Chính sách di dân mới của Mỹ được cho là không ảnh hưởng nhiều đến người Việt, bởi đa số trường hợp bảo lãnh thân nhân đã cam kết lo cho người thân, không dựa vào chính phủ. Trong ảnh: người Việt ở bang California đón tết - Ảnh: DAILY PILOT
Nhà Trắng muốn những người nhập cư phải tự lực cánh sinh, đứng vững trên đôi chân mình trước khi trở thành thường trú nhân hợp pháp (được cấp thẻ xanh).
Lo ngại ảnh hưởng sức khỏe
Thật ra quy tắc này không mới. Nó bắt nguồn từ đạo luật di trú có từ năm 1882, cho phép chính phủ từ chối cấp thị thực cho bất kỳ ai có khả năng trở thành một "gánh nặng xã hội". Và ngay tức khắc, như nhiều đạo luật di trú khác, nó đã nổ tung trên toàn cõi nước Mỹ. Các báo đài như bắt được vàng, mỗi giờ mỗi khắc đưa tin, bình luận sôi nổi.
Các phe ủng hộ/chống đối Dân chủ, Cộng hòa, da màu, da trắng, công dân, tị nạn tranh cãi nhau quyết liệt, không chịu nhường nhau trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và YouTube.
Hằng tháng, trung bình mỗi người sẽ nhận được 134 USD cho tiền tem phiếu thực phẩm. Theo các số liệu thống kê, số người nhận trợ cấp tem phiếu nhiều nhất lại là dân da trắng (36%), tiếp đó là da màu (25%), người gốc Mỹ Latin (17%), hơn 3% người gốc châu Á và 1% thổ dân Mỹ.
Số tiền ít ỏi này không thấm vào đâu với giá cả vật chất ngày càng leo thang ở Mỹ. Nhưng thật ra cái cần hơn hết lại là trợ cấp y tế. So với người láng giềng Canada bên cạnh có bảo hiểm toàn dân, người Mỹ không được hưởng điều này. Có tới hơn 44 triệu người Mỹ phải sống trong cảnh không có bảo hiểm sức khỏe. Điều họ mong muốn nhất là được khỏe mạnh để làm việc mà không bệnh đau và chịu phá sản vì chi phí y tế đắt đỏ khôn cùng.
Và không khó để nhận ra tại sao ông Trump luôn "tấn công" vào người tị nạn hợp pháp lẫn không hợp pháp. Có tới 45% gia đình tị nạn nhận tem phiếu, 45% nhận trợ cấp y tế mỗi tháng với đồng lương ít ỏi khi phải đối diện với quá nhiều rào cản về ngôn ngữ và kinh nghiệm bằng cấp trong những ngày đầu đến Mỹ.
Phần lớn những người này được các bang "Dân chủ" đông đúc ven hai bên bờ đông và tây, đóng góp nhiều nhất vào GDP nước Mỹ "chào đón" hơn là các bang "Cộng hòa" cực đoan ở miền midwest (trung tây) Mỹ.
Làm sao họ có thể vượt qua chuẩn nghèo (12.490 USD/người, gia đình 4 người có tổng thu nhập dưới 25.750 USD/năm) khi vừa thoát khỏi các đất nước rẫy đầy chiến tranh, bạo lực tìm đến tị nạn ở Mỹ?
Một số chuyên gia cho rằng luật mới ban hành sẽ tác động tiêu cực tới sức khỏe của người nhập cư, do họ sẽ buộc phải dừng tiếp cận chăm sóc y tế hoặc tem phiếu thực phẩm để tránh bị đưa vào diện "gánh nặng xã hội".
Và trẻ em chính là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất. Liệu những ông bố bà mẹ có con đang nhận trợ cấp xã hội, hay bữa trưa miễn phí ở trường, có bị liệt vào thành phần "gánh nặng xã hội" và phải chủ động rút ra để quá trình nhập cư của mình được thuận lợi?
Số ước tính trong năm 2018, Chính phủ Mỹ đã dành cho trợ cấp xã hội Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ - Đồ họa: N.KH.
Ít người Việt bị ảnh hưởng
Theo quan sát, người Việt không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Nếu diễn ra vài mươi năm trước, khi có rất nhiều người Việt di cư sang Mỹ với hai bàn tay trắng, chật vật kiếm sống giữa lúc Mỹ đang đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế thì hiện tại, khi người Việt sang Mỹ nhập cư theo diện bảo lãnh, người đứng ra làm giấy tờ phải cam kết có đủ điều kiện để lo cho họ mà không phải dựa dẫm vào chính phủ.
Thỉnh thoảng lại nghe vài câu chuyện phiếm kiểu gia đình này đi có nhà to, du lịch liên tục mà vẫn được lãnh trợ cấp y tế, nhà kia mở vài tiệm nail, nhà hàng to, chạy xe xịn, ăn mặc sang trọng nhưng đi chợ vẫn xài thẻ foodstamp, có người mới bị chính phủ bắt vì gạt lừa, dối trá thì hầu hết người Việt sống ở Mỹ vẫn ngày ngày làm việc cật lực để trực tiếp hay gián tiếp đóng góp vào con số GDP khổng lồ mỗi năm của Mỹ.
Trải qua gần 300 năm lập quốc, giá trị của Mỹ đều dựa vào người nhập cư khắp thế giới. Sự phồn thịnh và hùng cường của Mỹ tới ngày nay đều bắt đầu từ những người ly hương tìm kiếm cơ hội và nguồn sống mới. "Giấc mơ Mỹ" luôn là thứ thôi thúc hàng triệu người trên Trái đất này tìm đến.
Và hơn bao giờ hết, giấc mơ ấy đang lung lay như cây khô trong gió bão trước những đạo luật hay dòng tweet đầy tranh cãi của vị tổng thống luôn muốn làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhằm tiết kiệm 2,7 tỉ USD trong khi thâm hụt chính phủ đang ở mức vài mươi ngàn tỉ.
400.000 người
Nếu không có gì bất ngờ, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 15-10 năm nay và dự đoán có gần 400.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, có tác động lớn với những người nhập cư nghèo sống ở Mỹ hợp pháp và đang nhận sự giúp đỡ từ các chương trình phúc lợi xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận