19/02/2016 17:22 GMT+7

Người nhà bị đột quỵ, đừng cạo gió, chích lễ

LAM XUÂN
LAM XUÂN

TTO - TS.BS Trần Chí Cường, chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, cho biết “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ là khoảng 6 giờ, mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi.

TS.BS Trần Chí Cường, chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM - Ảnh: LAM XUÂN
TS.BS Trần Chí Cường - Ảnh: LAM XUÂN

Nhận biết người nhà bị đột quỵ: nguyên tắc “FAST”

Thưa bác sĩ, đối với bệnh nhân bị đột quỵ, người thân đóng vai trò quyết định đến tính mạng của người bệnh, làm sao để người nhận biết người nhà bị đột quỵ?

Việc nhận biết người nhà bị đột quỵ theo nguyên tắc “FAST”. Tức là nhận biết qua:

- F (Face, khuôn mặt): bệnh nhân có các biểu hiện mặt bị méo, mắt nhắm không kín, nếp nhăn trên trán…

- A (Arm, tay hoặc chân): có trường hợp một trong hai tay không đưa lên đưa, trường hợp nặng hơn là cả hai tay đều không đưa lên được.

- S (Speech, giọng nói): bệnh nhân không nói được hoặc nói ú ớ, giọng nói bị thay đổi tùy theo từng mức độ.

- T (Time, thời gian): nhanh chóng cứu chữa bệnh nhân là điều tối quan trọng nhất để cứu sống bệnh nhân; tiêu chí này được nhấn mạnh bằng cụm từ “Time is Brain” (tạm dịch: thời gian là não).

Chỉ cần thấy 3 tiêu chí đầu tiên cần chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Xử lý tại chỗ: trình tự A-B-C

Vậy người nhà có hướng xử lý kịp thời nào trong thời gian chờ để hỗ trợ cho cán bộ y tế giữ mạng sống của bệnh nhân?

Trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C.

- A (Airway, đường thở): kiểm tra đường thở bệnh nhân có thông thoáng không. Nếu bị tắc nghẽn do thức ăn hoặc dị vật nào đấy cần được khai thông đường thở ngay lập tức. Nới lỏng quần áo bệnh nhân.

- B (Blood, máu): xem bệnh nhân có bị chảy máu ở đâu không. Nếu có, cần băng ép vết thương để cầm máu. Tránh tình trạng mất máu quá nhiều gây tử vong trước khi xe cứu thương đến.

- C (Circulation, tuần hoàn máu): rờ các mạch máu lớn của bệnh nhân ở các vị trí như cổ, đùi… xem còn đập hay không. Nếu còn, di chuyển bệnh nhân đến nơi bằng phẳng nghỉ ngơi, chờ cấp cứu đến. Nếu ngưng thở, cần làm hồi sức tim phổi.

Nếu tại các vùng sâu vùng xa, người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu cần lưu ý để bệnh nhân được nằm cố định, tránh rung lắc mạnh gây vỡ mạch máu não đang bị tổn thương.

Nhiều người vẫn nhầm lẫn đột quỵ với một số bệnh khác gây nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc thù là chứng trúng gió. Bác sĩ có ý kiến như thế nào về vấn đề này ạ?

Làm một khảo sát nhỏ sẽ thấy ngay, trên 50% người dân vẫn ngộ nhận bệnh nhân đột quỵ bị trúng gió. Trong y học hiện đại, không có khái niệm trúng gió. Chính thời gian và những sơ cấp cứu sai lầm như cạo gió, chích lễ… đã làm mất đi khoảng “thời gian vàng” của người bệnh. 

Theo TS.BS Trần Chí Cường, “mỗi năm có 200.000 trường hợp bị đột quỵ. Theo thống kê, 20% dân số có thể bị đột quỵ và tỷ lệ ngày càng gia tăng”.

Người bị đột quỵ có hậu quả nặng nề: tử vong chiếm tỷ lệ 30%, tàn phế nặng (sống thực vật, liệt nửa người, mất ngôn ngữ…) chiếm 30%, tàn phế nhẹ chiếm 30%.

Bên cạnh đó, các phương pháp như nặn chanh vào miệng của bệnh nhân có thể gây tắc nghẽn đường thở; cho uống thuốc dân gian cũng là nguyên nhân gây ra chứng tắc nghẽn; cho bệnh nhân ngửi một số loại hương liệu để giúp bệnh nhân tỉnh lại nhưng vô tình gây ra chứng viêm phổi hít…

Vì vậy, người dân cần ý thức thay đổi lối sống lành mạnh để bảo vệ chính mình. Nâng cao kiến thức bệnh không chỉ giúp mình mà còn giúp người nhà nếu xảy ra bệnh bằng việc truyền thông, tuyên truyền sâu rộng đến các vùng tỉnh xa.

Về phương pháp điều trị đột quỵ hiện nay ra sao, thưa bác sĩ?

Phương tiện chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh trong thời gian nhanh nhất có thể cho ra kết quả trong vòng 30 phút. Sau khi xác định được nguyên nhân cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở có thể xử lý được bằng phương tiện can thiệp nội mạch. Có hai trường hợp xảy ra: xuất huyết não chiếm 20% và nhồi máu não chiếm tỷ lệ đa số. Để chẩn đoán được xuất huyết hay nhồi máu thông qua thiết bị CT-Scan là đủ.

Trong chữa trị đột quỵ hiện nay có nhiều biện pháp, nhưng chủ yếu là uống thuốc và phẫu thuật.

Trường hợp bị đột quỵ nặng có máu bầm trong não, hay bị phình mạch máu não cần can thiệp phẫu thuật. Hạn chế của phương pháp này là nguy cơ tổn thương thần kinh khá cao, có thể tàn phế sau phẫu thuật, tình huống nặng nhất là tử vong.

Đối với tắc mạch máu nhỏ trong 4,5 giờ đầu có thể sử dụng biện pháp tiêu sợi huyết tĩnh mạch (bơm thuốc vào mạch máu để làm tan cục máu đông). Tuy nhiên hướng điều trị này có hạn chế trong trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn.

Ghi nhận trong những trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lớn, trong vòng 6 giờ đầu, cần chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp DSA, áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%. Vậy nên, tối ưu nhất trong việc điều trị đột quỵ là can thiệp nội mạch, mang lại hiệu quả khá cao.

Máy DSA có thể chụp được mạch máu não tái tạo theo không gian 3 chiều, công nghệ dẫn đường 3D (3D Roadmap), chụp được CT trên máy DSA với độ phân giải cao, chụp được các mạch máu não ở mọi góc độ với hình ảnh rõ ràng. Máy chụp mạch máu xóa nền DSA sẽ giúp thực hiện được những kỹ thuật cao cấp như dựng hình mạch máu não 3 chiều, chụp được CT ngay trong lúc làm thủ thuật.

Trường đại học Y dược TP.HCM đào tạo về đột quỵ

Cũng theo TS.BS Trần Chí Cường, hiện nay cả nước chưa có quá 5 bệnh viện có thể cấp cứu, can thiệp, điều trị hiệu quả được bệnh đột quỵ.

Để thiết thực góp một tay giải quyết nhu cầu bức thiết này, Trường đại học Y dược TP.HCM (ĐHYD) vừa thành lập Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ.

Trung tâm này sẽ hợp tác với các chuyên gia của các trường đại học y khoa trong và ngoài nước; với các Trung tâm đột quỵ ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức... đào tạo nguồn nhân lực về điều trị bệnh đột quỵ.

Dự kiến trong quý 2/2016, Trung tâm sẽ khởi động những khóa đào tạo đầu tiên. 

LAM XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên