07/05/2009 03:04 GMT+7

Người tuần đường - Kỳ 1: Tuần hầm Hải Vân

TẤN ĐỨC - MỸ HẠNH
TẤN ĐỨC - MỸ HẠNH

TT - 14 giờ. Trong phòng tập thể công nhân cung đường Hải Vân 3, người tuần hầm Lê Văn Cầu tất bật kiểm tra lại mấy món “đồ nghề” cờlê, búa, cờ, pháo hiệu... rồi bước vội lên phòng cung trưởng nhận lệnh. “Từ đây ta sẽ “cuốc” ngược ra phía bắc, qua hầm 14, hầm 13, đến cung đường Hải Vân 2 đổi thẻ với tuần đường bạn, rồi quay trở ra cung đường Kim Liên.

Họ là những người tuần đường, tuần hầm, gác cầu đường sắt... bao nhiêu năm thầm lặng góp sức bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu đi ngược về xuôi.

Họ lặng lẽ đi, cứ “lên ban” là phải đi, cho dù là ngày hay đêm, cho dù giữa trưa nắng chói chang hay mưa gió bão bùng. Họ lặng lẽ đi theo những đường tàu, xuyên qua hầm sâu, rừng núi...

Tổng đoạn đường đi và về 14km, cộng thêm thời gian “giải lao đứng” giữa chặng, rồi đổi thẻ, ký sổ nhật trình với các chốt bảo vệ hầm, gác chắn đường ngang, mất chừng 4 giờ rưỡi. Khoảng 18g30 ta sẽ có mặt trở lại nơi xuất phát này”. Nói xong anh Cầu yêu cầu tôi cùng lên đường ngay.

CZ8giSEv.jpgPhóng to

Anh Lê Văn Cầu chuẩn bị đón tàu tại ô tránh tàu trong hầm Hải Vân - Ảnh: Tấn Đức

Tuần “đêm” giữa ban ngày

Tay trái cầm đèn pin, tay phải cầm chiếc gậy tre, vai trái đeo túi đồ nghề, anh Cầu bước đi thoăn thoắt trên thanh ray hệt như người ta làm xiếc. Đến chốt bảo vệ đầu hầm 14, anh Cầu ghé lại ký sổ, bắt đầu “chinh phục” con đường hầm hun hút dài đến 1km. Đây cũng là hầm đường sắt dài nhất trong sáu đường hầm thuộc đèo Hải Vân. Do có độ cong ở cửa phía nam nên vừa “phụp” vào miệng hầm vài chục mét đã thấy màn đêm đặc quánh. Không gian xung quanh im ắng. Thi thoảng những giọt nước lạnh ngắt từ nóc hầm nhỏ xuống trúng người.

Càng đi sâu vào hầm độ dốc càng cao và các ô tránh tàu cũng xuất hiện liên tục hai bên vách hầm. Mỗi ô rộng chỉ hơn 1m, được khoét âm vào vách hầm độ 0,4-0,6m. “Tàu sắp đến - anh Cầu kêu to - Đường hầm này có tới 211 ô tránh tàu, nhưng tập trung dày đặc ở đoạn giữa. Phải nhanh đến đó”. Không lâu sau tiếng còi tàu đã vang vọng, và rồi ánh sáng đèn pha xuất hiện ở cửa hầm phía bắc. Anh Cầu đẩy tôi vào một ô tránh ngay bên phải, rồi tay cầm đèn, tay cầm cờ đứng chào trang nghiêm. Đoàn tàu rầm tập đi qua.

Anh Cầu bảo: “Trung bình mỗi ngày có mười lượt tàu khách qua lại. Những ngày lễ, tết lượng tàu tăng gấp đôi, gấp ba. Đấy là chưa kể các tàu chở hàng, vật liệu xây dựng, khoáng sản. Những tàu hiện đại chạy bằng đầu máy do Đức sản xuất thì đỡ ô nhiễm, chứ gặp các tàu chạy bằng đầu máy Tiệp Khắc, Bỉ thì mức độ ô nhiễm càng nặng hơn. Nhưng đáng lo nhất là hít phải bụi sắt phát sinh do ma sát giữa đường ray và bánh tàu. Nhiều bận đi tuần về mặt mũi đen ngòm”.

Chúng tôi tiếp tục hành trình trong bóng đêm. Hết hầm 14 lại sang hầm 13, dài 366m. Phân đoạn đèo Hải Vân có ba cung đường: Hải Vân 1, Hải Vân 2 và Hải Vân 3. Trên phân đoạn này có tất cả sáu đường hầm (từ hầm số 9 đến hầm 14, tính từ phía bắc vào), tổng chiều dài 2.285m. Bình quân mỗi ngày anh Cầu đi tuần hai ban, mỗi ban đi liên tục trong bốn giờ, giữa hai ban được nghỉ bốn giờ. Khoảng đường tuần mỗi ban là bất di bất dịch: 14km, trong đó có hai lượt qua lại hầm số 14 và 13.

Hu6Slo0s.jpgPhóng to
Tuần hầm Hải Vân Lê Văn Cầu đã 24 năm gắn bó với đường ray để đảm bảo tàu chạy an toàn - Ảnh: Tấn Đức

Hành trình không chỉ đi và đến

Anh Cầu đã gắn đời mình với đường hầm này suốt 24 năm qua. Anh sinh năm 1965, quê ở Núi Thành (Quảng Nam), là một trong những người tuần đường kiêm tuần hầm lâu năm nhất ở phân đoạn đèo Hải Vân. “Đâu phải cứ lên ban là đi rồi về như người ta đi chợ. Cứ lo giẫm phải rắn độc nằm cuộn tròn trên đường ray, rồi xú uế và những thứ đồ phế thải người đi tàu vứt trong đường hầm. Vào mùa mưa lũ, đặc biệt các tháng từ 9-11 mưa gió dầm dề, lạnh cắt xương thịt, lại phải căng mắt, dỏng tai lên để nghe tiếng máy, nhìn ánh đèn tàu đến từ phía trước hoặc phía sau lưng mà tránh” - anh Cầu kể.

Điều anh Cầu cũng như những đồng nghiệp của anh luôn nơm nớp lo là gặp phải xác người. “Một anh say rượu nằm trên đường ray bị tàu nghiến nát. Rồi người qua đường vô ý đâm vào đoàn tàu đang đến... Những cảnh ấy mình đã gặp nhiều, không còn sợ nữa. Nhưng nhiều khi một mình trên cung đường vắng ngắt, hình ảnh anh bạn đồng đội tên Thùy có lẽ do sơ suất trong khi làm nhiệm vụ đã bị tàu cán đứt đôi, nằm vắt qua đường ray ở cách miệng hầm số 13 chừng chục mét vẫn ám ảnh mình”, anh Cầu tâm sự.

Hồi mới vô nghề được vài năm, trong khi cùng bạn đồng hành đi tuần hầm số 14, anh Cầu phát hiện một cái túi ai đó vứt trong hầm, mở ra các anh rụng rời khi trông thấy một hài nhi đã chết. Anh em tuần hầm mang đứa bé an táng ngay miệng hầm, cạnh chốt bảo vệ phía nam hầm số 14 với hi vọng mong manh: người thân của đứa trẻ sẽ quay lại tìm để vong linh bé được trở về với gia đình. Gần 20 năm đã trôi qua, ngôi mộ đứa bé vẫn còn đó. Và mỗi lần qua đây anh em tuần hầm vẫn hay ghé lại thắp một nén nhang cho mộ phần đỡ cô quạnh. Cách nay hai năm, lại thêm một hài nhi nữa đã chết bị bỏ rơi trong đường hầm. Anh Cầu cùng anh em đồng nghiệp lại an táng cho bé ở km 769+400.

“Biết bao hiểm nguy rình rập bước chân người tuần đường chúng tôi. Nhân tai thì còn có thể tránh được chứ thiên tai thì phó mặc cho sự rủi may. Tháng 11 năm ngoái, do bị bục nước, mái taluy dương bên phải miệng hầm số 13 đổ ập xuống bít cả miệng hầm. Ngộ nhỡ hôm ấy mình đang đi tuần ở đó thì...” - anh Cầu trầm tư rồi chuẩn bị đón đoàn tàu từ hướng bắc đang tiến đến. Dáng anh liêu xiêu trong ráng chiều, vai trái đeo mãi túi đồ khi đi tuần nên bây giờ đã thành tật, lúc nào cũng nhếch lên cao hơn vai phải.

Cung đường Lâm Giang (huyện Văn Yên, Yên Bái) là một trong những cung đường heo hút bậc nhất trong hành trình từ Hà Nội ngược lên Lào Cai. Ở đó có một công nhân “nghiện cái thú tuần đường”.

Ông Huỳnh Văn Sơn (phó giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng): “Tuyến đường sắt do chúng tôi quản lý từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có chiều dài 147km. Đảm nhận an toàn cho đoạn đường này có 84 người tuần đường và 28 người tuần hầm. Thu nhập bình quân của mỗi người khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, theo tôi là chưa cao.

Mới đây đoàn kiểm tra liên bộ Tài chính, Nội vụ đã chấp nhận kiến nghị của công ty là khôi phục phụ cấp khu vực 0,2 của lương cơ bản cho công nhân tuần hầm Hải Vân do đây là khu vực khó khăn về điều kiện sinh hoạt, đi lại, điện nước, nguy hiểm... Ngoài ra mức phụ cấp độc hại 2.000 đồng/ngày cho mỗi công nhân tuần còn thấp, cần hỗ trợ thêm cho anh em”.

Kỳ tới: 30 năm đi tuần nơi heo hút

TẤN ĐỨC - MỸ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên