31/05/2017 08:59 GMT+7

​Người phán xử không phán xử được nạn... vi phạm bản quyền

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Cùng với cơn sốt của Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng trên tivi là sự vi phạm bản quyền khá nghiêm trọng của hai bộ phim này trên hệ thống digital.

Nhiều trang website đã vi phạm bản quyền bộ phim Người phán xử  - Ảnh: VFC
Nhiều website đã vi phạm bản quyền bộ phim Người phán xử - Ảnh: VFC
Họ thu lợi bằng hình thức chèn quảng cáo vào trong nội dung chương trình hoặc phim thu lậu của VTV. Điều này khiến cho Đài truyền hình Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng về doanh thu và ảnh hưởng đến uy tín của VTV với các đối tác.
VTV

Ngang nhiên hạ xuống đưa lên

Trước thực trạng này, trong bản tin thời sự phát sóng tối 26-5 của VTV phát tín hiệu: “Các sản phẩm của VTV sản xuất bị nhiều đơn vị truyền thông vi phạm bản quyền và đặc biệt nghiêm trọng trên nền tảng số.”

VTV dẫn chứng về một trang web đã thông báo tỉ mỉ giờ phim phát sóng phim Người phán xử. Trên website đó lượng người truy cập xem phim đã đạt hơn 900 lượt người.

Theo VTV, đây chỉ là một trong hàng trăm website ứng dụng di động, trang Facebook, Youtube cá nhân đã ngang nhiên vi phạm bản quyền VTV.

Việc vi phạm bản quyền không chỉ diễn ra với hai bộ phim của VTV sản xuất. Nhiều phim, chương trình truyền hình đang tạo sự chú ý với khán giả màn ảnh nhỏ của VTV, HTV, THVL…thì ngay lập tức bị ăn cắp bản quyền một cách trắng trợn.

Ông Bửu Điền - chủ tịch HĐQT công ty Điền Quân cho biết: “Các sản phẩm truyền hình do chúng tôi sản xuất bị “chôm” bằng nhiều hình thức như chẻ nhỏ, biến tấu chút ít rồi đưa lên YouTube hoặc website nào đó.”

Mà không chỉ dừng lại ở các website lậu, nhiều nhà cung cấp nội dung còn phản ánh một số đại gia có ứng dụng xem truyền hình với hàng triệu khách hàng cũng sử dụng các chương trình, các phim mà không xin phép họ.

Khi được nhắc nhở, họ rút các chương trình này xuống vài ngày rồi sau đó lại đưa lên như không có chuyện gì xảy ra.

Khi 10 ngàn lượt xem đã có thể kiếm tiền

Việt Nam hiện đứng thứ thứ hai trên thế giới về sử dụng kênh Youtube. Không đứng ngoài cuộc, các đài truyền hình, các đơn vị sản xuất nội dung đã mở rộng sự phát triển của mình trên kỹ thuật số để  tìm kiếm khán giả.

Hiện đang có cuộc cạnh tranh ngầm nhưng dữ dội  giữa các kênh truyền hình trên Youtube.

Theo thống kê mới nhất của https://socialblade.com/youtube, trong danh sách top 20 trang Youtube ở Việt Nam có số  lượng người đăng ký theo dõi cao nhất có hai kênh truyền hình THVL và HTV2, các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình có thể kể đến là Điền Quân comedy, Yeah1 TV … 

Theo ông Bửu Điền thì việc mở rộng thị phần này chỉ thu về nguồn thu be bé không đáng kể so với số tiền đầu tư bỏ ra ban đầu nhưng lại là nơi quảng bá các chương trình sản xuất có hiệu quả vì có sức ra lan tỏa nhất.

Vì thế cũng không có gì lạ khi phim Sống chung với mẹ chồng hay Người phán xử đang phát sóng, thỉnh thoảng màn ảnh lại chạy dòng chữ mời gọi khán giả xem lại bộ phim này trên trang web của VTV.

Đây cũng là cách để VTV mở rộng việc quảng bá kênh truyền hình mới trên Youtube.

Nhưng dù thế nào thì Người phán xử không phán xử được nạn... vi phạm bản quyền.

Và một thực tế là đối với các nhà đài, nhà sản xuất nội dung, nguồn thu từ hệ thống kỹ thuật số không nhiều nhưng với những website lậu thì thu không nhỏ bởi một chương trình phát trên Youtube đạt đến con số 10.000 lượt người xem là đã bắt đầu có thể kiếm tiền.

Dạo một vòng quanh các trang website  lậu, điều dễ nhận ra chất lượng của các phim chương trình được đưa lên các website này đều kém chất lượng, khán giả khó theo dõi: hình ảnh mờ, âm thanh và hình ảnh không ăn nhập vào nhau, màn hình bị thu nhỏ… nhưng quảng cáo thì thường xuyên xuất hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.  

Thậm chí có nơi còn kêu gọi mọi người nhấn vào quảng cáo để website này có điều kiện tồn tại. 

Chưa phạt nặng nên không đủ răn đe

Trong nội dung phản ánh việc vi phạm bản quyền do VTV thực hiện ngày 26-5, ông Vũ Xuân Thành, chánh thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã phát biểu rằng:

“ Chúng tôi đã có những cuộc thanh tra làm việc với 8,9 website đều xảy ra vi phạm và đều có xử lý, nhưng xử lý xong thì họ vẫn vi phạm. Đây là một vấn nạn trong vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan đối với các chương trình phát sóng…”   

Đại diện VTV digital trao đổi với báo Tuổi Trẻ, cho biết họ thường xuyên phối hợp với Youtube trong việc bản vệ bản quyền các chương trình của VTV sản xuất.

Tuy nhiên, không thể quản lý xuể. Nơi này hạ rồi thì nơi khác lại xuất hiện, rất khó kiểm soát.

Việc nhờ các cơ quan chức năng vào xử lý thậm chí là có thể kiện ra tòa để đòi bồi thường xem ra ở VN vẫn còn nặng lý thuyết bởi theo  ông Bửu Điền:

“Đây là một quá trình rất tốn thời gian để theo đuổi nhưng kết quả không biết có giải quyết được gốc rễ vấn đề không bởi luật của Việt Nam chưa nghiêm ngặt và chưa có những hình phạt thật nặng để răn đe hành vi này." 

Bảo vệ bản quyền tác giả tác phẩm luôn là vấn đề đau đầu của các nhà đài, nhà sản xuất.

Có nhiều cuộc hội thảo để mổ xẻ, giải quyết vấn đề.

Sắp tới đây tại triển lãm phim và công nghệ truyền hình Telefilm 2017 diễn ra tại TP.HCM từ ngày 8 đến ngày 10-6 trong số ba hội thảo thì có đến hai cuộc hội thảo quan trọng đề cập vấn đề này đó là Tương lai phát triển truyền hình trên internet Việt Nam và Bảo vệ bản quyền tác giả.

Phim Người phán xử khi lên các trang website không có bản quyền bị thu nhỏ lại rất khó xem. -Ảnh: cắt từ clip
Phim Người phán xử khi lên các trang website không có bản quyền bị thu nhỏ lại rất khó xem. -Ảnh: cắt từ clip
top các chương trình trên  Youtube  có số lượng người đăng ký theo dõi cao.- Ảnh: cắt trên màn hình
Top các chương trình trên Youtube có số lượng người đăng ký theo dõi cao.- Ảnh: cắt trên màn hình
HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên