![]() |
Bà cụ Củng Ly Sử, 85 tuổi, người cao tuổi nhất dân tộc Pu Péo hiện nay |
Trải qua bao biến cố thăng trầm, hiện nay dân số của cả dân tộc này chỉ còn vài trăm người, bản làng của họ nằm chót vót trên đỉnh ngọn núi Duống Mý Tảy Dhổ Dưng Ken, cao 1.949m so với mực nước biển, ngọn núi cao nhất vùng cao nguyên đá.
Phận... ít người
Bà cụ Củng Ly Sử, 85 tuổi, ngồi trước sân nhà đang dùng búa đập vụn những hạt ngô để làm món mèn mén (một loại cháo ngô). Thấy chúng tôi, bà nói tiếng Kinh khá sõi: “Cháu lên thăm ta à. Ử phải, ta là người cao tuổi nhất của người Pu Péo đấy. Có phải cháu từ nơi cán bộ Huy lên thăm ta không, Huy nó có khỏe không?”.
Ông Củng Diu Pháng - 66 tuổi, người Pu Péo, chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phố Là, huyện Đồng Văn - giải thích: “Cán bộ Huy ở Hà Nội, ngày trước có lên ở với bà cụ, tìm hiểu về dân tộc Pu Péo. Bà cụ còn dạy Huy hát bằng tiếng Pu Péo đấy. Lâu lắm rồi không thấy Huy trở lại”.
Ông Pháng tự hào rằng mình là người Pu Péo được đi nhiều nơi nhất, năm 18 tuổi ông đã đi bộ đội, sau làm đến chức chỉ huy phó Huyện đội Mèo Vạc. “Tôi đã vào đến tận Quảng Bình đánh nhau với Mỹ. Nhưng đi đến đâu họ cũng nhầm tôi là người Mông vì tôi hay nói tiếng Mông, nói tiếng Pu Péo thì không ai hiểu được. Khi tôi nói với họ tôi là người Pu Péo, có anh cán bộ quân lực còn hỏi tôi người Pu Péo là của... nước nào(?!)”.
Ông trầm ngâm: “Quả đúng thật, cả trung đoàn của tôi chỉ có mỗi tôi là người Pu Péo, cũng không trách anh quân lực ấy được!”.
Bà cụ Sử kể tổ tiên của bà đến cao nguyên Đồng Văn này còn trước cả người Mông, người Hoa...; bằng chứng là hiện nay trong các bài cúng của các dân tộc Mông, Hoa, Cờ Lao... đều phải cúng ma người Pu Péo nên người Pu Péo được coi là “anh cả” ở vùng cao nguyên đá này. Ông Củng Diu Pháng cho hay sau khi về hưu, ông làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và còn... làm cả thầy mo.
Theo bài cúng ma khô của người Pu Péo mà ông đọc cho tôi nghe, người Pu Péo từ Trung Quốc thiên di đến Phố Là phải qua 48 địa danh thì 33 địa danh ở trên đất Trung Quốc. Người Pu Péo đến Phố Là được khoảng 300 năm. Và hiện nay bên Trung Quốc, tại khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Vân Nam) có rất đông người Pu Péo đang sinh sống. “Tôi đã sang đó để “giao lưu” rồi” - ông Pháng khẳng định.
Mặc dù đến vùng cao nguyên đá từ trước người Mông, Hoa, Tày... nhưng người Pu Péo hiện nay còn lại trên mảnh đất “đầy thạch trụ này” với con số quá khiêm tốn so với người các dân tộc khác. Trên cao nguyên đá Hà Giang, người Pu Péo sống rải rác ở ba huyện Đồng Văn, Yên Minh và Bắc Mê; trong đó huyện Đồng Văn có số nhân khẩu đông nhất là 285 người, sống rải rác ở năm xã và một thị trấn.
Sống xen kẽ với các thôn, bản của người Mông, Tày, Nùng..., “người Pu Péo ở đâu cũng ít nên chỉ là “em út” trong các lĩnh vực”, ông Củng Diu Pháng nói. Lúc còn công tác, ông Pháng đã đi đến hầu hết những nơi người Pu Péo cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Ông thấy người Pu Péo ở đâu cũng nghèo, sống khá chật vật, muốn làm ăn, kinh doanh đều phải “lựa” theo các dân tộc anh em chiếm số đông trên địa bàn sinh sống. “Hòa theo các lễ hội, các tập tục, cách làm ăn... bản sắc của người Pu Péo cũng dần phai theo thời gian” - ông Pháng nói.
Thế nhưng những ngày ở trên cao nguyên chót vót này tôi được biết hai câu chuyện thật bất ngờ. Cho dù là cộng đồng chỉ có 900 người nhưng người Pu Péo vẫn còn sử dụng trống đồng trong các ngày lễ chay và đây là một trong số rất ít các dân tộc VN còn sử dụng trống đồng - niềm tự hào và biểu tượng của nền văn minh đất Việt.
Trống đồng của người Pu Péo không to như trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ... mà chỉ nhỏ như cái thau, đặc biệt khi đánh phải có đôi, gọi là trống “đực”, trống “cái” và hai con “đực” và “cái” phải quay mặt vào nhau. Người đánh không sử dụng dùi mà dùng củ chuối để đánh, tiếng không vang xa nhưng ấm và trầm như thân phận lặng lẽ của tộc người Pu Péo.
Bất ngờ thứ hai là người Pu Péo có hẳn một pho truyện cổ tích vô cùng phong phú. Một cán bộ văn hóa tỉnh Hà Giang cho biết: “Trước đây chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc điền dã vào cộng đồng Pu Péo, nhiều đêm nghe bà con hát bên ánh lửa, anh em ghi âm và hỏi bà con học được từ đâu, bà con nói: Không học của ai cả, đây là “chuyện riêng” của người Pu Péo.
Ban đầu anh em không tin, sau về tận Hà Nội so sánh với truyện cổ của các dân tộc vùng cao, không thấy giống bất cứ truyện nào từ trước đến giờ, mới biết từ lâu đời kho tàng văn hóa dân gian Pu Péo đã rất phong phú, không thua kém bất cứ dân tộc nào.
Năm 2003, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin cũng đã cho phát hành tuyển tập truyện cổ dân tộc Pu Péo Tướng cóc ra trận dày hơn trăm trang. Hôm đưa sách lên Phố Là, bà con rất vui vì “chuyện của người Pu Péo đã được đi xa khỏi ngọn núi Chúng Chải rồi...”.
Ngày mai có còn Pu Péo...
![]() |
(Theo www.mofa.gov.vn) |
Chuếnh choáng qua hai bát rượu ngô, bà cụ Củng Ly Sử khoe với tôi rằng 40 năm trước bà đã được đi biểu diễn văn nghệ ở ngoài thị trấn Phố Bảng, “nhiều người vỗ tay khen ta lắm vì ta hát bài dân ca Pu Péo mà!”. Nhưng rồi cụ lại buồn: “Bây giờ chẳng ai biết hát những bài hát ấy nữa ngoài ta, buồn quá cháu ạ!” - bà cụ Sử ngồi trầm ngâm.
Anh Củng Chẩn Tráng, người Pu Péo, phó chủ tịch UBND xã Phố Là, cho biết thêm thế hệ trẻ Pu Péo hôm nay không ít người đã tự rời xa cội nguồn vì sinh kế. Điển hình như gia đình ông Lùng Thúng Hần ở xã Phố Cáo. Ông Hần là người Pu Péo chính gốc, nhưng ông lấy vợ người Tày lại ở xen trong bản với người Mông. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, dân Đồng Văn chạy về dưới xuôi sơ tán. Năm 1983, trở về bản cũ, sợ rằng dân Pu Péo còn ít quá, ông đã sửa một cái lễ để gia nhập họ Ly của người Mông.
Và thế là Lùng Thúng Hần trở thành Ly Dzúng Hần. Ly Dzúng Hần có ba người con trai thì cả ba người không nói được tiếng Pu Péo. Năm 1996, có cuộc tổng điều tra dân số, Củng Chẩn Tráng lúc đó dẫn đoàn cán bộ điều tra dân số đến nhà Hần, Hần khai là người Mông, đến lúc đoàn cán bộ ra về, Hần ngồi bên bậu cửa khóc òa như một đứa trẻ!
Theo con số thống kê của Ban Tôn giáo - dân tộc - định canh định cư tỉnh Hà Giang, trong tám năm qua dân số Pu Péo chỉ tăng được 87 người, trong 13 họ người Pu Péo có những họ chỉ còn một vài người và tuổi thọ bình quân của người Pu Péo hiện đang thấp nhất nước, không quá 45 tuổi.
Do định chế người cùng dòng họ không được phép kết hôn, trong khi thực tế trong các thôn của người Pu Péo có rất ít các dòng họ cùng chung sống, có thôn chỉ có một dòng họ như thôn Sáng Pả (xã Phố Cáo, Đồng Văn) nên việc kết hôn rất hạn chế. Bà cụ Sử cho biết con gái Pu Péo lớn lên hiện nay đa phần đi lấy người dân tộc khác nên con cái họ không mang họ người Pu Péo nữa.
Bên cạnh đó, trong việc sinh đẻ người phụ nữ Pu Péo còn phải kiêng kỵ rất nhiều thứ theo luật tục như không ăn thịt trâu, các loại cá không có vảy... và đứa trẻ mới ra đời vẫn được cắt rốn bằng cật nứa. Đặc biệt, theo tập tục ngàn đời, nếu con trai họ này đã lấy con gái họ kia thì mãi mãi con trai họ kia không bao giờ được kết hôn với con gái họ này nữa, tập tục này cũng góp phần làm dân tộc Pu Péo ít dần đi.
Mấy năm gần đây Nhà nước khuyến khích đồng bào dân tộc Pu Péo sinh đẻ nhưng “bọn con trai, con gái bây giờ thông minh lắm, chúng bảo đẻ người chứ không đẻ được đất nên mỗi người chỉ có một đến hai con thôi” - Củng Chẩn Tráng nói.
Thầy giáo Mã Chỉnh Sính, hiệu phó Trường THCS xã Phố Là, cho biết toàn trường chỉ có 23 học sinh là người dân tộc Pu Péo trên tổng số 700 học sinh, “và các em nói tiếng Mông hay hơn... cả người Mông, tôi là người Mông mà có nhiều lúc phải ngỡ ngàng!”.
Nhưng đáng lo hơn cả là sự... đói. Củng Chẩn Tráng cho hay lương thực bình quân đầu người của người Pu Péo chỉ là 280kg/người/năm. Tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em hiện là 38%. Trẻ em học hết THCS không có điều kiện đi học tiếp THPT nên ít có cơ hội đi thoát ly công tác, mà chỉ trông chờ vào nương rẫy thì rất manh mún trong khi tập tục canh tác vẫn lạc hậu như ngày trước.
Chúng tôi rời khỏi rặng núi Duống Mý Tảy Dhổ Dưng Ken khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Ngoái nhìn lại, thôn Chúng Chải như nhòa đi sau những rặng cây cổ thụ xanh thẫm đầy chất nguyên sơ...
--------
* Kỳ sau: Một tuần trong bản người Si La
-------------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 7: Nỗi buồn Rơ Mâm- Kỳ 6: Người Brâu ở Đăk Mế- Kỳ 5: Ngược bản Ma Coong, xuôi về đất Rục- Kỳ 4: Khi người A Rem rời hang đá...- Kỳ 3: Người Mã Liềng dưới chân núi Ka Đay- Kỳ 2: Ơ Đu - bộ tộc 300 người- Kỳ 1: Đan Lai - bộ tộc chốn “sơn cùng thủy tận”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận