26/07/2005 20:15 GMT+7

Người mắc bệnh tâm thần và vấn đề kết hôn

Theo Phụ Nữ VN
Theo Phụ Nữ VN

Luật hôn nhân và gia đình không cấm những người bị các bệnh thông thường trong đó có các bệnh tâm thần thể nhẹ kết hôn. Song thực tế cho thấy nhiều cuộc hôn nhân của người có liên quan đến bệnh tâm thần đã gây ra nhiều phiền toái, những hậu quả đáng tiếc.

TbDer7AH.jpgPhóng to
Luật hôn nhân và gia đình không cấm những người bị các bệnh thông thường trong đó có các bệnh tâm thần thể nhẹ kết hôn. Song thực tế cho thấy nhiều cuộc hôn nhân của người có liên quan đến bệnh tâm thần đã gây ra nhiều phiền toái, những hậu quả đáng tiếc.

Những chuyện buồn không muốn kể

Dù biết rõ anh Nguyễn Văn B mắc bệnh tâm thần từ lâu nhưng do “quá lứa lỡ thì”, lại bị gia đình ép buộc nên chị Trần Thị T vẫn quyết định về làm vợ anh B. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản: Trước kia gia đình anh B sống với anh không việc gì thì chị về làm vợ, sống chung một mái nhà với anh chắc cũng không làm sao. Vả lại, thấy những biểu hiện tâm thần của anh B cũng có vẻ “hiền” nên chị chẳng có chút đề phòng gì.

Đám cưới xong, vợ chồng chị được dọn đến ở riêng trong một căn nhà ở gần cánh đồng. Hàng ngày, chị T lo việc đồng áng, cơm nước cho chồng, quá trình chung sống của vợ chồng chị diễn ra yên bình, xuôn sẻ. Sóng gió, bất hạnh ập đến với chị T khi chồng chị ngày một nặng bệnh hơn với những biểu hiện “lên cơn” rất hung dữ. Anh thường xuyên đánh đập chị tàn nhẫn, hàng xóm đến can ngăn cũng bị anh hành hung. Gia đình chồng cũng sợ đòn của anh, nên tìm cách tránh xa. Nhiều lần, chị muốn bỏ về nhà mẹ đẻ nhưng sợ bị hắt hủi, chị cố cam chịu ở lại với anh B.

Khi chị mang thai tháng thứ 3, một đêm, đang nằm ngủ thì bị chồng cầm thanh gỗ phang tới tấp vào người, kết quả là đứa con của chị khi sinh ra ngoài chứng tâm thần bẩm sinh còn teo tóp chân tay. Nhiều lần chị ôm con sang nhà hàng xóm túc tá nhờ thì bị chồng lôi về đánh đập dã man. Chính quyền địa phương can thiệp bằng cách đưa anh vào bệnh viện tâm thần của tỉnh. Từ đây, chị mới thoát cảnh đòn roi của anh B nhưng hàng tháng phải ra vào bệnh viện thăm nom chồng, chị bảo “dù sao cũng là vợ chồng, không bỏ nhau được”.

Đã vậy, chị phải chăm bẵm đứa con tật nguyền, sống vô thức, không phát triển trí tuệ. Tương lai của cuộc đời chị chẳng có một tia hy vọng nào. Nhiều lần, chị toan tìm đến cái chết nhưng nghĩ đến đứa con xấu số, chị gắng gượng sống. Nhiều người ái ngại cho hoàn cảnh của chị, theo họ thì: Nếu chị không kết hôn với một bệnh nhân tâm thần như anh B, thì có lẽ ngay đến cuộc sống độc thân, không gia đình của chị vẫn còn có chút niềm vui hơn cuộc sống làm vợ, làm mẹ với bao nỗi bất hạnh chồng chất như hôm nay…

Khác với chị T, trước khi kết hôn đã biết rõ anh B mắc bệnh tâm thần, chị Nguyễn Thu H khi cưới xong mới biết chồng mình có mắc bệnh. Chuyện của chị như sau: Nhà anh Phạm Thế P (chồng chị) giàu có nhất làng, anh lại con một, chuyện anh bị tâm thần chỉ có người nhà biết (vì những biểu hiện của anh không rõ ràng lắm, chỉ là việc ít nói, không thích giao tiếp với mọi người).

Người nhà anh dạm hỏi bao cô gái trong làng, nhưng các cô đều chê anh ít nói, khó gần. Khi nhà anh P đánh tiếng dạm hỏi chị H, gia đình chị vui mừng ra mặt vì chị được làm dâu một gia đình giàu sang, sẽ có một cuộc sống sung sướng. Chưa tròn một tuần tìm hiểu, gia đình anh P sang nhà chị H xin làm đám cưới, dĩ nhiên nhà chị đồng ý ngay. Một đám cưới linh đình được tổ chức. Bên nhà anh B mãn nguyện vì từ nay anh P có người chăm sóc, đỡ làm khổ bố mẹ, còn gia đình chị H yên tâm vì chị được “đổi đời” (nhà chị vốn nghèo, cả nhà sống lam lũ bằng cái nghề gặt hái thuê).

Sống với anh P được vài ngày, thấy anh đêm đêm thức dậy nói cười một mình, lại hay vứt đồ đạc xuống giếng, chị H sinh nghi. Chị hỏi mẹ chồng về những biểu hiện tâm thần của anh thì được mẹ anh P xác nhận là anh mắc chứng bệnh tâm thần bẩm sinh, chị đã là vợ rồi thì phải có trách nhiệm chăm sóc anh.

Sự ân hận của chị H cũng như gia đình chị lúc này đã quá muộn màng. Mỗi ngày, chị cố nhẫn nhịn chăm sóc chồng. Tuy không đánh đập chị H, nhưng anh P thường xuyên bắt vợ quan hệ tình dục một cách bệnh hoạn, nếu chị không đồng ý anh lại chạy ra đường la hét trong trạng thái “không một mảnh vải che thân”. Chị bỏ về nhà mẹ đẻ, anh P đến tận nơi đòi “quan hệ” trước mặt mọi người. Không muốn làm khổ bố mẹ, chị H tiếp tục về chung sống với người chồng bệnh hoạn.

Cũng như bao bệnh nhân tâm thần khác, anh P không chịu uống thuốc nên bệnh ngày một nặng hơn. Dần dần, anh mắc chứng hoang tưởng, luôn cho rằng có ai đó luôn giết mình. Một buổi sáng, cả nhà thức dậy, thấy anh P treo cổ tự vẫn ở ngoài vườn. Trong đám tang anh, cả nhà chồng xúm vào hành hạ, chửi rủa chị H đã không chăm sóc chồng. Bất chấp chị đang bụng đang dạ chửa, cả nhà đuổi chị đi, không cho mang theo đồ đạc gì.

Chị H đến vùng biên giới sinh sống, định lấy đứa con làm nguồn an ủi song hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã không đến với chị. Đứa con gái chị sinh ra cũng mắc bệnh tâm thần thể nhẹ. Ngày ngày, chị chạy vạy khắp nơi lo chữa bệnh cho con. Dù nhiều cơ sở y tế đã khuyên chị nên chấp nhận sự thật là bệnh con chị không chữa được (vì là di truyền) nhưng chị không chịu tin. Cứ làm được ít tiền chị H lại ôm con tìm đến bác sỹ cầu cứu, chị bảo sẽ chữa cho con đến khi nào chị không đủ sức tìm ra tiền nữa…

Lời khuyên của bác sỹ

Hiện nay, cả nước có khoảng 5 – 7% dân số mắc bệnh về tâm thần. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh – Phó giám đốc bệnh viện tâm thần Trung ương xét về mặt y học biểu hiện của bệnh nhân tâm thần là khá phức tạp, người bệnh thường có những suy nghĩ hoang tưởng, hành vi bộc phát và những biểu hiện của bệnh rất khó đoán trước.

Do đó, người bệnh tâm thần không có sự đảm bảo một cuộc sống gia đình yên ổn và sự an toàn cho người thân trong gia đình. Gia đình người bệnh tâm thần cần có những kỹ năng chung sống cần thiết và vấn đề quan trọng ở đây là: Người mắc bệnh tâm thần kết hôn hay không đều cần có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa.

Cũng theo nhiều bác sỹ chuyên khoa tâm thần: Trong trường hợp mắc bệnh nhẹ (như trầm cảm) người bệnh có thể kết hôn nếu tìm được người yêu thương. Trong trường hợp này cũng có thể coi đó cũng là cách trị bệnh. Nhưng nếu bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày và càng có xu hướng tăng nặng thì không nên kết hôn để tránh những bi kịch xảy ra cho gia đình. Và trong bất cứ tình huống nào, người mắc bệnh tâm thần cũng hạn chế sinh con để không ảnh hưởng đến sức khoẻ con cái sau này…

Một vấn đề khác ở đây là: Trước khi tiến hành một cuộc hôn nhân luôn cần có sự tìm hiểu, suy xét kín đáo. Và đặc biệt trước khi đi đến kết hôn với một người có mắc bệnh tâm thần thì càng cần sự suy tính cũng như tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho cuộc hôn nhân của cuộc đời mình, để không ai phải gánh chịu những kết cuộc buồn, những nỗi đau không thể hàn gắn được…

Theo Phụ Nữ VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên