Bà Hillary Clinton vận động tại bang Florida tối 29-10 - Ảnh: Reuters |
Thế giới nhìn về bầu cử Mỹ ra sao? Đó là một câu chuyện đầy thú vị bởi mỗi nước luôn chịu ảnh hưởng ít nhiều trong các mối quan hệ với Mỹ. Báo Guardian tổng hợp những nhận định từ các nước.
Trung Quốc
Bắc Kinh không thèm giấu giếm là họ cảm thấy hả hê trước cuộc xào xáo đang diễn ra trên chính trường Mỹ. “Trong một thời gian dài, nhiều người Mỹ xem nền dân chủ của họ là chuẩn mực vàng. Nhưng ngày càng có nhiều người thấy xấu hổ vì cái thứ dân chủ này, và cả cuộc bầu cử năm nay nữa” - một học giả nổi tiếng Trung Quốc bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu.
Một thăm dò công bố tháng trước bởi Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy nếu dân Trung Quốc được bỏ phiếu thì bà Hillary Clinton sẽ thắng. 37% người Trung Quốc có cái nhìn tốt về bà Clinton so với 22% dành cho ông Donald Trump.
Kết quả này có lẽ xuất phát từ một số phát ngôn của ông Trump rằng Trung Quốc “cưỡng dâm” Mỹ và tạo ra mối đe dọa trái đất nóng lên như một trò “chơi khăm”…
Tóm lại, dân Trung Quốc thích bà Clinton hơn, nhưng chính quyền Bắc Kinh “cổ vũ” cho ông Trump vì nó có lợi hơn cho sự trỗi dậy của họ.
Những chiếc mặt nạ hình Donald Trump được sản xuất ở Trung Quốc dùng cho lễ hội Halloween - Ảnh: AFP |
CHDCND Triều Tiên
Chủ tịch Kim Jong Un đang hy vọng Donald Trump sẽ ông chủ kế tiếp của Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa từng bình luận gì về bầu cử Mỹ nhưng đọc theo thông tin trên truyền thông nhà nước của Bình Nhưỡng thì ông Trump là hy vọng lớn nhất của họ để đối thoại với phương Tây.
Tờ DPRK Today mô tả tỉ phú Trump là “một chính trị gia thông thái”, “ứng viên tổng thống theo lời tiên tri”... Keisuke Fukuda, nhà báo người Nhật của tạp chí Toyo Keizai, cho biết khi ông phỏng vấn người dân Triều Tiên, họ đều nói “trông đợi vào một sự thay đổi” trong đường hướng chính trị ở Washington.
Hồi tháng 6, ông Trump từng tuyên bố sẽ chào đón một chuyến thăm của ông Kim Jong Un đến Mỹ. Trong khi đó, chính sách của bà Clinton đối với Triều Tiên sẽ không khác ông Obama mấy, tức chủ trương cô lập và cấm vận Triều Tiên. Thứ duy nhất ông Trump và bà Clinton cùng chia sẻ đó là lời kêu gọi Bắc Kinh ra tay kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Iran
Đối với Iran có một thứ chắn chắn: dù ứng viên nào thắng cử tổng thống Mỹ, Iran cũng sẽ có một khoảng thời gian khó khăn phía trước. Thậm chí là Hillary Clinton - nhân vật mà chính quyền Tehran coi là “đỡ ác” hơn ông Trump - có quan điểm về Iran còn “diều hâu” hơn ông Barack Obama.
Có một điểm chung với thế giới là dân Iran cũng rất ngạc nhiên trước cuộc cạnh tranh lạ lùng giữa bà Clinton và ông Trump, đến nỗi truyền hình nhà nước Iran còn phát đi cuộc tranh luận gần đây nhất giữa hai người. Lời cáo buộc “bầu cử gian lận” của ông Trump nhắc dân Iran về cuộc bầu cử năm 2009 của họ, vốn cũng bị Washington chỉ trích tương tự.
Có một câu nói của bà Hillary Clinton hồi năm 2008 trên Đài ABC mà dân Iran vẫn còn “khắc cốt ghi tâm” đến giờ: “Tôi muốn người Iran biết là nếu tôi thành tổng thống, chúng tôi sẽ tấn công Iran… Chúng tôi sẽ hủy diệt họ”. Đây là phản ứng của bà Clinton trước câu hỏi giả định Tehran tấn công Israel, tuy nhiên dân mạng chỉ truyền tai nhau câu trả lời mà bỏ qua ngữ cảnh.
Tóm lại, Iran thích Obama hơn Clinton hay Trump.
Sách về bà Hillary Clinton được dịch sang tiếng Ba Tư và bày bán tại Tehran nhân Hội chợ Sách quốc tế tổ chức tại đây vào tháng 5-2016 - Ảnh: Washington Times |
Israel
Không có mối bang giao nào quan trọng hơn đối với Israel như Mỹ. Sau những năm tháng lạnh lẽo giữa ông Barack Obama và Thủ tướng Benjamin Netayahu, câu hỏi trước mắt rất đơn giản: liệu bà Hillary có thân thiện với Israel hơn Obama? Và ông Trump, bên cạnh một số phát ngôn ủng hộ Israel, liệu quan điểm của ông có bị ảnh hưởng bởi thái độ bài Do Thái của một bộ phận cử tri?
Nếu có lý do nào khiến Israel ít quan tâm hơn đến Hillary Clinton thì đó là do họ đã biết rõ thái độ của bà (đối với Israel), vốn được đánh giá chỉ “nhỉnh” hơn ông Obama một chút. Ông Trump lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Các phát ngôn mâu thuẫn của nhà tỉ phú khiến dân Israel không thấy thoải mái dù ông này khẳng định sẽ là người bạn “trên cả tuyệt vời”.
Tóm lại, dư luận Israel hơi nghiêng về phía Trump nhưng vẫn đang dè chừng theo dõi.
Bà Hillary Clinton khi còn là Ngoại trưởng gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2010 - Ảnh: GPO |
Trung Đông
Các nước Trung Đông thắc mắc nhiều nhất là tổng thống mới của Mỹ sẽ chọn chính sách nào đối với khu vực này. Những đồng minh truyền thống của Washington sẽ mừng rơn nếu nhà lãnh đạo đó “diều hâu” hơn ông Obama. Các nước vùng Vịnh sợ Mỹ sẽ nhích lại gần Iran hơn sau thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được, cộng với sự do dự của Mỹ triển khai quân ở Syria càng làm họ bồn chồn.
Tương tự Israel, Trung Đông xem bà Clinton là một “nhân tố đã biết”, người có lẽ sẽ bảo vệ các đồng minh và khách hàng truyền thống của Washington. Ngược lại, hầu hết xem ông Trump là “nhân tố bí ẩn”, người có khả năng khiến cả Trung Đông mất ổn định hơn nữa.
Một số nơi ở Trung Đông xem ông Trump là biểu tượng cho sự xuống dốc của những giá trị và nền dân chủ phương Tây - chỉ dấu cho một công cuộc tái cấu trúc toàn cầu đã và đang diễn ra. “Theo quan điểm chúng tôi, các cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập là mốc quan trọng để đánh giá sức mạnh của phương Tây trong việc bảo vệ nền dân chủ, và họ đã thất bại. Chúng tôi còn lại hy vọng gì ở phương Tây khi họ đang trên đà suy thoái?” - cây bút bình luận Jamil Matar của tờ báo Lebanon Assafir viết.
Afghanistan
Truyền thông Afghanistan không có thời gian để quan tâm đến hai ứng viên tổng thống Mỹ vì họ cũng đã có đủ chuyện để lo trong nước, từ cuộc chiến với Taliban cho đến hỗn loạn chính ttrị. “Trà dư tửu hậu” thì người dân Afghanistan hay thảo luận về Donald Trump và quan điểm chống Hồi giáo của ông. Những cáo buộc của ông Trump rằng người Afghanistan là nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố khiến dân tình ai nấy đều ghét.
Nhìn chung, người Afghanistan không biết hai ứng viên tổng thống sẽ đối xử với họ ra sao ngoại trừ lời hứa trục xuất dân Hồi giáo và rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan củ ông Trump. Cả hai chính sách đó đều bất lợi cho họ. Tóm lại, dân Afghanistan chỉ xem cuộc bầu cử ở Mỹ là một chủ đề hài hước để tán dóc.
Iraq
Mọi sự chú ý của Iraq đang tập trung vào trận chiến giành lại thành phố Mosul từ tay lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và cuộc bầu cử của họ vào năm sau. Do đó, cuộc bầu cử Mỹ không được dư luận Iraq quan tâm mấy.
Đợt viện trợ tài chính và quân sự mới nhất của Mỹ là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống IS tại Iraq, tiêu biểu là chiến dịch Mosul. Hơn 1,6 tỉ USD đã được chi cho công tác huấn luyện và trang bị cho lực lượng Iraq chỉ trong năm 2016. Lực lượng đặc nhiệm và không quân Mỹ cũng đóng vai trò trọng yếu hỗ trợ cho lực lượng bộ binh đang bao vây Mosul.
Trong khi bà Clinton ủng hộ Iraq trong cuộc chiến với IS, ông Trump lại chỉ trích chiến dịch Mosul và từ lâu đã thề sẽ giảm viện trợ cho những nước mà ông cho là “ghét Mỹ”. Vậy nên, nếu có bỏ phiếu thì dân Iraq chắc sẽ chọn bà Clinton.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận