24/03/2017 13:34 GMT+7

​Người trẻ tuổi vẫn bị tăng huyết áp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe tỉnh Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe tỉnh Đồng Nai

Nhiều người cho rằng, bệnh tăng huyết áp chỉ có ở người già, nhưng hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp đang có xu hướng tăng dần đối với người trẻ (dưới 35 tuổi).

Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp là không có nguyên nhân. Bệnh nhân bị tăng huyết áp thường được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám bệnh vì lý do khác. Ở người lớn tuổi, có đến 95% trường hợp tăng huyết áp không có nguyên nhân, còn đối với người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể gặp như: bệnh lý cầu thận, hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận... Ngoài ra, các yếu tố có nguy cơ góp phần làm tăng huyết áp là hút thuốc lá, béo phì, stress, lối sống tĩnh tại, ăn quá mặn.

Đa phần người tăng huyết áp không có triệu chứng điển hình, một số người thường có triệu chứng đau đầu vùng sau gáy, chóng mặt thường xuyên, tim đập nhanh, đau tức vùng ngực, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mất ngủ, dễ nóng giận, gặp vấn đề về tầm nhìn…

Tuy nhiên, không thể căn cứ vào triệu chứng đau đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ huyết áp, bởi nhức đầu, chóng mặt không phải thường xuyên xuất hiện và là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác. Tốt nhất để biết tình trạng về huyết áp, người bệnh phải thường xuyên đi kiểm tra huyết áp định kỳ.

Tăng huyết áp là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ gây rất nhiều biến chứng như: suy tim, tai biến mạch máu não, suy thận, nhồi máu cơ tim, thậm chí có thể gây tử vong. Bệnh để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức lao động của người bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, người trẻ tuổi cần có chế độ ăn khoa học: ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ... Nên ăn thức ăn có chứa các chất kali (có ở chuối, nước dừa, đậu trắng), can xi (sữa, tôm, cua), ma-giê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định. Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt lợn, bò, gà... Không nên ăn quá ngọt, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu, bia, các loại nước ngọt có ga... Nếu béo phì cần tăng cường hoạt động thể lực để giảm cân. Tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần. Cần bỏ những thói quen xấu như: không thức khuya, làm việc quá căng thẳng, ngưng hút thuốc. Người trẻ tuổi cũng cần đo huyết áp thường xuyên, cho dù không có triệu chứng bệnh để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe tỉnh Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên