Vận động cơ thể, hoạt động cộng đồng sẽ phòng ngừa được bệnh đãng trí - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh không chỉ gây phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày mà còn tăng nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già. Tình trạng nhớ nhớ, quên quên ở người trẻ ngày càng phổ biến, tại sao?
Quên ngay trong giây lát
Điển hình là trường hợp nữ sinh viên T. (22 tuổi, Đại học Nông lâm TP.HCM). Đến bác sĩ, T. cho hay mặc dù đã cố gắng ghi nhớ những việc sẽ làm và sắp làm bằng cách ghi chú nhưng khi ngoảnh mặt đi, lại quên ngay.
"Nhiều khi đi chợ nhưng lại để quên thực phẩm ở chợ, đến trường lại để quên chìa khóa xe trên xe, kính cận treo ngay cổ áo nhưng lại đi kiếm khắp nơi... Đặc biệt là khi đi học về, T. hay quên làm bài tập, gửi mail thì không đính kèm file, thậm chí quên đem tài liệu khi đi học" - T. kể.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Th. (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) liên tục phải đối mặt bệnh hay quên. Chị Th. cho rằng điều này gây ra nhiều rắc rối, phiền hà cho mọi người xung quanh, đặc biệt ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc.
Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM kết luận chị Th. bị suy giảm trí nhớ tạm thời do áp lực từ công việc và cuộc sống.
Có rất nhiều trường hợp người trẻ mắc chứng hay quên. Theo báo cáo của Hội Thần kinh học TP.HCM, có đến 91% bệnh nhân suy giảm trí nhớ không được chú ý điều trị.
Số bệnh nhân giảm trí nhớ ở người trẻ đang ở mức báo động. Số này ở tuổi dưới 35 với đủ mọi ngành nghề như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng...
Bệnh hay quên đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều triệu người trên thế giới, dự báo tăng lên 1 tỉ người vào năm 2050. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 20-30% người trẻ đi khám có vấn đề về trí nhớ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Căn bệnh từ lối sống
Các chuyên gia cho rằng dấu hiệu chung của bệnh này là cảm giác mơ hồ, lúc nhớ lúc quên về những điều bản thân sẽ cố gắng thực hiện nhưng không thể nhớ ra. Thông thường, điều này diễn trong khoảng thời gian ngắn, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút.
PGS.TS Vũ Anh Nhị - phó chủ tịch thường trực Hội Thần kinh học Việt Nam, chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM - cho biết chứng bệnh hay quên ở người trẻ là biểu hiện chung của rối loạn cảm xúc hoặc trầm cảm, lo âu, với các biểu hiện điển hình như thiếu tập trung, hỗn loạn, mất ngủ, đau đầu... khiến người bệnh dễ cáu kỉnh, tức giận trong ửng xử giao tiếp.
"Thủ phạm" chính gây ra chứng bệnh hay quên ở những người trẻ là thường xuyên gặp căng thẳng, áp lực trong công việc và học tập; lối sống không khoa học như uống nhiều chất kích kích, thức khuya, lười vận động...
Ngoài ra, cũng có các bệnh lý tổn thương não như chấn thương sọ não, nhiễm trùng não, mạch máu não biến đổi... cũng gây ra chứng hay quên ở người trẻ - PGS.TS Trần Văn Cường, chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, cho biết.
"Khi thấy bản thân mắc chứng bệnh hay quên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở uy tín để xem não bộ có tổn thương hay không.
Chứng bệnh cần phải được can thiệp và điều trị sớm dù cho nguyên nhân yếu tố bên trong hay tác động bên ngoài. Đừng cho rằng đây là thói quen của bản thân mà lơ là cho qua" - PGS Cường nhấn mạnh.
Chữa bệnh quên ra sao?
Để khắc phục chứng bệnh "chưa già đã lẫn", các chuyên gia khuyến cáo:
1. Người bệnh cần thay đổi lối sống bằng cách: tránh căng thẳng, stress kéo dài
2. Không làm nhiều việc cùng một lúc
3. Ăn uống lành mạnh
4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
5. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, đọc sách báo và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tạo thói quen ghi chép, lên kế hoạch các công việc cần thực hiện trong thời gian sắp tới, sau đó đặt vị trí dễ quan sát nhất. Ngoài ra, nên sắp xếp đồ đạc gọn gàng, có trật tự để dễ nhớ, dễ tìm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận