18/05/2011 07:42 GMT+7

Người tù mang số 1225782

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, Guardian, WSJ)
HIẾU TRUNG (Theo New York Times, Guardian, WSJ)

TT - Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn (DSK) đã bị chuyển đến nhà tù khét tiếng Rikers Island ở New York sau khi Tòa án hình sự New York bác đơn xin tại ngoại của ông.

gcZfamIv.jpgPhóng to

Ông DSK xuất hiện với vẻ tiều tụy tại tòa trước khi bị chuyển đến nhà tù - Ảnh: Reuters

Nơi cư ngụ mới của ông DSK giờ là một buồng giam rộng 14m2 với một giường ngủ, một cái ly, xà bông, dầu gội đầu và kem đánh răng. Cơ quan trừng giới New York (DOC) cho biết quyết định giam ông ở khu trại giam phía tây, nhỏ nhất trong 10 trại giam ở nhà tù Rikers Island, nơi chỉ giam giữ khoảng 25-30 trong tổng số gần 14.000 tù nhân của Rikers Island.

Ông bị giam riêng và không được phép tiếp xúc với các tù nhân khác, kể cả khi được rời buồng giam để tập thể dục hoặc xem tivi. “Đây không phải là cô lập tù nhân - người phát ngôn DOC cho biết - Đây là biện pháp bảo vệ tù nhân để khỏi bị các tù nhân khác tấn công vì là người nổi tiếng”. Nhà tù Rikers Island khét tiếng với nhiều vụ lộn xộn, đụng độ giữa tù nhân và lính canh. Trước đó, thẩm phán Melissa C.Jackson thuộc Tòa án hình sự New York đã bác đơn xin tại ngoại của ông DSK.

Nguy cơ ngồi tù lâu

Các luật sư của ông DSK đã đề nghị đóng tiền tại ngoại tới 1 triệu USD nhưng vô hiệu. Thẩm phán Jackson khẳng định việc cảnh sát bắt giữ ông trên máy bay chuẩn bị rời New York cho thấy có nguy cơ ông này sẽ bỏ trốn nếu được tại ngoại. Ông DSK sẽ bị giam đến thứ sáu (20-5) trước khi tiếp tục ra tòa. Ông sẽ phải đối mặt với hàng loạt cáo trạng cưỡng bức, trong đó cáo trạng nặng nhất có mức án lên đến 25 năm tù giam.

“Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu” - luật sư bào chữa cho ông là Benjamin Brafman tuyên bố. Theo công tố viên John “Ardie” McConnell, cô hầu phòng đã đưa ra lời khai rất chi tiết và thuyết phục về việc bị ông cưỡng bức như thế nào. Nhưng trước đó, ông đã đồng ý cho phép cơ quan điều tra xét nghiệm ADN của mình. Luật sư Benjamin Brafman cho rằng xét nghiệm ADN và pháp y sẽ cho thấy không hề có một cuộc vật lộn nào xảy ra.

Các nhân viên điều tra cho biết sau đó ông DSK rời khách sạn trước khi cảnh sát có mặt, bỏ quên điện thoại di động của mình. Máy quay an ninh ở khách sạn cho thấy ông rời đi rất vội vã. Khi đến sân bay, ông DSK đã gọi điện về khách sạn Sofitel hỏi về chiếc điện thoại bỏ quên. An ninh khách sạn không tìm thấy chiếc điện thoại. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cảnh sát New York, họ nói với ông là đã tìm thấy nó và sẽ mang đến cho ông. Ông DSK cho biết ông đang chuẩn bị lên máy bay ở sân bay JFK để về Paris.

Xác định được nơi ông DSK đang có mặt, cảnh sát đã ập tới sân bay, bắt giữ người ngay trên máy bay. Khi đó, ông DSK đã hỏi: “Có chuyện gì vậy?”. Công tố viên Daniel Alonso cho biết nhà chức trách Mỹ sẽ không thể buộc ông DSK trở về Mỹ điều tra nếu máy bay đã cất cánh.

Bằng chứng ngoại phạm?

Các báo Pháp Le Figaro và Libération đang nêu ra nhiều chi tiết mập mờ liên quan đến thời điểm tấn công cô hầu phòng và thời điểm rời khách sạn của ông DSK.

Ông DSK tấn công lúc nào? Có vội vã rời khách sạn? Cảnh sát New York cho biết vụ cưỡng bức xảy ra lúc 13g. Nhưng, theo nhiều nguồn tin, ông DSK đã rời khách sạn lúc 12g28. Sau khi trả phòng ông đã đi ăn trưa với con gái của mình, hiện đang học tại Trường ĐH Columbia ở New York. Sau đó ông lên chuyến bay đã đặt chỗ từ trước để về Paris. Nếu điều đó là sự thật sẽ không có chuyện “tấn công cô hầu phòng lúc 13g” và cũng không “vội vã rời đi”.

Cảnh sát New York sau đó đã “nói lại” là tấn công xảy ra trước đó một giờ, tức vào khoảng 12g. Điều này có nghĩa là trong vòng 28 phút, ông DSK đã tấn công cô hầu phòng rồi rời khỏi khách sạn. “Có quá nhiều mâu thuẫn trong hồ sơ của cảnh sát” - chính trị gia Pháp Jean-Christopher Cambadelis, một đồng minh thân cận của ông DSK, bình luận.

46BvfeSg.jpgPhóng to

Ông DSK xuất hiện với vẻ tiều tụy tại tòa trước khi bị chuyển đến nhà tù - Ảnh: Reuters

Hình ảnh ông DSK “tả tơi” trên CNN trưa thứ ba (giờ Việt Nam) tại Tòa án hình sự New York quả là sự thể hiện tột cùng của câu ngạn ngữ: “Phù du, phù du, tất cả chỉ là phù du”.

Đâu rồi một DSK, lãnh đạo tối cao của một tổ chức tiền muôn bạc tỉ (bằng USD), đang dang tay cứu vớt các nền kinh tế ngập công nợ? Ấy vậy mà nay 1 triệu USD cũng không đủ để thế chân cho ông được tại ngoại!

Ống kính truyền hình cho thấy ông vẫn chỉ mỗi bộ quần áo cùng cái áo khoác hôm bị bắt, chắc chắn là đâu được giặt ủi mấy ngày qua trong phòng lưu giữ vật dụng cá nhân của đồn cảnh sát Manhattan! Nơi cặp mắt thâm quầng của ông là cả một sự cô đơn của một người bị bỏ rơi. Bị bỏ rơi bởi những đồng hương ở những vị trí cao cấp nhất của nước ông, bởi những đồng nghiệp cũ của ông, bởi những ai đã chịu ân huệ của ông, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế, người cả năm nay bôn ba giải cứu hết Hi Lạp đến Ireland, rồi Bồ Đào Nha.

Mới hôm nào đây còn ở căn phòng 3.000 USD/ đêm... mà giờ đã bị áp giải đến nhà tù Rikers Island, bị nhốt trong một xà lim 3mx4m, giữa 14.000 tù nhân hình sự đủ loại trên đời. Ở nhà tù này ông chỉ còn được gọi bằng con số 1225782 - số tù của ông!

____________________

aEXp19gU.jpgPhóng to

Phân tích mẫu ADN tại Viện Di truyền học Nantes Đại Tây Dương của Pháp - Ảnh: AFP

Cảnh sát New York đã được phép khám nghiệm quần áo của tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn. Trước đó, các nhà điều tra cho biết họ đã lấy được dấu vết ADN trong phòng khách sạn của ông, và nay họ tiếp tục tìm kiếm các dấu vết ADN khác trên tóc, tinh trùng hay các vết cào cấu.

Soizic Le Guiner, chuyên gia về dấu vết di truyền thuộc Viện Di truyền học Nantes Đại Tây Dương của Pháp, thử giải đáp một số câu hỏi.

* Theo ông, vì sao lại khám nghiệm quần áo của ông ta?

- Nếu ông ta chẳng có lấy một mảnh vải trên người như lời khai của nạn nhân thì theo tôi, có khám nghiệm quần áo của ông ta cũng chẳng lợi ích gì.

* Những vết cào cấu có thể nói lên được nhiều điều?

- Có thể. Nếu tìm được một dấu vết cào cấu trên cơ thể của người này hay người kia hoặc của cả hai thì người ta có thể tìm thấy ADN, chủ yếu dưới các móng tay. Dù sao cũng chỉ có thể lấy được những dấu vết này nếu người trong cuộc còn chưa rửa tay cẩn thận, và thời gian giữa sự việc xảy ra và lúc lấy ADN còn hợp lý. Thời gian này càng lâu thì cơ may tìm được cái gì đó càng giảm thấp.

* Cụ thể là tìm kiếm gì khi khám nghiệm quần áo?

- Chủ yếu tìm những dấu vết tiếp xúc hay tinh trùng. Nhưng thường quần áo của nạn nhân mới thu hút các nhà điều tra nhất chứ không phải là của người gây hại. Để tìm kiếm những dấu vết tiếp xúc cần phải có đầy đủ thông tin về sự kiện. Sẽ rất phức tạp nếu khám nghiệm hết quần áo. Nếu có được những thông tin cụ thể, chẳng hạn như nạn nhân nói rõ là “ông ta đã chụp lấy cánh tay tôi, đã đụng đến phần thân thể nào của tôi” thì mới có thể khám nghiệm tập trung những khu vực đó.

* Làm thế nào tìm được dấu vết tinh trùng?

- Có những kỹ thuật cho phép tìm được nhanh chóng và dễ dàng. Thiết bị truy tìm dấu vết tội phạm có thể cho phép “soi” thấy những dấu vết tinh trùng khi quan sát quần áo dưới nhiều loại ánh sáng khác nhau.

* Trong những trường hợp nào quần áo tiết lộ chính xác?

- Nếu như đã có giao cấu. Chẳng hạn có thể tìm được các tế bào của nữ trên một cái quần đùi.

* Có thể thực hiện các tìm kiếm khác?

- Trường hợp đã có giao cấu, việc tìm kiếm sẽ được thực hiện đối với nạn nhân để tìm ADN nam. Nếu như đã xảy ra bạo lực và có những vết cào xước, cũng sẽ tìm kiếm các dấu vết dưới móng tay.

* Cần bao lâu để xử lý các phân tích khác nhau này?

- Lấy một dấu vết cần tối thiểu 24 giờ, còn lấy nhiều dấu vết thì cần nhiều thời gian hơn.

Tin bài liên quan:

Tổng giám đốc IMF bị bắt vì cáo buộc tình dụcTổng giám đốc IMF bị bắt vì “cưỡng bức tình dục”IMF chỉ định quyền tổng giám đốcTổng giám đốc IMF bị gài bẫy?

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, Guardian, WSJ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên