xe hơi đậu đầy sân. Đèn sáng choang. Đồng hồ gõ bảy tiếng nó bồng đứa bé ra trình diện, vòng vàng đầy mình. Bỗng bà chủ kêu lên: “Sợi dây chuyền vàng đâu rồi?”. Bông tai vòng đeo tay đủ cả, duy sợi dây chuyền vàng ở cổ biến mất. Đó là món quà quý nhất, không phải tiền bạc, mà là quà tặng của bà chủ cho con gái mình. Bà đã lặn lội cả buổi sáng, đi khắp các tiệm vàng tìm món nữ trang vừa ý. Vậy bỗng dưng biến mất, ngay giữa nhà khách khứa đông vui. Không thể tin nổi. Nhưng bà chủ kịp dừng lại. Đang vui, chuyện đó tính sau. Ông chủ cũng nhanh chóng nói khỏa lấp: “Chắc rớt đâu đó thôi. Không đeo bữa nay thì mai đeo, con gái ba không có dây chuyền vàng cũng đẹp quá rồi”. Cuộc vui tiếp tục, bánh sinh nhật đem ra, sâm banh nổ, khách khứa ồn ào bu quanh đứa bé. Một bà khách như chợt nhớ ra, kêu lên: “Ôi trời đất ơi, đầu óc tôi ở đâu vậy? Tôi có dây chuyền vàng cho cháu tôi để quên trong túi đây nè”. Sợi dây chuyền vàng được đưa ra đeo vào cổ đứa bé thay cho sợi đã mất. Thêm sợi dây chuyền vàng của bà khách khác nữa. Tiếp theo vòng đeo tay, bông tai, lắc, trâm cài đầu... Mọi người đã quên sợi dây chuyền vàng bị mất.

Nhưng đứa nhỏ giúp việc không quên. Nó có nhiệm vụ chăm sóc đứa bé, từ chập tối bồng ẵm lau tay chân thay quần áo, đúng bảy giờ bồng ra trình diện. Không ai tiếp xúc với đứa bé ngoài nó. Vậy bỗng dưng sợi dây chuyền vàng bị mất! Ai lấy? Người ta sẽ nghi ai? Ông bà chủ không lấy của con, khách khứa giàu có đem quà đến tặng không lấy đi. Vậy ai lấy?

Nó không lấy, nó biết bản thân nó. Nó chạy ra ngoài dò tìm theo các lối đi, lục tung các thùng rác. Không thấy gì cả. Nó trở vào phòng ngồi trong góc mở to mắt nhìn mọi người. Nó không lấy sợi dây chuyền vàng, ý nghĩ thoáng qua trong đầu cũng không. Nó chưa từng tơ hào của cải người khác, từ lúc bắt đầu hiểu biết tới giờ. Nó ngồi nhìn vàng bạc chất lên mình đứa bé, thấy tủi thân, căm hận, xót xa. Không ai nói gì tới nó, nhưng sự im lặng còn hơn lời buộc tội. Khách ồn ào chuyện vãn, nó lặng lẽ trở về phòng, không trở lên nữa, không ăn uống, cuộc tiệc tàn ông bà chủ gõ cửa nó làm thinh. Sáng sớm nó bỏ đi, cho tiền một bác xe ôm đến báo xin thôi việc. Chỉ vậy thôi, không nói thêm lời nào. Không giải thích, không nêu nguyên nhân lý lẽ. Nó là trẻ mồ côi được công ty an sinh xã hội giới thiệu việc làm. Không thể trở về đó, cần phải xóa mọi dấu vết. Nó đi thẳng ra công viên ngủ ghế đá, ngày hôm sau tìm gặp đám bạn lang thang quen từ trước nhập vào sống với chúng, thành trẻ bụi đời từ đó.

Đó là tất cả câu chuyện nó muốn kể.

Con tìm ông làm chi? - ông hỏi.

Nhờ ông viết bức thư, nó đáp. Gửi ông bà chủ. Nó không lấy sợi dây chuyền vàng, nó tìm được rồi. Trong vali nó. Nó có chiếc vali đồ đạc riêng luôn cất giữ bên mình, một hôm lục soạn thấy sợi dây chuyền nằm vàng rực trong đó. Nó nhớ ra. Tối hôm đó sau khi chuẩn bị xong mọi thứ cho đứa bé, nó thấy cần phải sửa sang mình một chút. Ngày vui của đứa bé cũng là ngày vui của nó. Nó thương đứa bé lắm. Nó bồng đứa bé về phòng mình, cho nó đi chơi lẫm đẫm, thay quần áo, chải lại tóc. Chắc lúc đó đứa bé thấy vướng nên bứt sợi dây chuyền vàng thảy vô trong vali. Nó tìm khắp nơi nhưng không tìm trong vali, nó không phải là đứa ăn cắp. Phải làm gì đây? Không thể đem trả. Nó không muốn đến nhà ông bà chủ, tủi nhục lắm. Nhờ đám bạn chúng không biết nói gì. Có người chỉ đến ông, nói ông viết thư hay lắm, khôn khéo chừng mực, thư gì cũng viết được. Ông viết cho nó bức thư, nói rõ nó không ăn cắp, đứa bé bứt thảy vô trong vali nó. Ông viết nói rõ ngọn ngành, bao nhiêu tiền nó cũng trả. Ông tính lấy bao nhiêu?

- Con có bao nhiêu? - ông hỏi.

- Con bán vé số dành được ít tiền, còn thiếu sẽ dành dụm gửi thêm. Hoặc kiếm cách khác.

- Cách gì?

Nó không đáp, đưa ông cọc tiền lẻ rách nát cột bằng sợi dây thun, cùng sợi dây chuyền vàng. Ông đến nhà đưa bức thư, nói gì thêm cũng được, rồi đưa trả sợi dây chuyền vàng. Coi chừng con chó dữ. Nhà có con chó lớn như con bò, dữ lắm, nhưng nó cho ăn tắm rửa bảo gì nghe nấy. Nó rất thương con chó. Nó cũng thương đứa bé, quấn quýt với nó còn hơn ông bà chủ. Mấy ngày đầu bỏ đi nó nhớ đứa bé không ngủ được. Nhưng nó đi rồi không trở lại. Nó là đứa ở biết phận mình, đem trả sợi dây chuyền vàng coi như chấm dứt, không ai biết ai nữa.

Ông nhận sợi dây chuyền vàng, đưa trả cọc tiền. Ông sẽ viết thư theo lời nó dặn mang đến ông bà chủ, đưa trả sợi dây chuyền vàng, tiền bạc tính sau.

Nó cảm ơn rồi quay bỏ đi, lẹ như con rắn mối.

Còn lại là việc của ông. Ông cầm sợi dây chuyền vàng ngắm nghía. Không thể ôm của nợ này ngồi đây, ông báo bảo vệ ra về trước buổi, nghỉ nguyên một ngày nghiền ngẫm viết bức thư. Bức thư sẽ ngắn thôi, theo lời nó kể, nói nó không ăn cắp, sợi dây chuyền vàng đã tìm thấy trong chiếc vali. Nó đem trả nhưng thấy tủi nhục lắm, tuy không ai buộc tội nhưng nó biết phận mình. Người giàu không ăn cắp, người nghèo mới ăn cắp. Ông chỉ viết ngắn như thế, dành nhiều thì giờ nghĩ coi đến nhà nói gì. Không thể đem thư thảy sợi dây chuyền vàng ra về. Phải nói cho ra lẽ, làm tròn trách nhiệm của người viết thư thuê.

Ông đến vào buổi sáng, ông bà chủ tiếp đón mời trà nước. Ông đưa thư. Bà chủ đọc thư, chuyền cho chồng. Ông chồng đọc thư, hai vợ chồng nhìn nhau, rồi nhìn ông. Ông đưa tiếp sợi dây chuyền vàng. Bà chủ cầm sợi dây chuyền vàng, ôm mặt khóc. Ông chồng vỗ nhẹ lên vai bà vợ. Tất cả diễn ra trong yên lặng, như nhà có tang.

Hồi lâu bà chủ lên tiếng: “Đâu ai nói nó ăn cắp. Tự dưng nó bỏ đi, làm con bé khóc suốt tuần không ai dỗ được”.

- Đúng ra con bé khóc ba ngày - ông chủ nói thêm - Ngưng một ngày rồi khóc ba ngày nữa.

Bà chủ quay sang ông: “Ông viết thư rành rẽ vầy, chắc ông biết rành con nhỏ. Ông kêu nó trở lại đây được không?”.

- Không, ông đáp. Nó đi mất rồi, không biết ở đâu. Ông chỉ là người viết thư thuê, không hỏi địa chỉ khách hàng bao giờ. Đây là lần đầu tiên ông mang thư đi. Là do có sợi dây chuyền vàng. Con nhỏ không yêu cầu nhưng xin ông bà chủ viết cho tờ biên nhận.

Họ sẽ viết tờ biên nhận, bà chủ nói. Rồi nói tiếp giọng chì chiết: Con nhỏ không có đây, ông phải ngồi nghe bà nói đôi lời. Gia đình bà khá giả, bạn bè cũng trong giới phong lưu, điều đó đâu có gì tội lỗi. Vậy rồi sanh chuyện mất sợi dây chuyền vàng, chẳng thà không có nó còn hơn. Con nhỏ đi rồi tiếng ác còn ở lại, nó đi luôn nhà này mang tội đồ suốt đời. Tại sao nó bỏ đi?

Ông không biết, ông đáp. Ông chỉ là người viết thư thuê.

- Nhưng chữ là của ông - bà chủ bắt đầu la lối - Ông phải biết mình viết gì. Nói con nhỏ ngồi nhìn vàng chất lên mình đứa bé mà lòng tan nát. Nói nó biết phận mình, người nghèo ăn cắp, người giàu không ăn cắp. Nói con nhỏ thề không bước chân trở lại nhà này nữa. Còn thiếu chữ nghĩa nào làm cho nhà này tan nát không? Sợi dây chuyền vàng thành nỗi oan khiên không cách gì gỡ ra được, nhà này sẽ không hóa kiếp vì bức thư này...

- Thôi mình - ông chủ can.

- Tôi không thôi - bà chủ la lớn - Tôi phải nói cho hết...

Bà chủ tiếp tục la lối. Ông ngồi làm thinh, cay đắng trăm bề. Như vậy đó, ông viết theo lời con nhỏ, nhưng chữ nghĩa là của ông. Bà chủ mệt thở dốc không nói được nữa. Ông chồng dìu bà vào trong. Phòng khách còn mình ông, lặng như tờ. Ông ngồi thêm lúc nữa, uống hết bình trà, rồi lặng lẽ đứng dậy ra về, nghỉ tuần lễ để tránh ông bà chủ tới tìm. Tuần sau ông đi làm trở lại, không nghe nói có ai tới tìm. Ông bình tâm dần. Mấy năm trôi qua, con nhỏ vẫn bặt tăm, ông quên dần chuyện trên.

Cho đến hôm rồi buổi sáng giở tờ báo ra coi, ôi trời đất ơi, hình con nhỏ ngay trang đầu, mặt mày vóc dáng không thể lầm lẫn được, đứng hàng ngang cùng năm bảy đứa nữa, mặt mày non choẹt, tay bị còng. Một băng cướp “nhí” vừa mới sa lưới pháp luật!

“Cách kiếm tiền khác!”, ông nhớ lại lời nó. “Cách khác” là như thế này đây? Ông nhìn tấm hình lần nữa, con nhỏ nhìn lại ông, ngạo mạn thách thức.

Ông xếp tờ báo lại, không đọc bài báo. Ngày hôm đó và mấy ngày sau ông không đến bưu điện làm việc, nằm nhà nghĩ ngợi vẩn vơ, hình ảnh con nhỏ lởn vởn trong đầu. Nó không ăn cắp, nó biết bản thân nó. Giờ đây nó đang ở trong tù, cuộc đời trước mắt u ám mù mịt, ông làm gì được cho nó? Rồi nhớ lúc đến nhà ông bà chủ. “Còn thiếu chữ nghĩa nào của ông làm cho nhà này tan nát nữa không?”. Ông nhớ tất cả, cả cuộc đời viết thư thuê của ông. Ông chỉ là người viết thư thuê, không dính líu gì, sao cứ vận vào hết chuyện người này tới chuyện người khác?

Những bức thư của ông làm được gì?

5-2009

Truyện ngắn của LÊ VĂN THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên