(xin gửi những dòng chữ này đến cô giáo Nguyễn Thị Chung, Nghệ An)
Năm 1996, tôi bước vào lớp một. Tôi không thể tưởng tượng được đó là ngôi trường của mình sẽ học tập. Một dãy nhà cấp bốn lụp xụp nép sau dãy núi. Buổi học đầu tiên khi đi học về bố tôi hỏi: “Con thấy trường học thế nào?”. Tôi không hề suy nghĩ mà trả lời ngay với bố: “Trường học gì mà giống như nhà kho bố ạ!”.
Cũng phải thôi vì quê tôi đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bom đạn đã cướp đi người cũng như của của người dân quê tôi. Để khắc phục được khó khăn đó cần phải có khoảng thời gian dài. Khi bữa cơm chưa no thì lấy đâu ra xây dựng trường học với cơ sở vật chất đầy đủ. Vì lúc đó trường học chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của người dân. Bao thế hệ giáo viên khi đến với xã tôi, họ dạy một vài năm rồi chuyển về dưới xuôi, trừ một vài trường hợp là các thầy cô giáo tại quê và một số thầy cô tâm huyết với nghề, với những đàn em học trò vùng sâu vùng xa.
Và chính nhờ sự tâm huyết, yêu nghề, yêu những học trò thiếu thốn của những thầy cô giáo trẻ nên tôi mới được gặp cô - người mẹ hiền thứ 2!
Cô giáo Chung đến xã tôi, đến với lớp 2D chúng tôi không quản ngại khó khăn vất vả. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô tự nguyện về với quê tôi, với những học sinh thơ ngây, đến với vùng dân mà khi ý nghĩ của họ cũng chưa biết học hành để làm gì.
Cuộc sống khó khăn, trường lớp còn chưa đủ cho học sinh, huống chi nói đến chuyện nhà ở cho giáo viên ở xa như cô. Cô phải vào ở cùng với người dân quê tôi. Cô cùng người dân quê tôi rau cháo qua ngày. Với đồng lương thời đó “ba cọc ba đồng”, chỉ đủ cho cô mua một số đồ dùng thiết yếu chứ chưa nói đến chuyện dành dụm gửi tiền về cho mẹ già đau yếu!
Cô đến với lớp tôi như một người mẹ hiền! Những kỷ niệm ngày xưa cứ ùa về trong tôi. Ký ức dần dần hiện ra…
Lớp học những hôm trời mưa. Sân trường lầy lội, từng đôi dép lê của học trò bám chặt đầy đất. Cô xắn cao ống quần, xách đôi dép để ngoài hiên vào lớp dạy. Mái ngói phía trên nhiều viên đã nứt nẻ do lâu ngày. Chậu rửa tay của giáo viên cô liền đưa ra hứng chỗ dột. Ngồi học cứ nghe mưa lộp độp.
Từng bài học, từng câu chuyện cổ tích cô kể đứa nào đứa nấy đều thích thú. Ngày mới đến dạy, cô phải vào từng nhà động viên học sinh đi học nhưng với cách dạy của cô đã lôi cuốn bọn trẻ. Dù mưa to nhưng sĩ số lớp luôn đầy đủ. Đến lớp học không chỉ thích thú qua từng con chữ, con số mà chúng tôi còn được cô dạy bao trò thú vị.
Mùa đông trời lạnh cóng, mà những đứa trẻ học lớp hai như chúng tôi bé xíu như cái kẹo phải ngồi trên nhưng tấm bàn, ghế làm bằng bêtông. Chao ôi là lạnh! Xuýt xoa vì rét, trong lớp một vài đứa tím bầm môi lại. Hình ảnh cô sẵn sàng cởi chiếc áo gió mỏng manh ra quàng qua người những đứa học trò tội nghiệp làm tôi càng yêu cô hơn và yêu luôn nghề giáo viên cao đẹp! Chẳng vì thế mà tất cả học sinh lớp 2D ngày đó đều có chung một ước mơ là làm giáo viên. Tôi thấy cô cười, một nụ cười thật đẹp!
Giờ ra chơi, cô trò rủ nhau ra sau trường kiếm củi khô về đốt. Ngọn lửa bập bùng ánh lên sáng rực trên khuôn mặt ngây thơ của bọn trẻ. Giờ học nhạc là những hôm có trò quây quần bên đống lửa như vậy. Ai cũng tranh nhau hát cho cô nghe, chẳng còn ai còn phải sợ cái lạnh mùa đông nữa, bởi có ngọn lửa của cô sưởi ấm.
Vài năm sau cô và mấy cô giáo trẻ trong trường được xã xây cho vài phòng ở. Mỗi phòng chưa đầy 10m2. Những hôm muộn quá hay phải học hai buổi, lao động tại trường thì mấy đứa xa nhà lại trọ trong ký túc của cô. Bữa cơm đạm bạc của cô trò chỉ có một ít rau và cá khô nhưng sao thấy ngon đến thế!
Cô thật là giỏi! Cô biết mọi chuyện. Khi cô hát, đám học trò chúng tôi bảo cô là “ca sĩ”, khi mấy trò ốm cô biết bệnh từng người, vào trạm xá lấy thuốc mấy trò lại phong cho cô là “bác sĩ”, rồi cô xắn quần xuống ruộng cấy, các trò lại bảo cô là “nông dân”… Biết nói bao giờ cho hết tài năng của cô.
Cô có cách giáo dục rất đặc biệt, mềm mỏng nhưng không nhu nhược, để học trò vừa thấy yêu quý, thân thiện mà vô cùng kính nể. Cái ngày lớp tôi không hiểu sao cái Mai cầm tiền đi đóng học phí giờ ra chơi chưa kịp nộp cho cô thì bị mất, cô hiểu tường tận tính cách từng người nên không khó tìm ra người lấy trộm. Nhưng khi cái Mai mếu máo muốn được cô lục cặp từng người một.
Cô đã không làm điều đó. Cô bảo: “Nếu ai đã trót lỡ lấy cắp tiền của bạn rồi thì gặp cô. Cô hứa danh dự sẽ không nói cho ai biết và sẽ không phạt”. Chỉ trong ngày mai số tiền của Mai được hoàn trả. Đến tận bây giờ, mọi người vẫn không biết được ai là “thủ phạm” ngày xưa.
Ai chưa ngoan thì cô làm cho ngoan, ai chưa giỏi thì cô rèn cho giỏi, cho khá. Cốt cách cô dạy chúng tôi ở đây là sự quyết tâm, ý chí trong cuộc sống cũng như trong học tập. Tôi ngày trước có thói quen thấy bài tập nào dễ thì không làm, nếu có làm thì làm qua loa, còn bài tập khó lại chờ cô chữa vào rồi mới chép.
Khi chấm bài, cô chú ý đến cách trình bày chứ không quan tâm lắm đến kết quả. Ngày trước tôi cẩu thả lắm. Dù kết quả đúng nhưng cách trình bày không khoa học, không vừa ý cô nên môn toán của tôi chỉ điểm 7 là cao nhất. Lúc đó tôi nghĩ cô ghét tôi nên tôi đã lơ là không chịu học hành. Khi hiểu ra sự thật thì tôi thấy mình thật ngốc nghếch. Sự cẩn thận giúp ích cho tôi rất nhiều khi mà giờ đây tôi đang theo đuổi ngành kế toán để học.
Rồi năm tháng cũng dần trôi đi, tôi luôn nhớ những bài học cô đã dạy. Mỗi hình ảnh, mỗi hành động cô làm đã in sâu vào trong tiềm thức của tôi. Khi gặp một vấn đề gì trong cuộc sống hay học tập, tôi đều nghĩ về cô để cố gắng, phấn đấu hơn nữa. Không ngại khổ, không ngại khó khăn, có chí quyết tâm…Tất cả điều đó tôi luôn ghi nhớ!
Cô ơi, dù bây giờ con vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa công thành, danh toại nhưng những công ơn của cô con biết ơn cô nhiều lắm! Xin một lần cho con được gọi cô là “Mẹ” - người mẹ hiền của con!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận