Phóng to |
Thường xuyên luyện tập thể thao để giảm trầm cảm, nâng cao chất lượng sống... ở người trẻ - Ảnh: Trần Khang |
Đi du lịch, xem phim, đi cà phê tán gẫu hoặc ôm laptop lướt web... là những lựa chọn phổ biến của người trẻ ngày nay.
1.001 lý do để lười
150 phút vận động thể lực/tuần Theo bác sĩ Trọng Anh, ở độ tuổi thanh niên, mỗi người nên dành thời gian vận động thể lực tối thiểu 150 phút/tuần (với cường độ vừa) và 75 phút/tuần (với cường độ cao). “Bên cạnh việc giảm nguy cơ mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến ung thư, tim mạch, vận động thường xuyên sẽ giúp giảm tình trạng trầm cảm, đột quỵ và tăng chất lượng giấc ngủ... ở người trẻ” - ông đúc kết. |
9g30 thứ bảy 4-5. Sân bóng rổ của Trung tâm Thể dục thể thao Q.Phú Nhuận không một bóng người. “Không hẳn vì thời tiết, bởi với dân mê thể thao thì nắng chút xíu cũng không sao. Chỉ có điều thấy không ai rủ thì cũng ngại đi tập, ngủ nướng hoặc đi cà phê với bạn bè vẫn vui hơn” - bạn Anh Tuấn (22 tuổi, ĐH Kinh tế TP.HCM) giải thích.
Có mong muốn cải thiện ngoại hình nên Tuấn từng lên lịch chạy bộ, tập thể hình rồi chơi bóng rổ... nhưng dần dần cái nào cũng thực hiện chỉ được vài ba ngày vì “mấy người bạn rơi rụng hết nên mình bị... nản lây!”.
Tương tự, bạn Nguyễn Phạm Hoa Quỳnh (28 tuổi, nhân viên ngân hàng), trước đây từng rất quyết tâm tập yoga để chấn chỉnh vòng eo, hiện đã bỏ hẳn lớp tập yoga sau hơn hai tháng luyện tập cũng vì lý do “không có bạn đi cùng nên chán”.
Trung Dũng (27 tuổi, chuyên viên công nghệ thông tin) lại cho rằng người trẻ không cần thiết phải... năng vận động! “Tôi còn trẻ, không hút thuốc, ít nhậu nhẹt, sức khỏe lại phây phây... nên việc gì phải mất thời gian tập thể thao”, bạn cho rằng tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập tốt hơn là đi tập thể dục. Ở cơ quan, bạn cũng như nhiều đồng nghiệp trẻ khác vẫn thường kiên nhẫn đứng đợi thang máy dẫu văn phòng nằm ở... tầng ba!
Bên cạnh tâm lý ỷ lại vào sức trẻ, đi tập cần phải đông vui... thì lịch học tập, làm việc dày đặc cũng là nguyên nhân chính khiến việc chơi thể thao trở thành điều xa xỉ với rất nhiều người trẻ. Một học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) thở dài: “Không chỉ riêng em mà nhiều bạn khác đều rất muốn chơi thể thao, chỉ có điều lịch học kín quá nên ngay trong trường có hồ bơi và chúng em nhận được nhiều ưu đãi nhưng vẫn không thể sắp xếp được lịch tập luyện”. Chia sẻ của bạn trẻ này nhận được nhiều gật đầu tán đồng.
Có mặt tại hồ bơi của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) vào chiều thứ tư (17-4), người viết chỉ thấy có hai người bơi dẫu học phí hoặc vé vào cổng tại đây khá mềm.
Một số nơi có lượng người trẻ tập thể thao đông đúc, nhưng thực chất vẫn chưa là một tín hiệu lạc quan. “Ở nhà nóng quá nên đi bơi, vào phòng tập có máy lạnh cho mát đó mà” - Quang Duy (20 tuổi, sinh viên ngành xây dựng) vô tư giải thích. Thay vì luyện tập, Quang Duy thường dành hầu hết thời gian... ngồi xem phim, tán gẫu cùng bạn bè ngay trong phòng tập.
Đạp xe dọc đại lộ Đông - Tây trong khoảng từ 5g30-7g những ngày này dễ nhận thấy hầu hết người tập thể dục (đạp xe, đánh cầu lông, chạy bộ...) đều ở độ tuổi 40 trở lên. “Thật ra cũng lười tập lắm nhưng tại người mới phát hiện bệnh, bác sĩ khuyên năng tập để cải thiện tình hình...” - anh T.Khoa (27 tuổi), một trong những người trẻ hiếm hoi thường đạp xe trên tuyến đường này, bộc bạch.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Quay trở lại nghiên cứu được công bố ở The Lancet, tuy kết quả trên gây sốc nhưng hầu hết mọi người đều tán đồng. Cụ thể, ở trang webtretho, nhiều thành viên thừa nhận bản thân rất ít khi vận động.
Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng lý do người Việt lười vận động, tập thể thao... do quá bận rộn là thiếu thuyết phục. Theo nick Heisei (trang webtretho), khi du học tại Nhật bạn chứng kiến nhiều bạn trẻ Nhật, Hàn vẫn dành thời gian luyện tập thể thao dù lịch học hành, làm việc cũng rất căng thẳng. Theo bạn, cốt yếu nhất vẫn là ý thức của mọi người.
ThS nghiên cứu xã hội ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng kết quả nghiên cứu trên đã phản ánh khá chính xác tình trạng lười vận động, tập thể dục ở người Việt. Bà cho rằng bên cạnh các yếu tố khách quan như cơ sở vật chất yếu kém, thiếu không gian, thời gian, áp lực mưu sinh... vẫn có nhiều người lười tập thể dục do chủ quan: “Thói quen luyện tập thể dục nên được rèn luyện từ trong nhà trường và gia đình. Trong tình hình thể dục chỉ được xem như môn phụ thì không khó hiểu khi một bộ phận người trẻ hoàn toàn xa lạ với việc luyện tập thể thao”.
Theo bà Vy, việc nâng cao nhận thức của người trẻ về vai trò của vận động rất cần thiết vì: “Trong xã hội hiện đại, người trẻ đang phải gánh chịu nhiều áp lực về môi trường sống, công việc... và sẽ khó có thể duy trì sự minh mẫn, tư duy tốt nếu cơ thể không khỏe mạnh”. Bà cho rằng thay vì ngồi than vãn về những áp lực cuộc sống, sự mệt mỏi... người trẻ có thể tự phần nào giải quyết những vấn đề trên nếu chịu đi tập thể dục.
“Cá nhân tôi quan sát, tới thời điểm hiện tại VN vẫn chưa công bố nghiên cứu nào về tình hình vận động, luyện tập thể lực của người dân trong nước” - bác sĩ Nguyễn Trọng Anh (giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM) cho biết. Ông cho rằng người dân hiện vẫn chưa được phổ cập một cách bài bản về tác động tích cực của vận động thể lực lên sức khỏe.
“Ở các nước phát triển, vấn đề vận động thể lực nâng cao sức khỏe của người dân rất được nhà nước chú trọng. Các nhà khoa học, nhà quản lý thường phối hợp để đưa ra những chương trình xã hội khuyến khích, kể cả bắt buộc các công ty, trường học... áp dụng để nâng cao sức khỏe toàn dân” - ông giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận