Diễn viên Việt Anh (phải) và NSƯT Hoàng Dũng trong phim Người phán xử - Ảnh: VFC |
Trên YouTube hay trang fanpage của Người phán xử có nhiều ý kiến nhận xét: "Xem hay, kiểu như xem Bố già phiên bản Việt", "Rất giống Bố già nhưng vẫn có vị riêng nào đó", "Lâu lắm rồi mới có bộ phim Việt hay như vậy"...
Những vai diễn sắc nét
Không thể phủ nhận góp sức vào thành công cho bộ phim là dàn diễn viên đỉnh. NSND Hoàng Dũng vào vai ông trùm Phan Quân quá tuyệt: toát lên được thần thái của một ông trùm bên ngoài là giám đốc công ty Phan Thị điềm tĩnh, tham gia nhiệt tình công tác xã hội nhưng bên trong thì vô cùng thủ đoạn, mưu mô.
Việt Anh cũng rất ra dáng Phan Hải - con ông trùm vừa ngang ngược vừa bốc đồng. Hồng Đăng xuất hiện rất lạ: một Lê Thành trầm tĩnh bên ngoài nhưng chứa đựng sự bùng nổ, tính toán và lạnh lùng rất giống tính cách ông trùm.
Các diễn viên khác như Trung Anh (vai Lương Bổng), Đan Lê (Diễm My), Bảo Anh (Bảo)... đều diễn sắc nét và nhập vai...
Nổi bật hơn hết, Người phán xử có câu chuyện đặc biệt, rất khác so với các phim Việt đang phát sóng. Vì thế phim như một món ăn lạ khiến khán giả thích thú.
Phim được sản xuất dựa trên kịch bản gốc The Arbitrator của Reshef Levi và Hot, đơn vị cung cấp bản quyền Amoza Formats.
Phim gốc 45 tập, Việt Nam làm lại thành 46 tập. Người phán xử là bộ phim hình sự đầu tiên của VFC lấy kịch bản từ nước ngoài, lại từ một thị trường Israel rất mới mẻ.
Việc làm lại phim của nước ngoài mang yếu tố lợi và hại. Kiếm kịch bản phim hay rất khó nên nhờ đến phim của người ta là cách dễ nhất tạo ra phim thu hút khán giả. Tuy nhiên phim loại này rất dễ bị so sánh với kịch bản gốc. |
Đạo diễn MINH CAO |
"Chúng tôi chọn kịch bản này vì nhận thấy tính hấp dẫn trong câu chuyện, chất liệu kịch bản gốc có thể phát triển và bổ sung thêm để xây dựng được một nhân vật Phan Quân đa diện, ngoài vai trò của ông trùm trong giới giang hồ, những quan hệ làm ăn rất nhạy bén thời cuộc thì cách hành xử trong gia đình, cách hướng con cái đến những giá trị bền vững là điểm khá thú vị.
Đây là mẫu nhân vật chưa được khai thác nhiều trong các bộ phim Việt" - ông Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC, giải thích.
Và với những gì thể hiện trên màn ảnh nhỏ, nhân vật này thật sự đã gây bất ngờ từ ánh mắt, giọng nói và những câu thoại càng ngẫm càng lý thú: "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Còn tất cả cái khác có hay không có không quan trọng", "Một con cáo già bao giờ cũng nguy hiểm hơn một lũ cáo non"...
Không chỉ Phan Quân, các nhân vật trong phim đều có một số phận, một mối liên kết với nhau khiến người xem mỗi tập "lờ mờ" nhận ra và tò mò xem diễn biến như thế nào. Việc sử dụng thu tiếng trực tiếp cũng khiến thoại sắc bén, chặt chẽ và có hồn hơn các phim Việt khác.
Theo nhà sản xuất, Người phán xử mất một năm để chỉnh sửa kịch bản, phim được Việt hóa khoảng 50%. Đây là một kết quả của quá trình trao đổi rất kỹ với đơn vị nắm bản quyền để tạo nên được một bộ phim hấp dẫn, phù hợp người xem phim trong nước.
Lời thoại phải viết lại khá nhiều, cách nói và suy nghĩ của các nhân vật phải phù hợp với lối sống, văn hóa Việt Nam. Một số câu thoại được sáng tạo riêng và khác biệt nhiều với cách đối thoại của kịch bản gốc.
Phim làm từ kịch bản ngoại trở lại, lợi hại hơn xưa?
Tính thời điểm này, có vẻ như phim kịch bản ngoại lại tiếp tục nở rộ trên truyền hình bởi ngoài Người phán xử, trên HTV7 hiện đang phát sóng Gia đình là số 1 - bộ phim chuyển thể từ kịch bản nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà trên khắp châu Á.
Trên VTV3 cũng đang phát sóng Gia đình vui nhộn, Việt hóa từ loạt phim ăn khách của Disney - Home Improvement. Gạo nếp gạo tẻ, Mối tình đầu của tôi - hai phim có kịch bản từ Hàn Quốc cũng được nhà sản xuất là D.I.D TV và TV Hub đưa vào sản xuất...
Với công nghệ và con người làm phim của Việt Nam thì khó mà làm hay hơn kịch bản gốc được. |
Đạo diễn Minh Cao - người từng thực hiện phim chuyển thể Anh em nhà bác sĩ - nhận định |
Đơn cử như Gia đình là số 1 dù đang tạo được sự chú ý, các tập phim khi chiếu lại trên YouTube đạt từ 1 triệu đến 2 triệu, thậm chí 4 triệu lượt người xem nhưng vẫn thường xuyên nhận những ý kiến so sánh diễn viên Việt với diễn viên Hàn Quốc.
Còn Gia đình vui nhộn không thật sự tạo sức hút dù đầu tư về bối cảnh, phim trường đẹp và hoành tráng. Sự khác biệt về văn hóa Tây - Đông có phải là lý do mà khán giả khó mà cười theo các nhân vật trong phim Gia đình vui nhộn?
Rõ ràng, việc mua kịch bản phim nước ngoài về làm lại là một bài toán khó. Có người thắng nhưng cũng lắm kẻ thua. Bộ phim Gạo nếp gạo tẻ quay được vài tập, hiện cũng phải dừng sản xuất, đổi đạo diễn và xem xét lại kịch bản.
Tiến độ thực hiện phim Mối tình đầu của tôi hiện đang nhích từng bước khá chậm. Nam Cito và Bảo Nhân đang thực hiện phần Việt hóa kịch bản với tốc độ 2 ngày/tập - thời gian tương đương với việc viết kịch bản mới hoàn toàn.
Bà Lê Hạnh - giám đốc TV Hub - cho biết: “Khâu Việt hóa kịch bản khá khó khăn. Chúng tôi mua bản quyền phim này trước Trung Quốc nhưng chưa làm xong khâu kịch bản thì Trung Quốc đã sản xuất rồi.
Chúng tôi đã từng làm việc với hai nhóm tác giả để viết lại kịch bản. Nhóm đầu tiên thì viết quá giống với kịch bản gốc. Nhóm hai thì lại đi quá xa với kịch bản ban đầu, đành phải làm lại từ đầu".
Vậy có công thức nào để phim Việt hóa hấp dẫn? Ông Đỗ Thanh Hải cho rằng: "Đây là câu hỏi khó trả lời vì nó không có công thức, do cảm nhận của nhà sản xuất và đội ngũ sáng tạo.
Quan trọng nhất là phải đưa ra được kết quả cuối cùng mà số đông khán giả thấy hấp dẫn, phù hợp thị hiếu. Tất nhiên, một bộ phim làm lại từ phim gốc không được phép làm giống hệt từ lời thoại, tình tiết, cách diễn xuất... ".
Nhiều cảnh bạo lực Người phán xử đang được phát sóng vào 21h30 thứ tư, thứ năm hằng tuần trên kênh VTV3. Có ý kiến cho rằng phim có nhiều cảnh bạo lực, đánh đấm. Thậm chí ở tập 1 còn chặt cả một ngón tay. Trước ý kiến này, ông Đỗ Thanh Hải giải thích: "Việc một bộ phim có những phân cảnh khai thác câu chuyện nhóm giang hồ, nhân vật xấu phải bộc lộ mức độ phạm tội để luật pháp phải trừng trị thì đương nhiên, phim cần có một số cảnh mô tả cần thiết, không thể né tránh hay cứ tả qua lời thoại được, phải có những cách xử lý khác biệt mới tạo nên tính thuyết phục. Tất nhiên phải hợp lý và phù hợp. Phim truyền hình thì càng phải hạn chế so với phim điện ảnh". Dẫu biết là ông trùm phải cho ra chất ông trùm nhưng nếu nhà đài lưu ý chú thích thêm rằng phim có cảnh bạo lực như thường thấy ở các kênh phim nước ngoài thì có lẽ Người phán xử sẽ trọn vẹn hơn trong mắt khán giả. |
Xem một số hình ảnh ấn tượng của Người phán xử:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận