Nếu được chấp thuận, các tuyến đường ven kênh tại TP.HCM sẽ được trồng 100.000 cây dừa - Ảnh: Mậu Trường |
Mô hình “đưa dừa lên phố” vừa được Hiệp hội dừa Việt Nam đề xuất với lãnh đạo UBND và HĐND TP.HCM.
Với khả năng tạo cảnh quan đẹp, chống chọi mưa bão và dễ thích nghi, 100.000 cây dừa dự kiến được trồng trên các tuyến đường mới, ven kênh rạch. Mật độ trồng là 5m/cây.
“Coi chừng dừa rụng trúng đầu”
Hàng ngàn bạn đọc bày tỏ lo lắng trước đề xuất của Hiệp hội dừa. Chị Minh Trang (Q8, TP.HCM) nói: "Tôi đọc tin Hiệp hội dừa đề xuất trồng dừa, điều đầu tiên tôi nghĩ dừa có thể rụng trúng tôi hay con tôi bất cứ lúc nào..."
Theo anh Hoàng Đăng Cương - nhân viên bảo vệ một công ty tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nếu trồng cây dừa nên lưu ý kỹ khu vực có thể trồng dừa. Không nên trồng ở những nơi hay có xe tải, xe container thường xuyên chạy qua vì có thể làm đất rung lắc mạnh dẫn đến trái dừa có khả năng rụng trúng người đi đường.
“Tôi có cảm giác đề xuất này không ổn. Cá nhân tôi không nghĩ vẻ đẹp của cây dừa phù hợp với đô thị lớn như Sài Gòn. Tôi hơi nghi ngờ về khả năng sinh sống của cây dừa trên đất này, thêm nữa lá dừa cũng không có tán rộng, không mát bằng các loại cây khác. Sao không đề xuất trồng một loại cây khác phù hợp hơn?” - chị Đoan Trang đề xuất.
Bạn Kim Nguyễn nhận định: “Nếu trái dừa rụng lên đầu người đi đường thì không biết ai chịu trách nhiệm? Trồng dừa có thể đẹp rồi nhưng mỗi tháng phải thu hoạch trái và cắt lá già. Người dân Sài Gòn lại thêm một mối lo vì cành già và trái dừa khô có thể rớt xuống bất kỳ lúc nào".
Dừa thu hút côn trùng và dịch bệnh
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khẳng định: “Yêu cầu quan trọng của cây xanh trong đô thị là phải an toàn, không dễ gãy nhánh, rụng trái, không có chất độc, không thu hút côn trùng”.
Ông Sơn cho rằng dừa có nhiều loại, cần phải xem xét chọn trồng loại nào cho phù hợp. Nếu trồng ở nơi công cộng thì nên chọn loại không có trái, gốc nhỏ để tránh gây tai nạn và tốn diện tích. Không nên chọn những cây dừa gốc to, thân cong hoặc bị nghiêng để không làm hỏng đường, đảm bảo tính mỹ quan.
KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) cho rằng dừa là loại cây cần nhiều nước, thích hợp trồng với thổ nhưỡng ở những bờ kênh rạch tự nhiên. Rễ dừa là rễ chùm tạo được độ bám đất tốt. Tuy nhiên, đất đai trên các tuyến đường ven kênh ở TP.HCM hầu như đã bị bê tông hóa nên việc chăm sóc dừa sẽ khó khăn hơn.
Dừa là cây có dầu, có mùi hương thu hút côn trùng là nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Trồng dừa tập trung, dày đặc 5m/cây càng không ổn. Dừa là cây cảnh quan thường được trồng ở các vùng ven biển, trên cát, còn trồng trên phố thì chưa thấy.
“Nếu có, phải là giống dừa không trái, dừa lai. Mà như vậy thì không còn đặc trưng phương Nam nữa. Quy định trồng cây trong đô thị là cây phải cây có bóng mát, chiều cao, tán rộng, lá quả rụng xuống không gây nguy hiểm”, ông Ánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đề xuất của Hiệp hội dừa VN “chưa hẳn là tốt”.
Theo ông Chính, xưa nay chưa thấy ai đề xuất trồng dừa bên đường để thể hiện đặc trưng Nam Bộ. Dừa chỉ đẹp khi trồng ven biển, làm cảnh quan như các khu rừng dừa ở miền Trung. Trồng theo hàng trên phố là không ổn, trái dừa làm ảnh hưởng đến an toàn cho người đi đường
Trồng dừa không trái xen lẫn cây khác?
Theo ông Sơn, TP.HCM hiện đang cần nhiều bóng mát do hiện tượng bêtông hóa, xây dựng các khu đô thị làm TP ngày càng nóng lên. Việc trồng thêm cây xanh là cần thiết để tạo bóng râm, cung cấp ôxi, làm mát và giữ nước. Tuy nhiên, dừa có tán thưa, do vậy có thể kết hợp trồng dừa cùng những loại cây, hoa khác nhưng nhất quyết phải là dừa không trái nếu quyết định trồng dừa.
Ông Sơn nói: “Người ta thường trồng dừa ở những không gian cần độ thoáng để không bị cản trở tầm nhìn. Trong thiết kế về cây xanh theo chiều đứng thì dừa cũng rất cần thiết để tạo thẩm mỹ nhưng tỉ lệ trồng thưa - dày cần phải theo một tỷ lệ nhất định. Bên cạnh đó các cơ quan đô thị cũng nên so sánh chi phí bảo dưỡng cây dừa với các loại khác để chọn loại cây cho phù hợp.
Nếu áp dụng mô hình trồng dừa đại trà cho tất cả tuyến đường ven sông trong TP chưa hẳn tốt. Đa dạng hóa cây xanh là cần thiết nhưng phải phối hợp với không gian sử dụng. Tại Manila, người ta cũng trồng hàng trăm cây dừa ở quảng trường nhưng là loại không trái”.
Ông Trần Huy Ánh cho rằng phải cân nhắc rất nhiều nếu quyết định trồng dừa vì ngoài sự nguy hiểm do lá dừa, trái dừa gây ra còn phải quan tâm đến việc trồng như thế nào.
Ông Ánh lưu ý: “Lựa chọn cây cho đô thị là cả một khoa học. Như ở Singapore, người ta đã tính toán rất kỹ khi chọn “cây ngủ” - giống cây ban ngày lá mở rộng che nắng, ban đêm khép lại để tăng cường ánh sáng đèn đường, khi rụng thì lá còn mỏng, không bết lại”.
Cấm trồng dừa trên vỉa hè, dải phân cách Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND do UBND TP.HCM ban hành vào ngày 11-10-2013 liệt kê dừa vào nhóm 23 loài cây hạn chế trồng trên vỉa hè và dải phân cách. Đến ngày 25-11-2013, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về danh mục các loại cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP. Theo đó, danh sách này gồm 28 loại cây là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người; những cây ăn quả; các cây có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Nội dung quyết định này nêu rõ, cấm trồng cây dừa trên vỉa hè lẫn dải phân cách vì quả to, rụng gây nguy hiểm. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Anh Hoàng Đăng Cương
>> Ông Nguyễn Văn Vinh
>> Chị Đoàn Trang
>> TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn
>> KTS Trần Huy Ánh
>> KTS Trần Ngọc Chính
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận