08/08/2015 11:00 GMT+7

Người Sài Gòn kể chuyện

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Đó là tên gọi của một triển lãm do những người trẻ 9X thực hiện, vừa có buổi trưng bày và gặp gỡ thân mật tối 6-8 tại TP.HCM. Triển lãm sẽ còn kéo dài đến hết ngày 9-8 tại số 61 Xuân Thủy, Q.2, TP.HCM.

Nhiều bạn trẻ chăm chú đọc và xem những câu chuyện từ triển lãm Người Sài Gòn kể chuyện - Ảnh: MINH TRANG
Nhiều bạn trẻ chăm chú đọc và xem những câu chuyện từ triển lãm Người Sài Gòn kể chuyện - Ảnh: MINH TRANG

Hơn 100 bức ảnh của triển lãm được lồng kính trang trọng và đặt ở khắp nơi: trên những lối đi, bàn uống trà, những bức tường... và tất cả đều không thể sắp xếp vào một chủ đề nào rõ ràng.

Bởi 100 bức ảnh đó là 100 câu chuyện nhỏ, 100 lát cắt ít biết về những con người lao động bình dị: một chị ve chai, một bà lão bán vé số, một anh giang hồ đã hoàn lương...

Những câu chuyện nho nhỏ của họ góp phần “vẽ” nên một dung mạo đời sống muôn vẻ của Sài Gòn.

“Mấy đứa bay đang làm gì đó? Rảnh quá ha!”

Đó là câu mà Ngọc và Minh - một trong những thành viên đầu tiên của Humans of Saigon (Hosg) - thường xuyên nhận được trong thời gian từ lúc ấp ủ thực hiện dự án đến thời điểm hiện tại khi nhóm đã có gần 20 thành viên, tất cả đều là những người trẻ sinh năm 1990 - 1998.

“Thật ra tụi mình... không có rảnh dữ vậy vì còn phải đi học, đi làm thêm và phải phân chia nhau chui vào hang hốc ngõ hẻm để tìm gặp được những nhân vật mới. Nhưng những câu chuyện được các nhân vật chia sẻ không chỉ gợi cảm hứng mà còn khiến chúng mình thay đổi rất nhiều... Trước đây tôi là người làm cái gì cũng nhanh! Ăn nhanh, nói nhanh, đi nhanh, nghĩ nhanh... Khi làm Hosg tôi đã tập cho mình một thói quen mới: sống chậm lại và lắng nghe nhiều hơn” - Ngọc, trưởng nhóm Hosg, cho biết.

Sẽ là một Sài Gòn rất khác trong những con hẻm chằng chịt, nơi tối tối có các chú các anh... cởi trần nhắm mồi nhậu.

“Biết nhậu không? (cười lớn). Chụp tụi tao tấm hình rồi vô đây uống một ly coi!” là câu chuyện được một thành viên của Hosg ghi lại dưới tấm ảnh về những người đàn ông lao động chân tay sau một ngày mệt nhoài...

Hay lời ngại ngùng của một bà cụ bán vé số trong công viên: “Trời ơi chụp làm gì! Già rồi, da nhăn nheo hết rồi...nhìn như quỷ á!”. Bức ảnh đi kèm là nụ cười thả ga khoe... nướu của cụ! Rồi có lần cả đám lấm lét không dám mở lời với người đàn ông xăm trổ kín mình, đang ngồi hút thuốc lơ đãng.

Nào ngờ những hình xăm và câu chuyện của ông khiến cả nhóm phải lặng người: “Những năm 1973 - 1974 đánh nhau ở Quảng Trị, ác liệt và kinh khủng lắm con. Đó cũng là lúc chú xăm cái hình này - quan tài với ba nén nhang, còn dòng chữ đó có nghĩa là: Chỉ có chết mới xóa bỏ nỗi đau khổ trong cuộc sống!”.

Vì cuộc sống cứ tiếp diễn...

Thế nên những câu chuyện và bức ảnh của Hosg sẽ không dừng lại ở con số 500 như hiện tại, dù để thực hiện được dự án này cũng không dễ dàng...

“Vì tuổi đời còn trẻ nên nhiều lúc tụi mình chưa tạo được sự tin tưởng với nhân vật. Có khi vừa mở miệng: cô ơi (chú ơi)... đã bị xua tay đuổi đi, có khi còn bị chửi rất nặng” - Minh, thành viên của Hosg, kể.

Trong khi đó Đức Trí - thành viên chịu trách nhiệm ghi lại những khoảnh khắc đẹp của nhân vật - lại chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: “Đừng bao giờ chụp lén mà hãy hỏi ý kiến nhân vật xem họ có đồng ý hay không. Người Việt mình có tâm lý chung rất ghét ai chụp lén họ. Họ sợ hình ảnh ấy bị đưa vào những nội dung không lành mạnh. Cũng có rất nhiều trường hợp tụi mình đã nói chuyện lâu đến vài giờ, nhân vật có rất nhiều điều thú vị, nhưng cuối cùng họ không đồng ý để chụp ảnh. Vậy là câu chuyện ấy - dù rất tiếc - tụi mình vẫn phải bỏ đi”.

Với nguồn kinh phí “tự cung tự cấp”, còn sức trẻ sức đi là điều sẵn có không tốn tiền, nên nhiều khi cả nhóm cũng phải ngồi lại... tìm cách kiếm tiền đổ xăng!

“Chúng tôi thiết kế những chiếc áo thun đơn giản với dòng chữ Humans of Saigon, những chiếc móc khóa nho nhỏ... để bán cho những ai yêu quý và thường xuyên theo dõi trang xã hội của Hosg. Tất cả số tiền kiếm được dù không nhiều nhưng cũng vừa đủ cho việc đi lại và giúp chúng tôi rửa ảnh tặng các nhân vật.

Triển lãm lần này cũng là triển lãm đầu tiên của chúng tôi, hi vọng trong thời gian tới dự án sẽ nhận được nhiều sự cộng tác của mọi người để chúng tôi có thể thực hiện được một cuốn sách - ảnh với những câu chuyện, những nhân vật dù không phải là người của công chúng nhưng vẫn khiến công chúng “bị” ảnh hưởng, theo một cách tích cực nhất dù rằng chúng tôi biết mình còn khá non tay trong việc chọn lọc và kể được những câu chuyện hay. Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng” - Ngọc nói.

Một bức ảnh của Humans of Saigon về người phụ nữ làm nghề sửa khóa: “Cả ngày ngồi ngoài đường vầy, nắng mưa có hết, cô bị sốt hoài chứ gì, nhưng mà sức cô là sức ngang ngửa với đàn ông. Làm cỡ nào, cực cỡ nào cô cũng cáng đáng nổi hết...."

Humans of Saigon được chắp cánh từ những câu chuyện đầy cảm hứng và đậm chất đời sống của Humans of NewYork - một trang xã hội với hơn 14 triệu người theo dõi và chia sẻ câu chuyện của những con người bình dị ở khắp nơi trên thế giới.

Cùng với Humans of Hanoi, Humans of Đà Nẵng - những tổ chức phi lợi nhuận do những người trẻ đang sống tại các TP này thực hiện, dù hoạt động riêng rẽ nhưng các nhóm này luôn hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong việc tạo dựng và duy trì một cộng đồng lành mạnh mà mỗi câu chuyện của họ khiến chúng ta yêu quý nhau hơn, thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên