04/11/2018 15:00 GMT+7

'Người mẹ của thị trấn Deh’Subz'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Bà Razia Jan có một cửa hàng giặt sấy kinh doanh rất tốt ở thị trấn Duxbury, hạt Plymouth, bang Massachusetts (Mỹ) suốt 38 năm qua, nhưng tâm huyết lớn nhất của bà lại là tạo cơ hội học hành cho các phụ nữ và trẻ em gái ở quê nhà Afghanistan.

Người mẹ của thị trấn Deh’Subz - Ảnh 1.

Bà Razia Jan (áo đen) và các em học sinh trong lễ tốt nghiệp vào tháng 12-2017 - Ảnh: PATTI QUIGLEY

Tại một ngôi làng cách không xa thủ đô Kabul, nơi thường xuyên xảy ra những vụ đánh bom liều chết, có một câu chuyện thành công hiếm hoi về bà Razia và những trung tâm giáo dục, hướng nghiệp của bà dành cho các em gái khó khăn.

Từ mười năm trước, bà vận động thành lập quỹ Tia hi vọng của Razia. Thông qua quỹ này, bà Jan đã giúp thay đổi cuộc đời của nhiều phụ nữ trẻ Afghanistan. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh trao thêm quyền năng và sức mạnh cho phụ nữ Afghanistan thông qua giáo dục.

Dự án lớn nhất của quỹ Tia hi vọng là Trung tâm giáo dục Zabuli - một ngôi trường dạy đủ các cấp học từ mầm non tới lớp 12 - mở năm 2008, cung cấp các khóa học miễn phí, các bữa ăn và quần áo cũng miễn phí cho hơn 650 em gái khó khăn của Afghanistan. Ngôi trường cũng là mô hình đầu tiên loại này xuất hiện tại làng Deh’Subz.

Bà Razia thành lập trường sau khi tới Mỹ học đại học và sinh sống ở đó khá nhiều năm. Bà xây trường và cung cấp nguồn tài chính duy trì hoạt động của nó với sự hỗ trợ từ rất nhiều nhà hảo tâm. Chi phí cho mỗi em gái một năm để trang trải học phí, sách vở, đồ dùng, đồng phục, áo rét, lương cho giáo viên, đi lại và sưởi ấm là 420 USD/năm.

Đồng hành với bà Jan là giám đốc điều hành quỹ Tia hi vọng - bà Patti Quigley. Số phận đã đẩy đưa hai phụ nữ ấy gặp nhau trong sự kiện 11-9 và đồng hành kể từ đó tới nay trong rất nhiều dự án thiện nguyện. Khi thảm kịch xảy ra, bà Jan đang là chủ cửa hàng giặt sấy tại Duxbury và vô cùng kinh hãi trước sự việc. 

Còn chồng bà Patti Quigley, ông Patrick, đã chết khi chiếc máy bay số 175 của Hãng United Airlines lao vào tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới. Khi đó, vợ chồng họ có một con gái 5 tuổi và bà Patti đang mang thai.

Cảm động trước sự hỗ trợ của mọi người đổ về từ khắp nơi trên thế giới sau thảm kịch, bà Quigley cùng người bạn gái Razia bắt tay thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để giúp những phụ nữ Afghanistan cũng trở thành góa bụa vì cuộc chiến tranh tại đất nước này.

Bà Jan được hưởng thụ nền giáo dục ở Afghanistan trước khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. Vì thế, bà hiểu cách tốt nhất để chống chủ nghĩa cực đoan là trang bị kiến thức cho các cô gái. Năm 1970, bà tới Cambridge theo học đại học và nghiên cứu về giáo dục trẻ em giai đoạn đầu đời. Sau này, bà trở thành công dân Mỹ, có con trai và mở cửa hàng kinh doanh giặt sấy tại Duxbury.

"Đó là một hành trình dài, rất dài" - bà chia sẻ về quyết định mở một ngôi trường dành cho các em gái. Bà phải tìm địa điểm và quyên góp tiền. Nhưng phần khó khăn nhất chính là thuyết phục các gia đình, cộng đồng để họ cho các em gái đi học. 

"Chúng tôi vấp phải rất nhiều sự phản đối - bà Jan nhớ lại - Nhưng thời gian trôi qua, mọi chuyện tốt dần lên. Các phụ huynh thấy con cái nhà người khác học tốt, thế là họ cũng muốn con gái mình được như vậy. Vẫn còn những e ngại, nhưng họ đã cho phép con mình tới trường vì điều đó có lợi cho chúng".

Bà Jan vẫn nhớ trong buổi lễ tốt nghiệp khóa học đầu tiên, các em gái còn phải bị tách biệt bằng một tấm rèm, nhưng giờ các em có thể ngồi bất cứ đâu chúng muốn và cũng không cần phải che mặt nữa. Không giống các ngôi trường khác, Trường Zabuli không đuổi học em gái nào nếu em đó mang thai. 

"Đây là nơi nương náu cho các em, để chúng có một tương lai tốt trong bất cứ hoàn cảnh nào" - bà nói.

Còn theo bà Quigley, khi được học hành, có công việc, các bé gái "trở thành những giá trị của gia đình, vì thế họ sẽ không gả bán con mình". Một số em sau khi tốt nghiệp phổ thông đã học tiếp lên đại học Mỹ tại Kabul, một số em đã được trao học bổng đi học tại Istanbul.

Năm ngoái, ngay bên cạnh Trung tâm giáo dục Zabuli, bà Jan và các cộng sự trong tổ chức đã khai trương tiếp một cơ sở giáo dục khác là Viện Razia Jan, cũng tại thị trấn Deh’Subz, cách thủ đô Kabul khoảng 30 dặm về phía đông bắc. Đây là trường dạy nghề thứ hai được mở tại vùng nông thôn của Afghanistan, cung cấp các chương trình đào tạo nghề tiến bộ về lĩnh vực sức khỏe/hộ sinh và quản trị văn phòng.

Bà Jan nhận được rất nhiều huân/huy chương tưởng thưởng cho công tác xã hội đầy ý nghĩa này, nhưng vinh dự lớn nhất với bà vẫn là biệt danh "người mẹ của thị trấn Deh’Subz".

Bà Razia Jan đã trở về Afghanistan trong bảy năm để coi sóc ngôi trường dành cho các em gái, nhưng năm 2015 bà trở lại Mỹ vì lý do sức khỏe.

Bà Jan nói: “Lý do khiến tôi lạc quan đến vậy về sứ mệnh này là vì tôi hiểu đất nước Afghanistan đang rối bời, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, nhưng tôi trân trọng từng ngày trôi qua. Thật vui sướng khi được nhìn thấy niềm hạnh phúc trên gương mặt các em gái”.

Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi: Cơ hội để điều chỉnh Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi: Cơ hội để điều chỉnh

TTO - Tính chất tàn bạo của vụ nhà báo Khashoggi và sự tiền hậu bất nhất của phía Saudi Arabia đang làm tổn hại nghiêm trọng đến thể diện của vương quốc giàu có nhưng cũng đầy bí ẩn này.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên