Phạm Duy Cường và lá cờ Tổ quốc tại đích đến. Ảnh:NVCC |
Về đích với thời gian 7 giờ 47 phút 7 giây, anh Cường xếp hạng 71/202 VĐV tham dự cự ly marathon 42km ngày 29-5 trên đỉnh Everest. Ở nhiệt độ khoảng -20 độ C, độ cao 5.364m so với mực nước biển, cuộc thi marathon trên đỉnh Everest (Tenzing-Hillary Everest Marathon) được xác nhận là cuộc thi marathon ở nơi cao nhất thế giới.
Đây là lần đầu tiên có một người VN đăng ký tham dự và về đích cuộc thi khắc nghiệt này.
Từ người thích... nhậu
Năm nay 35 tuổi, Phạm Duy Cường là ông chủ một doanh nghiệp kinh doanh dụng cụ pha chế cà phê. Dù rất đam mê thể thao nhưng anh Cường cũng thích... nhậu. Anh nhậu bởi nhiều lý do, từ tiếp khách hàng, giao lưu bạn bè, đến nhậu sau buổi chơi thể thao...
Trước kia anh Cường ham mê đá bóng. Nhưng việc thường đá 1 tiếng nhưng sau đó ngồi nhậu 2-3 tiếng khiến anh bị bệnh gout, thoát vị đĩa đệm. Có lúc anh Cường bị thoát vị đĩa đệm dẫn đến đau lưng phải nằm bất động không thể vệ sinh cá nhân được. Ý thức được tình trạng sức khỏe, tháng 8-2016 anh bắt đầu thay đổi bản thân từ việc chạy bộ. Chạy từ chậm đến nhanh, từ ngắn đến dài, từ thấp lên cao, mỗi ngày anh Cường chạy trung bình 13km quanh khu vực hồ Tây.
Sau một tháng tập luyện, sức khỏe thay đổi rõ rệt, anh Cường mạnh dạn đăng ký tham dự cự ly 42km tại cuộc thi Vietnam Mountain Marathon ở Sa Pa. Dù lê lết mãi mới về đến đích nhưng anh Cường đã hoàn thành chặng đua dài nhất của mình đến thời điểm ấy. Từ đó đến nay anh Cường tham dự trên 10 cuộc thi bán marathon (21km), marathon (42km).
Tháng 3-2017 anh tham dự cuộc thi marathon tại Barcelona (Tây Ban Nha), sau đó là giải marathon báo Tiền Phong, giải bán marathon Hà Giang, Ironman Đà Nẵng và mới nhất là Everest marathon. Sau gần 1 năm, sức khỏe của anh đã thay đổi hoàn toàn, chỉ số đường huyết, cân nặng hoàn hảo. Quan trọng nhất là ý chí vượt lên khó khăn trong thi đấu đã tác động tích cực đến quan điểm sống, công việc, gia đình của anh Cường.
Đến chinh phục nóc nhà thế giới Everest
Với nickname Dr Dẻo, anh Phạm Duy Cường là một trong những thành viên được hội chạy đường dài LDR (Long Distance Runners) rất ngưỡng mộ do những kỷ lục mà anh đã xác lập. Anh chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ mình sẽ chinh phục đỉnh Everest ở độ cao 8.848m so với mực nước biển vào một ngày nào đó. Vì thế năm 2016 tôi và một số người bạn đã có chuyến đi tiền trạm đến Everest. Lần này hoàn thành chặng đua marathon ở độ cao hơn 5.000m trên núi Everest là bước thứ hai để tôi tiến gần hơn đến việc chinh phục đỉnh cao nhất của Everest”.
Để chuẩn bị cho cuộc thi marathon trên núi Everest, gần 3 tháng trước cuộc thi anh đã thực hiện những bài tập hỗ trợ rất chuyên sâu như vừa chạy vừa đeo khẩu trang, đeo mặt nạ yếm khí, bởi khi chạy trên Everest có độ cao lớn, oxy loãng, thời tiết lạnh giá, gió mạnh... đòi hỏi cơ thể con người phải có sức khỏe tuyệt vời để ứng phó. Dù việc đeo mặt nạ yếm khí khiến anh khó thở, kiệt sức nhưng trong suốt hai cuộc thi bán marathon tại đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) ngày 30-4 và cuộc thi Ironman tại Đà Nẵng vào tháng 5, anh Cường vẫn đeo mặt nạ cho đến khi cán đích. Và đây là lý do suốt 3 tuần trong hành trình chinh phục Everest marathon anh Cường không bị say độ cao, không bị kiệt sức và có thể hoàn thành chặng đua.
Những dòng nhật ký cùng Everest marathon
Anh có sợ nguy hiểm đến tính mạng khi chạy bộ ở nơi mà mỗi năm đã có biết bao người phải bỏ mạng vì lở núi, bão tuyết? Anh Cường trầm ngâm rồi đáp: “Sợ và lo lắng rất nhiều nhưng nó chỉ là lúc cuộc thi chưa diễn ra. Khi đã bước vào hành trình, mục tiêu duy nhất của tôi chỉ là làm sao hoàn thành đường chạy”.
Rời Hà Nội ngày 16-5 để lên đường đến Nepal, anh Cường thường xuyên cập nhật tình hình của mình mỗi ngày suốt 21 ngày tham gia chuyến đi để bạn bè, người thân yên tâm. Tuy nhiên có những lúc dù ý chí sắt đá đến mấy con người cũng không thể không run sợ trước thiên nhiên hung dữ. Trong trang nhật ký của mình, anh Cường viết: “Một ngày thật tệ, Annei (bạn đồng hành cùng nhóm với anh Cường - NV) lại khóc. Lần này thì cô đã khóc nức nở như con đê biển vỡ òa vì không chịu nổi những đợt sóng mãnh liệt của vùng núi khắc nghiệt này. Cô nói cô đã không ngủ được cả đêm qua vì đau đầu, vì tuyết rơi lạnh khiến cái túi ngủ của cô ẩm ướt... Chứng say độ cao đã hành hạ cô cả đêm, có thể nó đã biến chứng thành suy hô hấp khi cô không ngừng ho. Những tràng ho liên hồi như đoàn tàu vào ga vắng, nó âm vang trong đêm tĩnh lặng như xé toang màn đêm u ám của vùng núi hoang vu này”.
Mỗi VĐV tham dự cuộc thi phải đóng lệ phí 2.500 USD cho ban tổ chức. Với số tiền này, anh Cường được ban tổ chức đón tại sân bay, bố trí nơi ở và đảm bảo cho việc ăn ở, sinh hoạt, di chuyển trong hành trình 21 ngày. Hai ngày sau khi đến thủ đô Kathmandu (Nepal), VĐV bay đến sân bay Lukla ở chân dãy Everest để bước vào hành trình. Từ Lukla, các VĐV phải đi bộ 10 ngày để đến trại cơ sở Everest (Base Camp). Ngày di chuyển, đêm dựng lều nghỉ trong cái lạnh thấu xương, gió thổi ù ù, thức ăn không phải ai cũng phù hợp, việc đi vệ sinh cũng là thách thức với mỗi thành viên tham gia hành trình.
“Mỗi người chúng tôi mỗi tối được phát một chậu nước khoảng hơn 1 lít để làm tất cả công việc vệ sinh cá nhân. Đi vệ sinh thì bấm đồng hồ chia thời gian... Hành trình vô cùng khắc nghiệt và gian nan nhưng trải nghiệm này không phải ai cũng có được” - anh chia sẻ. Ngày 27-5, các VĐV đã đến trại cơ sở Everest ở độ cao 5.364m so với mực nước biển, nhiệt độ gần -20 độ C. Gió thổi mạnh, địa hình toàn băng, đá hộc, tuyết. Đây cũng là điểm xuất phát trong cuộc thi marathon 42km. Sáng 29-5, cuộc thi chính thức bắt đầu từ Base Camp. Đoạn đường chạy xuống dài 42km chủ yếu là đường dốc, đá hộc, đá dăm, băng giá trơn trượt và đích đến là Namche Bazaar có độ cao 3.440m so với mực nước biển.
Anh Cường cho biết vì đã có chuẩn bị kỹ từ nhiều tháng trước và hai tuần thích nghi với điều kiện sống trên Everest nên anh không thấy quá khủng khiếp để cán đích.
“Khi sắp về đến đích, tôi thấy như có luồng điện chạy qua cơ thể. Tôi đã chuẩn bị sẵn lá cờ Tổ quốc và buộc nó trên vai, khi cán đích tôi thấy mình như siêu nhân đã hoàn thành mục tiêu khó khăn nhất. Cảm giác tự hào và hạnh phúc vô cùng tận” - anh Cường xúc động nói.
|
Tôi mong sớm được về nhà Sau khi cán đích, các VĐV phải đi bộ ba ngày mới về đến sân bay Lukla để di chuyển về thủ đô Kathmandu. Dù vậy, sau ba ngày đi bộ kiệt sức thì thời tiết sương mù và cả đoàn bị mắc kẹt không thể rời Lukla được. “Đợi chờ, chờ đợi, rồi lại đợi chờ. Tôi nhìn những đám mây mù lững lờ trôi qua trong ngao ngán, cảm giác như thời gian đang đóng quánh lại như nồi bánh đúc nóng mẹ tôi nấu mỗi khi đông về. Đấy, nhắc tới bánh đúc làm tôi nao lòng quá, nhớ nhà tê tái, nhớ đồ ăn vợ nấu, nhớ bọn trẻ, nhớ công việc đang làm dang dở. Hết động lực rồi nên nó mới thế. Chẳng có việc gì làm, chỉ ngồi bó gối một chỗ như tù giam lỏng, mắt nhìn chăm chú về phía bầu trời âm u vô định, mong ngóng đôi cánh trắng của Hãng Tara Air như mong tà áo nâu mẹ đi chợ về. Trên núi, mọi thứ đều bị động trước thiên nhiên. Thiên nhiên có một quyền uy tối thượng mà vạn vật phải tuân theo. Tôi mong sớm được về nhà” - anh Cường viết trên nhật ký. Sau ba ngày mắc kẹt, máy bay do ban tổ chức bố trí vẫn không thể tiếp cận để đưa VĐV xuống núi. Anh Cường và các đồng đội cùng trại đã phải đóng mỗi người 500 USD để thuê trực thăng về Kathmandu. Đặt chân đến Hà Nội sáng 5-6 trong niềm hạnh phúc khôn tả, việc đầu tiên anh Cường thực hiện là đi hiến máu. “Tôi đang sở hữu những giọt máu được rèn luyện trên độ cao 5.500m của núi Everest. Những giọt máu được hình thành trên xứ sở của hạnh phúc và niềm đam mê. Tôi muốn truyền lại nó cho người khác” - anh Cường chia sẻ. |
“Tôi đã chuẩn bị sẵn lá cờ Tổ quốc và buộc nó trên vai, khi cán đích tôi thấy mình như siêu nhân đã hoàn thành mục tiêu khó khăn nhất Phạm Duy Cường |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận