Phan Thanh Nhiên trong hành trình chinh phục Everest - Ảnh: NVCC
Thật khó để gọi Nhiên bằng một chức danh nào đó dựa vào công việc. Doanh nhân, vận động viên, diễn viên cho đến cả hướng dẫn viên, tất cả anh đều từng kinh qua cũng như sẵn sàng theo đuổi tiếp cho tương lai.
Sau Everest là Bắc cực
"Nhiên Everest", trước năm 2019 - thời điểm bộ phim đầu tiên anh đóng được công chiếu, đó là từ khóa ngắn nhất bạn có thể tìm được về thông tin của Phan Thanh Nhiên trên Google.
Năm 2008, khi là sinh viên 23 tuổi, Nhiên trở thành một trong ba người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest (cùng với các anh Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh). Trong đó Nhiên là người trẻ nhất.
Sau kỳ tích đó, Nhiên trở về cuộc sống đời thường. Anh thử sức với rất nhiều công việc khác nhau, làm hướng dẫn viên du lịch, rồi quay lại nghiệp vận động viên (từng thi đấu và giành huy chương bạc môn leo tường ở SEA Games 26), rồi kinh doanh...
Tên tuổi của Nhiên càng nổi sau khi tham gia bộ phim Hai Phượng. Và sau hơn 10 năm, chàng sinh viên ĐH Thể dục thể thao năm nào giờ đây đã là người thành đạt.
Nhưng với một cuộc sống đầy đủ như vậy, Phan Thanh Nhiên vẫn không ngại ngần lao vào những cuộc phiêu lưu. Tháng 4, anh sẽ tham gia cuộc thi chạy 42km ở Bắc cực. Đó là một hành trình đầy rủi ro, bởi chính Nhiên thừa nhận đến lúc này anh cũng chưa mường tượng ra cảm giác "chạy trên băng" là như thế nào, huống hồ là chạy marathon.
Bận rộn với đủ thứ công việc, Nhiên chỉ có 1-2 tháng chuẩn bị làm quen cho cuộc đua đặc biệt này. Dù vậy, anh vẫn không hề e ngại.
"Thông thường khi có càng nhiều, con người ta càng sợ đánh mất. Nhưng tôi không thuộc mẫu người như vậy. Thật sự trước đây tôi từng khao khát một cuộc sống đầy đủ vật chất. Vì vậy, tôi lao vào con đường thể thao vì mục đích kiếm tiền. Nhưng hành trình chinh phục Everest đã thay đổi suy nghĩ đó của tôi" - Nhiên kể.
Tôi thích đặt bản thân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Con người là một cỗ máy vĩ đại, phải có ý chí, nghị lực tận cùng mới khai phá hết tiềm năng của cỗ máy đó ra được.
Phan Thanh Nhiên
Đến với Everest chỉ vì... 5.000 đồng
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, Phan Thanh Nhiên đến với thể thao thuần túy vì những tính toán cho tương lai.
"Khi còn nhỏ, tôi biết rằng cần phải có bằng ĐH thì sau này mới kiếm được việc làm. Sức học của tôi không tốt nên tôi chọn học ĐH TDTT, vậy mà khi thi cũng trầy trật lắm mới đậu" - Nhiên kể. Và con đường chinh phục Everest cũng xuất phát từ một suy nghĩ thực dụng như thế.
Khi chương trình tuyển chọn người Việt Nam leo Everest bắt đầu, bạn bè rủ rê Nhiên tham dự thi tuyển. Anh tham gia chỉ vì... 5.000 đồng tiền xe buýt.
"Ban tổ chức cho xe đưa đi, khi về chúng tôi được cho 5.000 đồng tiền xe buýt mà vé xe khi đó chỉ có 3.000 đồng, thấy lời nên tôi bỏ bữa làm phục vụ bàn để tham gia cuộc tuyển chọn. Ai ngờ vượt qua vòng sơ tuyển", anh nói.
Cứ như vậy, từng bước một, Nhiên tiến đến gần Everest. Hàng ngàn người tham dự để chọn ra 12 người. Sau đó, 12 người tiếp tục bước vào chương trình huấn luyện gian khổ kéo dài nhiều tháng trời để chọn ra nhóm 4 người cuối cùng.
Lần lượt Nhiên và các đồng đội thử sức với Fansipan (Việt Nam, độ cao 3.143m), Kinabalu (Malaysia, 4.095m), Kilimanjaro (Tanzania, 5.895m), Island Peak (Nepal, 6.160m) trước khi đến với Everest. Mỗi lần vượt qua một vòng, Nhiên lại nhận được một khoản tiền. Cứ như vậy, chinh phục Everest ban đầu với anh chỉ là để đổi đời.
Phan Thanh Nhiên trên đường đến đỉnh Everest - Ảnh: NVCC
Đối mặt với cái chết...
Kể cả khi đã vượt qua hàng loạt thử thách, chinh phục Everest vẫn là một cuộc chiến khắc nghiệt vượt ngoài sức tưởng tượng của Nhiên. Con số thống kê 6,5% người chết khi cố gắng chinh phục Everest đủ cho thấy lằn ranh sống chết mong manh đến thế nào trên con đường đến với "nóc nhà thế giới".
"Không gì có thể diễn tả được sự khắc nghiệt ở Everest. Mỗi ngày chúng tôi đều phải đối mặt với cái chết. Ngồi lâu quá sẽ chết vì lạnh, còn đi nhanh quá sẽ chết vì cơ thể không chịu đựng nổi, mất bình oxy cũng chết, trượt chân cũng chết...
Bình thường người ta gọi là "leo núi", nhưng ở Everest gọi "lết" thì đúng hơn, nhiều lúc mất cả nửa giờ mới cất được một bước chân.
Oxy trên đó lại chỉ khoảng 27%, riêng việc thở thôi đã khó khăn. Rất nhiều người trong đoàn chúng tôi đã hối hận ngay từ chặng 1 của cuộc hành trình, nhiều người hoảng hốt và đánh mất sự bình tĩnh" - Nhiên kể.
Với riêng Nhiên, cảm giác kinh hoàng nhất đến với anh ở chặng cuối cùng trước khi lên đến đỉnh Everest. Tê cóng hoàn toàn vì lạnh, Nhiên còn mất cả bình oxy khi người hỗ trợ của anh bị tụt lại phía sau. Giữa lúc mệt mỏi nhất, Nhiên phát hiện 2 người bên cạnh khi anh đang nghỉ mệt lại là những xác chết (rất nhiều xác người đông cứng bị để nằm lại trên Everest).
"Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi đó là rồi tôi cũng sẽ chết như những người này. Lúc đó tôi chẳng còn nghĩ gì về những mục tiêu xa vời nữa, từ việc đến đích, những khoản tiền thưởng đến cả việc sống sót. Cuối cùng, tôi giữ suy nghĩ cứ cố gắng bước từng bước một, đến đâu hay đến đó" - Nhiên kể.
Và rồi điều kỳ diệu cũng đến với Nhiên - cùng với sự hỗ trợ của những người đồng hành Ấn Độ, anh leo đến Everest cũng như trở xuống an toàn. Một Phan Thanh Nhiên - "người Việt Nam trẻ tuổi nhất chinh phục Everest" ra đời từ đó.
Muốn chinh phục các kỷ lục
Ngoài việc chinh phục mục tiêu, Phan Thanh Nhiên còn đặc biệt hứng thú với việc tạo ra các kỷ lục. Anh cho biết đang lên kế hoạch chinh phục Everest một lần nữa và lần này sẽ cố gắng phá kỷ lục "cởi áo lâu nhất thế giới" trên nóc nhà Everest.
Hiện tại, công ty du lịch mạo hiểm của Nhiên đã xây dựng thành công đường zip line (đu dây qua vực núi) dài nhất ở một số tỉnh.
Sự khắc nghiệt của Everest vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người - Ảnh: NVCC
Con người là một cỗ máy vĩ đại
Có rất nhiều chuyện để kể về hành trình gầy dựng sự nghiệp "hậu Everest" của Nhiên. Từ chuyện vật lộn xin việc dưới cái mác "người chinh phục Everest", sự nghiệp vận động viên ngắn ngủi nhưng thành công ở môn leo tường đến hành trình khởi nghiệp, vướng cảnh nợ nần, làm giàu, rồi đóng phim... nhưng quan trọng nhất Everest đã biến Nhiên thành một người không còn biết sợ là gì.
"Với một người đã cận kề cái chết trên Everest như tôi, chẳng còn gì khiến tôi sợ hãi nữa. Tôi vốn đã có máu liều, đã làm gì thì đều nỗ lực đến cùng mới thôi. Tôi thích đặt bản thân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Con người là một cỗ máy vĩ đại, phải có ý chí, nghị lực tận cùng mới khai phá hết tiềm năng của cỗ máy đó ra được" - Nhiên nói.
Và cũng với quan niệm đó, Nhiên không ngần ngại lao vào những cuộc phiêu lưu của cuộc đời hậu Everest. Anh tham gia chạy bộ cắm cờ trên đỉnh Fansipan, đóng phim hành động mà không cần cascadeur, rồi sắp tới là cuộc đua marathon ở Bắc cực.
Nhiều người cho rằng ắt hẳn Nhiên muốn được xem như một doanh nhân hoặc một diễn viên - "oách" hơn nhiều so với cuộc đời cực khổ của một vận động viên. Nhưng chàng trai 34 tuổi khẳng định sở trường lớn nhất của anh chính là leo trèo, và công việc anh khao khát nhất lại là hướng dẫn viên leo núi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận