Đêm dần về khuya, đường phố đã thưa người, nhưng quán ốc HT trong con hẻm trên đường Dạ Nam (P.2,Q.8, TP.HCM) vẫn chưa ngơi khách. Phía sàn nước cuối nhà, bà Sáu Phượng (Huỳnh Thanh Phượng, 60 tuổi, ngụ tổ 14, khu phố 1, P.1, Q.8) thoăn thoắt rửa những chồng chén đĩa cao nghệu.
![]() |
Bữa cơm của vợ chồng bà Huỳnh Thanh Phượng đã “teo tóp” trước đà tăng giá - Ảnh: Tấn Đức |
“Cô Sáu ơi, cho đồ lên hen!” - anh đầu bếp gọi với xuống, bà Sáu Phượng lật đật tháo đôi bao tay dùng rửa chén, khệ nệ bưng thau bát đĩa đã rửa sạch ra quầy. Rồi bà nhanh chóng trở lại chỗ cũ, tỉ mẩn rửa, lau và phân loại... Chồng chén trên tay mỗi lúc một thêm nặng nhưng 12 giờ đêm mới hết giờ làm việc.
Mỗi buổi rửa chén từ 6g chiều đến 12g đêm như thế này bà được trả 50.000 đồng.
“Bài toán” sổ đỏ
Trở về nhà đã quá nửa đêm, cả ngõ hẻm chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng bà Sáu Phượng vẫn chưa chợp mắt được. Bà bảo bao năm lao động, thức đêm thức hôm, cơ thể bà đã quen với việc ít ngủ, vả lại còn bao nhiêu việc phải lo nghĩ mà ban ngày khó có thời gian tính đến được.
Trải qua hai phần ba đời người, lăn lộn trong đời với đủ thứ nghề, hôm nay gia cảnh nhà bà Sáu đã đỡ hơn trước nhiều lắm nhưng vẫn còn trong danh sách hộ nghèo, mối lo lớn nhất vẫn là trả nợ.
Năm trước, cả gia đình đã “đánh liều” ra một quyết định lớn: mang cuốn sổ đỏ đi cầm lấy 30 triệu đồng, cộng thêm mấy chục triệu đồng do bạn bè của con gái lớn cho mượn để sửa nhà. Căn nhà vách ván, gác gỗ cả gia đình ngụ suốt mấy chục năm đã mục nát gần như toàn bộ, mỗi lần mưa lớn, triều dâng nước ngập vào nửa mét, mặt nước lay động, vách nhà cũng rung theo, không biết sẽ sập lúc nào.
Sửa nhà, nâng nền hết hơn trăm triệu, gánh nặng nợ nần đặt ra cho bà Sáu Phượng một bài toán khó giải nhất trong đời.
Bà Sáu và cô con gái út Ái Nhân đi làm ở quán ốc từ chiều đến đêm, mỗi người được lãnh lương 1,5 triệu đồng (mức vừa được tăng từ tết tới giờ, trước đó là 1,2 triệu/tháng). Cô con gái lớn Phương Dung làm công nhân cho xưởng thêu ở Tân Bình từ sáng đến tối mịt, lương lãnh theo sản phẩm được hơn 2 triệu đồng. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Hinh, nay đã bước vào tuổi 79, cao huyết áp, thường chóng mặt, tay chân run lẩy bẩy, đành phải thôi nghề chạy xe ôm mà ông đã đeo suốt mấy chục năm qua.
Để duy trì cuộc sống cho gia đình, bà Sáu phải tính toán chi li từng đồng. Hằng tháng bà dành ra 1,5 triệu đồng, cô con gái lớn góp 1,1 triệu đồng để trả nợ vay. Các khoản chi khác như: chi phí học hành cho cô con gái út, tiền điện, tiền nước, tiền gas, cộng với tiền gạo, mắm, muối... tổng cộng chừng 2 triệu đồng thì các thành viên trong gia đình đóng góp.
Ngoại trừ khoản trả nợ được xem như “hụi chết”, còn lại những khoản chi khác cứ ngày một tăng lên vùn vụt.
Vậy mà rồi cũng tính được. Ngồi bên mâm cơm chỉ gồm một tô canh bắp cải và chén khô chay chiên, bà Sáu Phượng nói chắc nịch: “Ở nhà này ăn là chuyện không quan trọng, cực cũng không đáng kể, chỉ trả nợ mới là quan trọng nhất”.
Và bà đã chạy chiếc xe đạp cũ kỹ đi tìm việc với đôi bàn tay chai sần từng làm đủ nghề để nuôi con: nào công nhân hãng bột mì, nào lao công, nào mua bán ve chai... Hôm nay, ở tuổi 60, bà gõ cửa những căn hộ coi có vẻ khá giả xin làm việc nhà.
Chạy sô
Sau một đêm trằn trọc hay lụi cụi với công việc nhà, cứ 7g sáng là bà Sáu dắt xe ra khỏi cửa. Bà đạp đến một khách sạn mini ở đường Nguyễn Thị Tần, P.2, Q.8. Bấm chuông, cửa vừa mở là bà đi thẳng lên cầu thang, xắn tay xách thùng nước, khăn lau bắt đầu vào việc. Lau nhà, giường tủ, bàn ghế, chà rửa nhà vệ sinh, lau hành lang, cầu thang... Cứ thế suốt lầu 4 xuống lầu 3, lầu 2, lầu 1. Xế trưa, bà lau tới tầng trệt và công việc kết thúc.
Đạp xe về nhà lưng đã mỏi nhừ. Lùa vội tô cơm, hôm nào khá thì có khoanh cá biển và mấy cọng rau mà người chồng ở nhà chuẩn bị. Bà ngả lưng xuống và ngủ. Giấc ngủ trưa hơn một tiếng sâu nhất trong ngày.
“Từ trẻ đến giờ tôi cứ thế, chỉ cần giấc ngủ buổi trưa là có thể thức luôn đến sáng”, bà Sáu cười kể. Hai giờ chiều bà bật dậy, lên xe đạp, đạp đến một căn nhà khác, lại lau, lại dọn cho đến chiều.
“Nếu xong sớm thì về nhà nghỉ một chút, nếu muộn thì đạp xe thẳng đến quán ốc và tiếp tục đến đêm”, bà Sáu lại cười. Hể hả khoe rằng nhờ chăm chỉ, thật thà, bà đã nhận việc được ở năm gia đình, chỗ ba buổi, chỗ hai buổi/tuần, lấp đầy sáu buổi sáng, sáu buổi chiều từ thứ hai đến thứ bảy.
“Như vậy là chỉ còn một ngày chủ nhật để ở nhà, đón mấy đứa cháu ngoại về hủ hỉ, nhưng cũng nhiều khi gia đình người ta có việc cần dọn dẹp thì tôi lại đi. Nghèo quá phải ráng, cái nghèo nó đè cái mệt. Nói vậy chứ cũng có lúc nghỉ ngơi thoải mái”. Bà Sáu kể một thói quen “thư giãn” riêng tư của bà: sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày lao động, bà đến quán cà phê cóc ở đầu hẻm, gọi một ly cà phê đá giá 5.000 đồng, ngồi nói chuyện với mấy bà bạn, nghe mấy ông bàn bên đọc báo, bàn chuyện thời sự, chuyện giá cả từng món hàng bữa nay tăng giá mấy phần trăm so với bữa qua.
“Đó là thói quen của tôi từ hồi trẻ tới giờ”, bà Sáu cười, liếc nhìn sang chồng. Ông Hinh cũng cười: “Bả chỉ có một giờ đó cho bản thân mình nên tui cũng không bao giờ đi theo, tự pha trà uống ở nhà”.
Nghe chồng nói, bà “khoe” luôn: “Nhờ ly cà phê ấy mà cả chục năm rồi tui khỏi tốn tiền ăn sáng. Cũng nhờ nó mà tui thấy tinh thần thoải mái, tay chân khỏe mạnh, không biết đến nhà thương là gì. Mà nói ngay, cũng có vài bận cảm mạo, nóng lạnh, chỉ “xa xỉ” bỏ ra vài chục ngàn mua những món mình thèm về ăn là hết bệnh liền”.
Trước sự ngạc nhiên của khách lạ về sức dẻo dai, bền bỉ của mình, bà Sáu cười nhẹ bẫng: “Nếu trời thương cho khỏe mạnh và không mất việc, cuối năm nay nhà tui sẽ trả xong nợ. Lúc đó, may ra mới tính đến chuyện để dành chút gì cho con bé út...”.
______________________
Dù lạm phát, giá tăng hay bất cứ chuyện gì thì cuộc sống vẫn hướng về tương lai. Gánh nặng của bậc làm cha mẹ lại trĩu thêm khi giải bài toán tương lai của con mình.
Kỳ tới: Trĩu thêm gánh nặng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận