Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2013.
Phóng to |
Nhiều ý kiến đề nghị phải đảm bảo chỗ ở, việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Trong ảnh: người dân trong khu quy hoạch “treo” dự án Trung tâm thương mại Bạc Liêu - Ảnh: Chí Quốc |
Hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp tổ chức với sự tham gia góp ý, phân tích của nhiều đại biểu.
Sinh kế cho nông dân mất đất
Ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng người dân bị thu hồi đất bức xúc vì nhà đầu tư thu hồi đất với giá thấp, sau đó bán lại với giá cao gấp nhiều lần. Toàn bộ chênh lệch từ việc đầu tư hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất “chạy” vào túi nhà đầu tư.
Vì vậy, cần phải phân chia phần chênh lệch địa tô (giá trị đất tăng thêm) này một cách hợp lý cho ba chủ thể: Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Một đại biểu khác cũng cho rằng cần phải quy định rõ ràng Nhà nước được bao nhiêu, chủ đầu tư được gì để họ có thể cân nhắc lời lỗ và người dân được chia bao nhiêu để tính toán và giám sát.
Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang cho rằng nguyên tắc cơ bản nhất trong bồi thường giải phóng mặt bằng là phải bảo đảm sinh kế cho người dân bị thu hồi đất.
“Người dân không phản đối chủ trương quy hoạch, làm dự án. Dân chỉ không đồng tình về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của Nhà nước” - ông Sang nói. Thực tế có đến 70% người dân tái định cư không ở nhà tái định cư mặc dù khu vực này có hạ tầng kỹ thuật, xã hội tốt hơn. Nguyên nhân là người dân về nơi ở mới không có việc làm, dù cho không nhà ở thì dân cũng bỏ đi.
TS Trần Du Lịch, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận định lâu nay Nhà nước lấy đất nông nghiệp để phát triển đô thị nhưng không tạo ra công việc làm phi nông nghiệp tương ứng cho lượng nông dân mất đất dẫn đến mâu thuẫn ở nông thôn.
Ông Lịch cho rằng Nhà nước nên tính toán lại chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng: “Không nên bồi thường một cục “tiền tươi” cho nông dân mà nên tạo điều kiện cho họ có chỗ ở ổn định, công ăn việc làm đàng hoàng, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn. Như vậy sẽ không ai đầu cơ tích trữ đất nông nghiệp giá thấp để chờ bồi thường, hỗ trợ giá cao”.
Nên áp một cơ chế bồi thường
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng Luật đất đai nên thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, chỉ nên thu hồi đất trong các trường hợp phục vụ an ninh quốc phòng, các dự án công ích. Còn các dự án khu đô thị, phát triển kinh tế, kinh doanh, khai thác khoáng sản... phải để chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.
Ông Nguyễn Hữu Tín nêu thực trạng: TP lâu nay sử dụng hai cơ chế thu hồi đất là Nhà nước thu hồi và chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân. Hệ quả là có sự chênh lệch về giá bồi thường giữa hai dự án trên cùng một khu vực, dẫn đến khiếu kiện của người dân.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, kiến nghị chỉ nên thống nhất một nguyên tắc là Nhà nước thu hồi đất, không để doanh nghiệp thu hồi đất của dân. Doanh nghiệp muốn đầu tư dự án phải tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Nhiều đại biểu dự hội nghị cũng đồng tình với đề xuất này. “Doanh nghiệp tự thỏa thuận sẽ bồi thường phần dễ, đẩy phần khó cho Nhà nước, đưa cơ quan nhà nước vào thế đối đầu với người dân bị thu hồi đất là không nên” - một đại biểu ý kiến.
Quyền lợi của người dân trong khu quy hoạch “treo” cũng được các đại biểu đem ra mổ xẻ. Ông Nguyễn Hữu Tín đặt vấn đề: Nhà nước quy hoạch sử dụng đất cho chiến lược lâu dài (15-20-30 năm), luật quy định ba năm rà soát điều chỉnh một lần.
Nhưng thực tế các địa phương rà soát xong, công bố không thay đổi quy hoạch thì có đúng không? Tại sao ở các nước trên thế giới quy hoạch 100 năm mà vẫn giữ được và người dân không hề bức xúc hay ta thán? “Vấn đề ở đây là quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch chưa được bảo đảm. Khi chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân được hưởng toàn bộ quyền lợi nhưng lại không được chuyển mục đích sử dụng đất nên muốn xây nhà cũng không được, vậy thì bán đất ai mua?” - ông Tín nói.
Thời gian qua, TP cấp giấy phép tạm cho dân xây dựng và cam kết không đòi bồi thường. Tuy nhiên, ông Tín khẳng định bản thân mình cũng chưa thấy thỏa đáng về phía người dân. Do đó, ông Tín kiến nghị nên cho người dân trong quy hoạch “treo” quyền sang nhượng, xây dựng bình thường trên đất. Khi nào Nhà nước thực hiện quy hoạch sẽ phải bồi thường cho dân.
Trưng mua, trưng dụng thay cho thu hồi đất Nhiều đại biểu kiến nghị Nhà nước không nên thu hồi đất và bồi thường cho dân mà nên áp dụng chế độ trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất của dân. Vì thực tế phần lớn diện tích đất người dân có được là do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không phải do Nhà nước giao nên Nhà nước không có quyền thu hồi. Hơn nữa, quyền sử dụng đất là một loại tài sản nên trưng mua, trưng dụng sẽ phù hợp với quy luật của quốc tế và cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. Và có trưng mua, trưng dụng thì Nhà nước mới có cơ sở để cưỡng chế thu hồi đất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận