20/12/2017 11:39 GMT+7

Tìm ra 'chìa khóa' chữa chứng hay quên ở người già?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Theo các nhà nghiên cứu, tối ưu hóa thời gian của sóng não với sự kích thích điện học và điện từ có thể làm gia tăng trí nhớ của một người.

Tìm ra chìa khóa chữa chứng hay quên ở người già? - Ảnh 1.

Các sóng não không đồng bộ có thể là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người già - Ảnh: iStock.com

Một nghiên cứu mới đây cho thấy những loại sóng não không tương tác với nhau bình thường có thể là nguyên nhân khiến con người mất đi một phần trí nhớ dài hạn.

Công trình nghiên cứu này có thể giúp lí giải vì sao người lớn tuổi thường hay quên, từ đó tạo cơ sở cho những phương pháp mới điều trị chứng suy giảm trí nhớ.

2 sóng não không đồng bộ

Bộ não không hề nghỉ ngơi ngay cả khi chúng ta ngủ. Cụ thể, các sóng não vẫn hoạt động khi những nơron tương tác với nhau.

Để xác định cụ thể giấc ngủ tác động thế nào đến chứng suy giảm trí nhớ ở người già, Randolp Helfrich - một nhà thần kinh học ở ĐH California (Mỹ) cùng cộng sự đã cho 2 nhóm người 20 tuổi và 70 tuổi khỏe mạnh làm một số bài tập về trí nhớ.

Theo đó, nhóm tình nguyện viên được hướng dẫn ghép nối 120 từ ngắn quen thuộc - ví dụ như từ "bird" - với một từ vô nghĩa nhiều âm tiết - như "jubu".

Khi đã học xong 120 cặp từ có nghĩa và vô nghĩa, các tình nguyện viên sẽ chơi trò chơi kiểm tra trí nhớ. Họ phải kết nối các cặp này 2 lần: 1 lần khoảng 10 phút sau khi thành thạo các yêu cầu và 1 lần vài giờ sau khi thức dậy sau 1 đêm nghỉ ngơi đầy đủ.

Trong khi ngủ, nhóm nghiên cứu sẽ ghi lại hoạt động sóng não của từng người.

Kết quả giống như dự đoán, khả năng ghi nhớ của người già sau mỗi buổi sáng không bằng người trẻ. Những ghi chép sóng não chỉ ra khi ngủ sâu người già ít có sự kết hợp của 2 sóng não quan trọng trong việc ghi nhớ thông tin mới.

Hoạt động không đồng bộ giữa 2 sóng não này làm gián đoạn đường truyền của những phần trong bộ não có nhiệm vụ lưu trữ trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.

Vỏ não trước trán vốn là nơi lưu trữ trí nhớ dài hạn. Vỏ não trước trán phải gửi thông báo chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận thông tin cho hồi hải mã - phần não mà tất cả trí nhớ phải đi qua trước tiên.

Nếu sóng não không hoạt động đồng bộ, mối liên lạc giữa 2 vùng này sẽ bị ngắt quãng, dẫn đến thất thoát trí nhớ.

Kết quả đăng trên tạp chí Neuron.

Một phần não bị "mòn"

Tìm ra chìa khóa chữa chứng hay quên ở người già? - Ảnh 2.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ thông tin - Ảnh: iStock.com

Theo tạp chí Science, để tìm ra nguyên nhân của việc 2 sóng não không đồng bộ, các nhà nghiên cứu bắt tay phân tích não của những người tham gia bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ.

Đây là phương pháp sử dụng năng lượng vô tuyến điện để thu hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể sống và quan sát lượng nước bên trong các cấu trúc các cơ quan.

Họ nhận thấy phần não sinh ra sóng lưu trữ trí nhớ dài hạn nhỏ hơn ở những người già, có thể do vùng này bị "mòn" theo thời gian.

"Tác động của sự hao mòn đủ lớn làm yếu đi cơ chế đem 2 sóng não đến cùng nhau kịp lúc để lưu trữ thông tin qua đêm", Helfrich nói.

Phyllis Zee - nhà thần kinh học từ ĐH Northwestern ở Chicago (Mỹ) nói rằng nghiên cứu này đã nêu lên mối liên kết giữa giấc ngủ và trí nhớ. Zee rất tò mò liệu kết quả có chính xác với người già đang có nguy cơ mắc các bệnh thần kinh như Alzheimer hay không.

Trong khi đó Elissaios Karageorgiou - nhà thần kinh học ở ĐH California (Mỹ) cho rằng cần có nhiều phân tích hơn. Nhưng Karageorgiou đồng ý rằng kết quả này có thể dẫn đến những phương pháp chữa trị trí nhớ khác, ví dụ tối ưu hóa thời gian của sóng não với sự kích thích điện học và điện từ có thể làm gia tăng trí nhớ của một người.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên