Vốn nổi tiếng với những bức tranh thư họa đạt nhiều kỷ lục Việt Nam, ít ai biết rằng họa sĩ Lê Vũ còn là người lắp ghép, phục dựng nhiều bộ xương cá voi khổng lồ, được thực hiện kỳ công, tỉ mỉ.
Mất hàng tháng trời để phục dựng xương cá voi
Bộ xương cá voi đầu tiên được họa sĩ Lê Vũ thực hiện lắp ghép, phục dựng là bộ xương cá voi lưng gù ở Bảo tàng Hải dương học (TP Nha Trang). Bộ xương cá voi này dài 18m và nặng 10 tấn.
Ông Vũ kể khi nhận được lời mời của Viện Hải dương học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong việc phục dựng bộ xương cá voi từ năm 1994, thời điểm đó ông chưa có kinh nghiệm trong việc phục dựng, lắp ghép.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu cùng các nhà khoa học ròng rã suốt hơn 3 tháng trời, bộ xương đã được phục dựng thành công.
"Khó khăn nhất vào thời điểm đó là khi được khai quật, bộ xương cá voi lưng gù đã vỡ vụn, ngay cả xương hàm cũng đã nát, chỉ còn vài khúc nguyên vẹn.
Chúng tôi đã phải rất tốn công sức trong việc phân loại xương, những phần xương không nguyên vẹn thì đắp bằng thạch cao" - ông Vũ nói.
Để thực hiện lắp ghép, dựng một bộ xương, ông Vũ còn nhờ thêm các "cộng sự" là những người thợ thực hiện các khâu của việc phục dựng xương.
Ông Vũ cho rằng bước khó nhất khi phục dựng bộ xương là việc đưa các bộ phận lên khung nhôm sao cho bộ xương được cố định vững chãi, tạo hình sống động theo nguyên bản hình dạng của cá voi.
Theo Viện Hải dương học, bộ xương cá voi này được nông dân xã Hải Cường (huyện Hải Hậu, Nam Định) phát hiện trong lúc đào mương thủy lợi, các nhà khoa học đã tới xem xét và xác định đây là bộ xương cá voi lưng gù đã bị chôn vùi gần hai thế kỷ, rất có giá trị khảo cổ và khoa học thực tiễn về nghiên cứu biển.
Sau khi được phục dựng thành công bởi họa sĩ Lê Vũ cùng các nhà khoa học tại viện, bộ xương hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học, thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.
Đóng góp vào giá trị văn hóa tâm linh
Sau việc phục dựng thành công bộ xương ở Viện Hải dương học, tiếng lành đồn xa, Viện Hải dương học đã giới thiệu họa sĩ Lê Vũ phục dựng một bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, Bình Thuận).
Đây là bộ xương cá voi có niên đại khoảng 200 năm, được ngư dân bảo quản, thờ phụng tại dinh Vạn Thủy Tú, thuộc loài cá voi lưng xám, ngư dân kính trọng gọi là cá Ông hay Ông Nam Hải.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện phục dựng bộ xương từ năm 2003, họa sĩ Lê Vũ trăn trở về việc làm sao để tạo hình cho bộ xương một cách thẩm mỹ nhất mà phải đảm bảo độ bền, vì đây là động vật quý hiếm được ngư dân khu vực này tôn kính.
Từ kinh nghiệm phục dựng bộ xương đầu tiên, ông Vũ đã thay thế thạch cao bằng composite, đây là vật liệu nhẹ và tạo dáng dễ, đẹp hơn thạch cao.
Tuy nhiên khó khăn nhất là tại dinh Vạn Thủy Tú có rất nhiều bộ xương của nhiều loài động vật, để chọn ra xương từ các bộ phận của con cá voi lưng xám là một bài toán khó khăn.
"Chúng tôi cũng đã mất hàng tháng trời đi đi về về để nghiên cứu và phục dựng bộ xương, rất may mắn khi qua nhiều khó khăn, bộ xương đã được phục dựng thành công, tôi cảm thấy tự hào khi mình cùng những người anh em đã góp phần làm sống dậy hình hài của một loài cá voi hiếm được ngư dân địa phương tôn kính" - ông Vũ chia sẻ.
Sau khi phục dựng, bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú đã trở thành bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 22m, ước tính trọng lượng con cá voi này khi còn sống nặng khoảng 65 tấn.
Sau việc phục dựng thành công hai bộ xương trên, họa sĩ Lê Vũ cũng đã thực hiện phục dựng 5 bộ xương cá voi ở đảo Phú Quý, trong đó có bộ xương cá voi dài 17m cùng 4 bộ xương nhỏ khác.
Hiện nay, họa sĩ Lê Vũ được mời làm việc tại làng nghề Trường Sơn (TP Nha Trang), ông đã sáng tác nhiều sản phẩm mỹ thuật kết hợp giữa hội họa và thư pháp (gọi là thư họa), đặc sắc là các tranh cách điệu chữ thành hình tượng nhân vật, chủ yếu là danh nhân thế giới, đạt được nhiều kỷ lục Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận