Phóng to |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những chủ trương mới nhằm tháo gỡ vướng mắc trong cấp GCN, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định việc cấp GCN tới đây sẽ tập trung theo hướng tháo gỡ triệt để, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân.
Thứ trưởng Hiển cho biết thêm nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2013 xác định phải cơ bản hoàn thành việc cấp GCN lần đầu cho người dân, tức là phải đạt tỉ lệ trên 85% diện tích các loại đất cần cấp. Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc cấp GCN ở nhiều địa phương vẫn còn đạt tỉ lệ thấp so với yêu cầu.
* Trong báo cáo mới đây, Bộ TN&MT đã xác định còn nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ cấp GCN dưới 70%, nguyên nhân được chỉ ra là gì, thưa ông?
- Hiện nay còn 22 tỉnh, thành phố được xem là “trọng điểm” cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng kết quả cấp GCN dưới mức 70% diện tích cần cấp, một số địa phương khác cũng có tình trạng còn tới 4/5 loại đất có kết quả thấp. Như vậy, phải thấy rằng số lượng tồn đọng cần cấp GCN đối với một số loại đất vẫn còn nhiều, nhất là đất chuyên dùng còn 46 tỉnh, đất ở đô thị (22 tỉnh) và đất lâm nghiệp còn 30 tỉnh, đất nông nghiệp còn 15 tỉnh và đất ở nông thôn còn 15 tỉnh.
Chỉ tính riêng số lượng tồn đọng chưa cấp GCN ở 22 tỉnh, thành phố đã chiếm tới 70% khối lượng cần thực hiện của cả nước. Trong đó, nguyên nhân của việc chậm tiến độ cấp GCN được xác định gồm: Thứ nhất: vẫn còn tình trạng UBND các cấp ở một số địa phương thiếu quyết tâm, chưa thật sự vào cuộc để chỉ đạo, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, trong thực hiện chưa chủ động tổ chức đăng ký, cấp GCN đồng loạt theo từng xã, phường mà vẫn bị động chờ người dân có nhu cầu đến đăng ký như trước đây. Cá biệt ở một số nơi còn có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân gây bức xúc trong dư luận. Tôi xin nói việc cấp GCN bây giờ không phải là giúp người dân, phải thay đổi cách nghĩ theo hướng trách nhiệm quản lý phải cấp GCN cho người dân khi đất đó có đủ điều kiện, phải cấp GCN để đảm bảo quản lý tốt hơn, vì vậy phải làm đồng loạt chứ không thể giải quyết riêng lẻ từng trường hợp.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế về đầu tư kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính. Theo chỉ thị của Thủ tướng, các tỉnh, thành phải bố trí trên 10% tiền sử dụng đất làm kinh phí cho việc cấp GCN, tuy nhiên hiện việc bố trí kinh phí không được thực hiện theo đúng yêu cầu, đây là một trong những hạn chế cần khắc phục, nếu không rất khó hoàn thành chỉ tiêu.
* Bộ TN&MT đã xác định những giải pháp “đột phá” nào để hoàn thành mục tiêu Quốc hội và Chính phủ yêu cầu?
- Đúng là để hoàn thành được mục tiêu này, nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2013 rất nặng nề. Tuy nhiên, nhiệm vụ càng nặng nề thì trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện càng phải quyết liệt. Quan điểm của Bộ TN&MT trong chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN tới đây rất rõ ràng, đó là phải nhìn nhận việc cấp GCN cho người dân không chỉ là việc đảm bảo quyền lợi mà còn giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hiệu quả hơn nguồn lực đất đai.
Để tháo gỡ vướng mắc, bộ đã yêu cầu 22 tỉnh, thành phố có tỉ lệ cấp GCN còn thấp cần xác định việc hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu trong năm 2013 là nhiệm vụ chính trị quan trọng và hết sức cấp bách. Trong triển khai thì từng địa phương cần phải quan tâm bố trí kinh phí cho thực hiện đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp GCN gắn với việc giao chỉ tiêu cấp GCN cho từng huyện, xã phải thực hiện trong năm 2013.
Về giải pháp chuyên môn, UBND các tỉnh phải rà soát, ban hành quy định để giải quyết những vướng mắc do tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng ở địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đối với các trường hợp lấn chiếm hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở đã ổn định từ trước ngày 1-7-2004, nay phù hợp với quy hoạch sử dụng, bộ đã xác định giải pháp tháo gỡ là xem xét cấp GCN cho người đang sử dụng. Hoặc những địa phương chưa thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân thì phải thực hiện ngay theo quy định đã được cho phép. Quan trọng nhất là vì quyền lợi của người dân mà thực hiện.
* Thưa ông, hiện nay ở Hà Nội và TP.HCM vẫn còn vài trăm nghìn căn hộ ở các dự án phát triển nhà chưa được cấp GCN. Đáng lưu ý về lý do người mua nhà bị “treo” quyền lợi cấp GCN lại do lỗi của chủ đầu tư. Bộ TN&MT sẽ giải quyết việc này ra sao?
- Đúng là ở hai thành phố hiện đang còn số lượng lớn căn hộ vướng về điều kiện cấp GCN. Những vướng mắc này đã được Bộ TN&MT chỉ ra trong quá trình kiểm tra việc cấp GCN ở một số dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM từ cuối năm 2011. Khi đó đã xác định ở hai thành phố có những vi phạm chủ yếu của chủ đầu tư dẫn tới vướng mắc phiền lụy cho người mua nhà như: xây dựng không đúng số tầng, không đúng diện tích theo quy hoạch, thiết kế, giấy phép xây dựng được cấp; vi phạm quy định về nghĩa vụ tài chính, sang nhượng dự án và một số trường hợp công ty mẹ được giao đất, nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng bán nhà lại do công ty con thực hiện.
Những vi phạm này dẫn đến vướng mắc về mặt pháp lý khi làm thủ tục cấp GCN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà. Trong đó còn có cả nguyên nhân do các cơ quan chức năng của hai thành phố trong quản lý, kiểm tra giám sát chưa được coi trọng, không xử lý dứt diểm. Ngay trước đây và trong chỉ đạo hiện nay, vấn đề bộ chú ý nhất, đó là những vi phạm nào thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, những vi phạm nào thuộc lỗi của người dân. Quan điểm rất rõ ràng nếu vi phạm do lỗi của chủ đầu tư thì các cơ quan chức năng của hai thành phố vẫn phải xem xét làm các thủ tục cấp GCN đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, đồng thời phải có chế tài xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư đối với từng trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng.
* Cụ thể, Bộ TN&MT đã chỉ đạo ra sao để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, thưa Thứ trưởng?
- Bộ cũng đã tham vấn ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính về giải pháp xử lý. Sau đó đã có hướng dẫn với hai thành phố, như đối với dự án vi phạm về số tầng, làm sai thiết kế thì vẫn cấp GCN cho người dân mua nhà ở những tầng không vi phạm. Hoặc trường hợp xây dựng không đúng thiết kế được duyệt, nếu xử lý phần vi phạm không ảnh hưởng đến kết cấu nhà, không làm thay đổi diện tích căn hộ thì vẫn cấp GCN cho người mua nhà ở đó.
Tương tự, đối với những dự án đang có vi phạm cần chỉ đạo xử lý dứt điểm để cấp GCN đảm bảo theo đúng nguyên tắc diện tích không vi phạm vẫn được cấp GCN và người mua nhà không có lỗi thì phải được cấp GCN. Kể cả trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng người dân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính thì vẫn cấp GCN.
Ngoài ra, bộ cũng đã có báo cáo với Thủ tướng về trường hợp vướng mắc trong cấp GCN ở các dự án phát triển nhà ở như trường hợp công ty mẹ được giao đất thực hiện dự án, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng ủy quyền cho công ty con thực hiện dự án, sau đó công ty con ký hợp đồng mua bán nhà dưới hình thức ủy quyền của công ty mẹ thì xử lý theo hướng cấp GCN cho người mua nhà mà không phải làm lại thủ tục chuyển quyền sử dụng đất giữa công ty mẹ và công ty con, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo các tỉnh, thành phố để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Mua đất giấy tay có thể vẫn được cấp sổ đỏ Tại hội nghị xử lý các vướng mắc trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do Bộ TN-MT tổ chức tại Hà Nội ngày 2-8, bộ này cho biết sẽ đề nghị Chính phủ cho phép cấp GCN cho các hộ dân nếu đất có nguồn gốc đủ điều kiện cấp giấy. Theo Bộ TN-MT, hiện nay nhiều địa phương đang tồn đọng hàng ngàn trường hợp sử dụng đất chưa có GCN nhưng đã mua bán đất bằng giấy tờ viết tay, không có công chứng, chứng thực từ ngày 1-7-2004 trở lại đây. Theo quy định hiện hành, các trường hợp này không được làm thủ tục cấp GCN. Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng cho biết việc phạt chậm nộp tiền sử dụng đất với mức tiền phạt tương đương 18%/năm, cộng thêm số tiền sử dụng đất phải nộp là khá cao, không phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Như vậy sẽ không khuyến khích người dân làm thủ tục cấp giấy đỏ và làm ách tắc trong việc cấp GCN. Vì vậy, Bộ TN-MT cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bỏ quy định phạt chậm nộp tiền sử dụng đất khi cấp GCN. |
Đất vượt hạn mức nộp tiền theo bảng giá đất Bộ TN-MT cho biết theo quy định hiện hành, khi cấp giấy đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất vượt hạn mức giao đất ở của địa phương, phần diện tích đất ở vượt hạn mức sẽ phải thu theo giá thực tế do UBND tỉnh, TP quyết định đối với từng trường hợp. Bộ TN-MT cho biết để thực hiện quy định này, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn tính thu tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp giá thực tế. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương và theo Bộ TN&MT, việc thu như vậy làm cho số tiền sử dụng đất phải nộp trong trường hợp này tăng thêm quá nhiều. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến ở nhiều địa phương, người dân phản ứng không nhận GCN. Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN-MT cho biết sẽ đề nghị sửa đổi theo hướng thu tiền sử dụng đất khi cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thống nhất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định đối với cả diện tích trong hạn mức và vượt hạn mức giao đất ở. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận