14/10/2017 16:16 GMT+7

Người Nhật đã vào bán xăng, Bộ trưởng muốn sửa cách quản lý

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Sau trạm xăng Nhật Bản được mở tại Hà Nội, nhiều vấn đề đặt ra về sửa đổi cách quản lý và cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng sắp tới sẽ nghiên cứu chỉnh sửa.

Người Nhật đã vào bán xăng, Bộ trưởng muốn sửa cách quản lý - Ảnh 1.

Mỗi khi có xe vào đổ xăng tại cây xăng Idemitsu Q8, nhân viên sẽ hỏi khách có nhu cầu lau kính và gương xe không, nếu khách có nhu cầu thì nhân viên sẽ thực hiện - Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT

Bộ Công thương được cho là rất mạnh tay khi tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh nhưng cơ quan chủ quản của ngành xăng dầu này lại vẫn chưa có động thái tương tự với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Tại cuộc họp của Ban soạn thảo về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương vào ngày 13-10, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phó phòng Xây dựng Pháp luật - Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt vấn đề là khi sửa đổi, cắt bỏ điều kiện kinh doanh cần phải đảm bảo tính đồng bộ.

Bà Hồng cho rằng các lĩnh vực như khí gas, xăng dầu, thuốc lá, rượu… đều có các điều kiện kinh doanh tương tự như nhau, tuy nhiên trong khi Bộ Công thương đã quyết liệt sửa đổi ở các lĩnh vực trên trong khi xăng dầu lại chưa được đả động đến. 

"Tại sao lại cùng có điều kiện kinh doanh tương tự nhưng lại không cắt giảm đồng bộ? Việc cắt giảm thiếu đồng bộ có thể khiến cho quan điểm, nguyên tắc về rà soát điều kiện kinh doanh sẽ thiếu thống nhất và không đồng bộ", bà Hồng đặt vấn đề.

Người Nhật đã vào bán xăng, Bộ trưởng muốn sửa cách quản lý - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ sửa đổi Nghị định 83 ở thời điểm phù hợp. Ảnh: MOIT.GOV.VN

"Không phải chúng tôi không làm mà là sẽ làm sau khi có sự rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng và đầy đủ bởi xăng dầu là một lĩnh vực có đặc trưng rất riêng, liên quan đến các thành phần, lĩnh vực kinh tế của đất nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi ở thời điểm thích hợp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết hiện tại Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi nhiều nghị định để cắt bỏ các điều kiện kinh doanh.

Việc sửa đổi sẽ được triển khai thực hiện và bám sát theo phương án đã được Bộ trưởng Công Thương phê duyệt tại Quyết định 3610A/2017 với ước tính sẽ xử lý được 22% điều kiện về đầu tư kinh doanh.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định phương án 3610A mới chỉ là một bước và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn các điều kiện kinh doanh, với phương thức kiểm soát chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. 

"Chúng tôi không cầu toàn mà xác định cái gì làm được ngay thì làm trước, nếu chưa thì làm lần lượt theo quy trình, có sự xem xét một cách chi tiết, cụ thể, đảm bảo khi đã có sự điều chỉnh thì phải phù hợp và đúng đắn", ông Tuấn Anh khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng với việc chuyển đổi phương thức từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thì với lĩnh vực bán lẻ xăng dầu cũng có thể xem xét không cần phải cấp giấy phép. 

Ông Khánh cho rằng yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn mà quản lý nhà nước đặt ra, thì có thể bán lẻ xăng dầu.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, cuối tháng 9-2017 Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về việc rà soát, đánh giá Nghị định 83 về quản lý xăng dầu trong đó đặt ra các vấn đề đánh giá lại việc thực hiện và một số kiến nghị sửa đổi.

Bán xăng chính xác đến 0,01 lít, người Nhật sẽ thay đổi thị trường Việt Bán xăng chính xác đến 0,01 lít, người Nhật sẽ thay đổi thị trường Việt

TTO - Mở cửa hàng đầu tiên bán xăng chính xác đến 0,01 lít, Idemitsu Q8 từ Nhật Bản đánh dấu chấm trên một hành trình vẽ lại bản đồ xăng dầu và những đại gia như Petrolimex với 2.700 cửa hàng vị trí đẹp thì cũng phải dè chừng.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên