Ảnh: Shutterstock
Ngay từ năm 1836, nhà giải phẫu học nổi tiếng người Đức Friedrich Tiedemann (1781-1861) đã đưa ra khẳng định trên tạp chí Philosophical Transactions rằng chắc chắn có mối liên hệ giữa kích thước của bộ não và năng lực trí tuệ.
Kể từ đó có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh nhận định của ông. Cùng với đó là hàng loạt nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong suốt gần 200 năm qua để làm rõ nhận định này.
Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học cùng công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI) cho phép các nhà khoa học đưa ra được những đánh giá đáng tin cậy hơn về não bộ.
Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) và Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan) đã sử dụng kết quả chụp MRI của hơn 13.600 người tham gia để so sánh giữa kích thước não bộ với khả năng nhận thức và thành tích trong học tập.
Ảnh: Shutterstock
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sử dụng dữ liệu thông tin của hơn 500.000 người Anh, trong đó bao gồm thông tin về sức khỏe, di truyền và hình ảnh chụp não của 20.000 người.
Những người tham gia nghiên cứu được hướng dẫn làm các bài test về khả năng tư duy logic, ghi nhớ và phản xạ mà không dựa trên những kiến thức mà họ đã có được theo thời gian vì điều này không thể đánh giá chính xác về khả năng nhận thức chung.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Gideon Nave, từ Đại học Pennsylvania, nói: "Kết quả cho thấy rõ một người có kích thước bộ não lớn hơn thường thực hiện các bài test nhận thức tốt hơn so với một người có bộ não nhỏ hơn.
Tương tự một chiếc máy tính, nếu có nhiều transistor (một linh kiện bán dẫn trong điện tử) hơn, bạn có thể tính toán nhanh hơn và truyền tải nhiều thông tin hơn. Một phần nào đó trong bộ não cũng vậy, nếu bạn có nhiều nơ-ron hơn, bạn sẽ có trí nhớ tốt hơn, hay có thể hoàn thành nhiều công việc một lúc".
Giáo sư Philipp Koellinger thuộc Đại học Vrije Universiteit Amsterdam chia sẻ rằng quy mô và dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này lớn hơn 70% so với tất cả các nghiên cứu trước đây về loại hình này. Điều đó cho phép ông và các cộng sự có thể đối chiếu và đưa ra đánh giá về mối quan hệ giữa kích thước não và khả năng nhận thức với độ tin cậy cao hơn rất nhiều.
Có sự khác biệt đáng kể giữa kích thước bộ não của nam giới và nữ giới, song điều này không ảnh hưởng đến khả năng nhận thức chung.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng việc đo lường khả năng nhận thức, độ thông minh, nhanh nhạy của một người là một nhiệm vụ khó khăn và kích thước bộ não chỉ là một rất phần nhỏ trong đó. Do vậy, khi đánh giá về độ thông minh của một người, không thể dựa hoàn toàn vào kích thước bộ não.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín Psychological Science. Đây được coi là nghiên cứu toàn diện và lớn nhất từ trước đến nay của loại hình này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận