Các bà mẹ ủ ấm cho con sau khi tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh chụp ngày 9-1 - Ảnh: L.ANH
Tại cuộc gặp báo giới ngày 18-1 bàn về phòng chống dịch bệnh dịp tết, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết năm 2018, đặc biệt 3 tháng cuối năm có trên 9.700 người mắc sốt phát ban nghi sởi, số có xét nghiệm dương tính với bệnh sởi gần 2.000 ca.
So với cùng kỳ 2017, số sốt phát ban nghi sởi cao gấp 21 lần, số có dương tính với bệnh sởi tăng 13 lần.
Trong các tuần đầu năm 2019, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam - vùng vốn không "truyền thống" của bệnh sởi như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM dịch cũng gia tăng mạnh.
Trong số trẻ mắc bệnh, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có trên 50% chưa tiêm chủng, gần 40% tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, có 10% các cháu tiêm đủ hai mũi vắcxin ngừa sởi.
Trả lời về việc tiêm ngừa đủ mũi vì sao vẫn mắc bệnh, ông Phu cho biết sởi là vắcxin có hiệu quả bảo vệ cao, nhưng cũng chỉ khoảng 90% người được tiêm chủng được bảo vệ.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin này đạt khoảng 95%, 5% còn lại không được tiêm chủng và sẽ tích lũy lớn dần, khi có mầm bệnh sẽ có nguy cơ gây dịch.
Sởi là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây, vụ dịch gần nhất là năm 2014 đã có trên 140 trẻ mắc sởi tử vong do biến chứng viêm phổi, tiêu chảy và nhiều bệnh khác.
Vì vậy phòng bệnh chủ động bằng vắcxin là cách các chuyên gia khuyến cáo.
Lịch tiêm chủng vắc xin sởi hiện 9 tháng (mũi vắcxin sởi đơn), 18 tháng (mũi sởi - rubella) và tại các vùng có nguy cơ xuất hiện dịch sởi, Bộ Y tế đang tiến hành chiến dịch tiêm nhắc mũi vắcxin sởi cho toàn bộ trẻ 1-5 tuổi.
Khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên đi tiêm ngừa sởi - rubella để phòng bệnh cho con sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận