31/07/2018 13:37 GMT+7

Người về sau giấy báo tử: Chuyến xe định mệnh

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 5 năm chiến đấu, 25 năm lưu lạc mới tìm về được quê hương, những năm tháng cuối đời, người cựu chiến binh ấy vẫn chưa hết khổ. 61 tuổi, ông vẫn không có được gì hơn những mất mát.

Người về sau giấy báo tử: Chuyến xe định mệnh - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Cầu và hai cô con gái (giữa) đã lớn nhưng vẫn ngô nghê, khờ khạo - Ảnh: MY LĂNG

36 năm trước. Tháng 8-1982. Chiến sĩ Nguyễn Văn Cầu, người xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), là một trong những thương bệnh binh được cho xuất ngũ. Họ được xe đơn vị chở từ Campuchia về nước.

Người lính thất lạc

Gần về đến đất Việt Nam, xe dừng chân cho bộ đội đi vệ sinh thì bất ngờ vết thương tái phát, Nguyễn Văn Cầu ngất lịm đi mà không ai hay biết. Chiếc xe rời đi sau đó mà không có anh.

"Thời kỳ đó lính Pol Pot hay bò từ trong rừng ra phục kích bộ đội ta rồi lủi vô rừng. Chắc đơn vị không thấy anh Cầu về, nghĩ anh đã bị Pol Pot bắn chết nên mới gửi giấy báo tử về nhà" - ông Đặng Sĩ Đạo, một người đồng đội trong xã cùng nhập ngũ, đi chiến đấu cùng đơn vị với ông Cầu, giải thích.

Vết thương rất nặng ở đầu khiến thần trí người thương binh 25 tuổi không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên. Anh lần dò tìm đường về đất Việt Nam và phiêu bạt xuống Năm Căn (Cà Mau).

Ở nơi cuối đất cùng trời này, anh đi làm thuê làm mướn rồi gặp và kết hôn với cô gái tên Huê, người Ninh Bình. Họ sinh được sáu người con, một đứa chết đuối mất lúc còn nhỏ. Năm đứa còn lại, đứa nào cũng khờ khạo, mặt mũi ngây ngô.

Ông Cầu chỉ làm thuê được một vài năm thì không ai dám thuê nữa. Những lúc trời nắng nóng, ông trở thành người khác, nóng nảy, cộc cằn, mất kiểm soát và hay đập phá. Người vợ trở thành trụ cột kinh tế, một mình nuôi chồng và năm đứa con.

Cuộc sống quá khó khăn, thần trí lại không ổn định, nhớ nhớ quên quên bất chợt, ông Cầu lần lữa mãi đến cuối năm 2007 ông mới quyết về quê tìm lại người thân.

"Tôi hỏi thăm, người ta chỉ đường vào nhà chị Phượng. Thấy chị đang sắc thuốc dưới bếp, tôi đi thẳng xuống. Tôi về mà chị nhận không ra. Tôi bảo em là Cầu này, chị không nhớ à? Sau chị mới nhận ra tôi và ngất đi" - ông Cầu kể.

Vào nhà người anh trai tên Kiện, ông Cầu thấy trên bàn thờ có bằng Tổ quốc ghi công mang tên mình (truy tặng tháng 10-1993).

"Cậu ấy về mà tính tình khác lắm, cứ hâm hâm, dở dở. Cậu ấy ở chơi vài chục ngày, vợ tôi bảo muốn vào Nam thăm vợ con cậu ấy xem nhà cửa thế nào. Đi xong, hai chị em dắt hai đứa con về đây nuôi. Nhưng hai đứa bị ảnh hưởng chất độc da cam, cứ ngây ngây ngô ngô dù rất đẹp.

Ở đây được mấy tháng, cậu ấy đưa hai đứa con vào lại Năm Căn nhưng rồi không biết đi đứng như thế nào lại lạc mất chúng nó" - ông Kiện kể.

Người về sau giấy báo tử: Chuyến xe định mệnh - Ảnh 2.

Bản sao bằng Tổ quốc ghi công của “liệt sĩ“ Nguyễn Văn Cầu

Hôm qua tôi ra huyện hỏi làm chứng minh nhân dân cho ổng, họ nói ổng đã có giấy báo tử nên không chịu làm. Giờ muốn làm cái thẻ bảo hiểm y tế cho ổng cũng không làm được.

Ông Hưng (em vợ ông Cầu)

Quá khứ và hiện tại

Nhà có sáu anh chị em. Mồ côi cha mẹ từ sớm, anh Cầu phải ở với ông chú họ. Anh nhập ngũ từ năm 1977, về thăm nhà được một lần rồi không thư từ gì cho đến khi gia đình nhận tin hi sinh (năm 1993).

Xã làm lễ truy điệu. Năm đó xã làm lễ cho hai người. Gia đình chỉ biết hi sinh, không nghe Nhà nước nói có mồ mả ở đâu. Không có ảnh để phóng thờ, chỉ có cái bằng Tổ quốc ghi công treo lên đó mà thay ảnh thờ.

"Lúc đó đói khát, chiến tranh, chẳng ai nghĩ đến chuyện chụp ảnh. Ai cũng nghĩ anh hi sinh rồi, thờ cúng bao nhiêu năm nay không ngờ còn sống mà trở về" - ông Duyên, em trai ông Cầu, cho biết.

Ông Đặng Sĩ Đạo nhớ lại: "Cuối năm 2007, nhìn thấy anh ấy trở về, tôi nhũn người. Anh em sống chết cùng nhau làm sao không nhận ra được dù anh ấy quần áo nhếch nhác, tiều tụy. Hồi đi chiến đấu, Cầu nhanh nhẹn, tháo vát, nhiệt tình lắm, tính tình vui vẻ, hay hát hò. Giờ sáng nắng chiều mưa, đầu óc tâm trí không bình thường nữa".

Ông Đạo kể: "Chúng tôi cùng nhập ngũ tháng 10-1977. Chúng tôi là lính thủy đánh bộ của tiểu đoàn 4, lữ đoàn 101 bên hải quân ở Hải Phòng, huấn luyện một năm xong, thời bình chuyển sang thời chiến, kêu gọi toàn quân vào biên giới Tây Nam, tháng 9-1978 đơn vị tôi hành quân vô Phú Quốc.

Sau đó chúng tôi cùng đi sang Campuchia đánh Pol Pot. Những năm tháng đánh Pol Pot ác liệt, thiếu thốn đủ thứ. Một điếu thuốc 5-7 người hút. Cơm đùm cơm nắm cũng chia nhau từng miếng".

Trong trận đánh ác liệt cuối tháng 7 đầu tháng 8-1980, Cầu bị mảnh pháo găm vào đầu, mặt và tay. Vết thương quá nặng, Cầu được chuyển về Bệnh viện Phú Quốc rồi Sài Gòn điều trị. Tháng 9-1980, anh tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu.

"Năm 1982, khi tổng hợp danh sách đề nghị cho ra quân của tiểu đoàn, tôi thấy có tên anh Cầu. Chia tay đồng đội về nước, tôi ở lại, cứ tưởng anh ấy về nhà rồi. Năm 1985 tôi về thăm nhà thì nghe người chú nói đã có giấy báo tử của anh Cầu..." - ông Đạo nói.

5 năm chiến đấu, 25 năm lưu lạc mới tìm về được quê hương, những năm tháng cuối đời, người cựu chiến binh ấy vẫn chưa hết khổ. 61 tuổi, ông vẫn trắng tay. Ngay mảnh đất đang ở, vợ chồng ông cũng mượn của mẹ vợ.

Trong căn nhà tuềnh toàng vá chằng vá đụp từ những mảnh tôn cũ, tài sản của vợ chồng ông chẳng có gì. Không xe máy. Không xe đạp. Không tủ lạnh. Trong nhà có mỗi cái giường là to nhất. Cái tivi trắng đen cũ người em rể cho đã bị hư.

Không chứng minh nhân dân, không thể đi làm thuê vì sức khỏe yếu, không có bất cứ trợ cấp gì, mọi chi tiêu của gia đình ông chỉ trông chờ vào đàn gà, mớ rau tự nuôi tự trồng. Những đứa con của ông chỉ lớn mà không có khôn. Đứa nào cũng khờ khạo, ngây ngô.

"Tui giờ gần 60 rồi, không đi làm thuê làm mướn nổi. Vợ chồng tui không có cục đất nào cả, lấy nhau xong về đây ở nhờ đất của bà già tui. Đây là xóm khổ nhất, xưa toàn dân Hà Nam Ninh đi làm kinh tế mới năm 1977-1978" - bà Huê, vợ ông Cầu, cho biết.

Người về sau giấy báo tử: Chuyến xe định mệnh - Ảnh 4.

Căn nhà rách nát của vợ chồng ông Cầu dựng trên nền đất mẹ vợ cho mượn - Ảnh: MY LĂNG

Tìm con không thấy

Nhắc về chuyện mất con, ông Cầu buồn bã nói: "Hôm đó về tới Sài Gòn, tôi nói hai đứa đứng chờ ở một chỗ để tôi đi mua bánh mì. Lúc quay lại thì không thấy chúng đâu, giỏ quần áo cũng mất tiêu".

Ông Cầu hoảng hốt hỏi thăm mọi người xung quanh, không ai biết. Ông tìm khắp khu vực gần đó, đi xuống tuốt Cần Giờ, lang thang nhiều ngày tìm nhiều nơi vẫn không thấy con.

Từ đó đến nay, số phận hai đứa nhỏ vẫn chỉ là một dấu chấm hỏi không có câu trả lời.

Kỳ tới: Người chết hai lần

Người về sau giấy báo tử: Lá thư kỳ lạ Người về sau giấy báo tử: Lá thư kỳ lạ

TTO - Lúc nhập ngũ năm 1977 mới 20 tuổi, khi trở về ông Tiến đã 59 tuổi. Năm tháng cứ thế lặng lẽ trôi qua trong cuộc đời ông cho đến khi cô con dâu làm lý lịch kết nạp Đảng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên