Phóng to |
Nơi này từ bao lâu rồi không có lời ru à ơi, không lời ca hát, không biết cả năm sinh tháng đẻ của chính mình, ngay cả con trâu vào ăn lúa họ cũng chỉ đứng nhìn mà không dám xua đuổi...
Bó đũa mừng tuổi và một giấc mơ...
Đây là lần thứ hai tôi lội bộ vào bản Rào Tre nơi có 120 người thuộc tộc người Mã Liềng (một nhánh thuộc nhóm người Chứt) đang cư ngụ dưới chân núi Ka Đay (thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Chiều gió lạnh, tôi vác balô lội qua suối đá Rào Tre ngược lên thấy bản vắng lặng, chỉ còn mỗi cụ già lưng địu đứa nhỏ đứng trầm ngâm trước hiên nhà. Miệng cụ ngậm điếu thuốc rê to gần bằng quả chuối cau quấn bằng lá tài măng đang thả mùi khét lẹt. Tôi hỏi tên, cụ bảo cứ gọi bà Hồ Mẹt là được.
Tôi hỏi bà con đi đâu để bản vắng hiu thế này, cụ Hồ Mẹt chỉ tay về phía dưới cánh đồng, nói: “Chúng nó đang đi cày dưới đó!”. Điều ngạc nhiên là cụ nói tiếng Kinh khá sõi nhưng khi tôi hỏi tuổi, cụ lắc đầu: “Chịu, quên đi rồi”. Luẩn quẩn bên cụ già, tôi mới ngớ ra, cụ không biết tuổi mình thật nhưng những chuyện ngày xưa cụ vẫn còn nhớ như in.
“Ngày xưa khổ lắm, muốn có cái ăn, cái mặc phải trèo lên tận đỉnh núi kia để tìm vỏ cây độp về đập ra làm áo, đào củ nâu để ăn, ngày xưa làm gì có nhà, chỉ ở lều đơm bằng lá vàng thôi, suốt ngày lang thang trong rừng khổ thân lắm!”. Cái ngày xưa mà cụ Hồ Mẹt tâm sự với tôi cả buổi chiều vàng dưới chân núi Ka Đay đâu phải xa xôi gì cho cam.
Năm 1958 trong một chuyến băng rừng tiễu phỉ, các chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh phát hiện có một nhóm “người rừng” sống chui rúc trong những hốc đá ẩm ướt hoặc dưới những túp lều lá cọ vàng dọc bờ suối Rào Tre. Chưa xác định đây là bộ tộc nào nhưng tỉnh ủy đã cử một đoàn cán bộ lên rừng “cắm bản” để tìm hiểu.
Ông Hồ Hiến - nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hương Kha, một người quen biết của tôi, là người “cắm bản” đầu tiên - kể: “Tôi và bốn người được phân công cùng đi “cắm bản” gian khổ vô cùng, gần sáu tháng ăn cháo sắn, ngủ lều lá cọ với đồng bào để tìm hiểu, dò la nguồn gốc của họ. “Người rừng” thì quen sống ở rừng, họ lầm lũi đi tìm cái ăn, còn mình thì...”.
Quá khổ cực, bốn người lần lượt thay nhau rút về còn mỗi mình Hồ Hiến ở lại bám trụ, và ông đã bám trụ suốt 24 năm trời để tìm hiểu và vận động bà con Mã Liềng ra khỏi rừng khỏi hang về dưới chân núi sống định canh định cư, trồng sắn, trồng ngô và học chữ. Ông được tộc người này xem như ân nhân đặc biệt của họ. Ông còn là người dạy cho họ biết “muối, gạo, quần áo mà người Mã Liềng có được đều là công ơn của Bác Hồ”.
Vì vậy mà bà con đồng ý lấy họ Bác Hồ đặt họ cho mình để ghi nhớ công ơn. Do sống quá lâu với người Mã Liềng, được xem như người cùng tộc nên Hồ Hiến cũng đổi họ cùng với người Mã Liềng bởi tên thật của ông là Trần Văn Hiến.
Có lẽ do đời sống nghèo đói triền miên nên trong dịp tết lấp lỗ người Mã Liềng thường tặng nhau bó đũa xem như quà mừng tuổi (ý chúc có nhiều cơm gạo dể dùng hết bó đũa này). Tết lấp lỗ cũng là dịp Hồ Sen (ngoài 40 tuổi, đang chung sống với em trai của chồng sau khi chồng qua đời) mang chiếc đàn trbon ra kéo.
Chiếc đàn làm bằng ống nứa dài chừng 50cm, có hai sợi dây cước mắc song song theo thân ống nứa. Cái cần kéo qua dây cước là một thanh nứa mềm, mỏng giống như cây vĩ kéo nhị của người Kinh. Hồ Sen ngồi trên bục cửa, đưa lưỡi liếm theo chiều dài thanh nứa để làm ướt thanh nứa rồi kéo mà mặt buồn rười rượi, mặc cho lời bài hát do chị sáng tác toàn là những câu cảm ơn bộ đội biên phòng được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Chị hát chậm rãi trong tiếng đàn trầm đục hòa theo. Hồ Sen nói: “Cái trbon này là nhạc cụ duy nhất, hồn vía nhất mà tộc người Mã Liềng có được từ ngày xưa khi còn ở tận trong hang hốc rừng sâu”.
Cuộc “cắm bản” thứ hai
Phóng to |
Trưởng bản Hồ Kính đang tập kéo đàn trbon |
Trong những ngày sống với người Mã Liềng dưới chân núi Ka Đay, tôi được nghe nhiều người nhắc lại một câu chuyện cảm động: khi được biết tộc người Mã Liềng ở Hà Tĩnh chỉ còn hơn trăm người và đang sống trong tình trạng khó khăn,
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã hỏi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh: “Không lẽ hơn triệu dân Hà Tĩnh lại để cho trăm người Mã Liềng đói ăn, đói mặc?”. Lực lượng tiên phong vẫn là các chiến sĩ bộ đội biên phòng. Những người lính mang quân hàm xanh lại được phân công vào cắm chốt tại bản Rào Tre để “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con Mã Liềng.
Nhiều chiến sĩ đã bất ngờ khi nhận ra cho đến lúc ấy (năm 2001), người Mã Liềng vẫn còn chưa biết đến cục xà bông hay cây kem đánh răng. Những người lính mỗi ngày phải tổ chức đánh kẻng cho bọn trẻ nhớ giờ đi tắm và thay nhau tắm cho từng đứa trẻ Mã Liềng và chỉ chúng cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng xà bông, bàn chải đánh răng...
Ra khỏi chốn rừng sâu đã hơn 40 năm, nhưng người Mã Liềng vẫn ngây thơ đến tội nghiệp. Nhiều người đói đến vàng mắt, mỗi năm ăn rau rừng, sắn rừng, mà khi có mấy tay “nhất phá sơn lâm” vào gạ gẫm đổi một chai rượu lấy một con trâu, họ cũng vui lòng cho đổi và rượu thì uống cạn ngay khi con trâu bị dắt đi chưa khuất bóng.
Đã có hàng chục con trâu từ chương trình hỗ trợ của Ban Dân tộc miền núi tỉnh Hà Tĩnh đã “chui qua miệng chai rượu” như cách nói của người Mã Liềng. Mà ngay cả việc chăn trâu họ cũng hồn nhiên lắm.
Khi bộ đội chỉ cho dân cách trồng lúa, dắt trâu đi cày, lúa vừa trổ thì con gái, trâu xuống đồng ăn lúa, cả làng Mã Liềng đứng trên bờ... nhìn trâu và thắc mắc: “Vì sao con trâu lại đi ăn lúa của mình nhỉ, không biết có nên đuổi con trâu đi không!?”. Đến khi bộ đội hô hoán xuống đuổi trâu, họ mới chậm rãi xuống đồng đuổi theo... Cái tuổi của bản thân còn không biết, người Mã Liềng cứ vô tư sống như con ong, con bướm bay trong rừng...
Duy nhất trong bản Rào Tre chỉ có trưởng bản Hồ Kính biết mình năm nay đã 39 tuổi. Anh cũng là người duy nhất biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, không như nhiều người khác học đi học lại lớp xóa tái mù chữ của bộ đội biên phòng mà vẫn chỉ “nhớ con chữ láng máng nên không đọc và viết được”.
Hôm tôi đến bản Rào Tre thì Hồ Kính mới đi rừng về, mồ hôi ướt đầm mái tóc dài như muốn trùm kín cả khuôn mặt sạm đen. Anh bảo tranh thủ khi cấy lúa xuân xong ta vô rừng tìm ít mật ong về cải thiện đời sống. Nghề đi lấy mật ong cũng là nghề chính của người Mã Liềng.
Có phải vì Hồ Kính biết nhớ tuổi, biết đọc, biết viết, biết đuổi con trâu phá rào vào ruộng ăn lúa, biết vận động bà con tham gia sản xuất nên anh mau chóng trở thành người đảng viên đầu tiên của bản Rào Tre và được bầu làm ủy viên MTTQ tỉnh Hà Tĩnh - người được xem là “thành đạt” nhất trong cộng đồng 120 người Mã Liềng dưới chân núi Ka Đay.
Hồ Kính bảo: dân số bản ta nay đã tăng lên được một ít. Năm 1958 có bảy hộ gia đình với 94 nhân khẩu, đến nay đã có 26 hộ với 120 nhân khẩu. Bây giờ đã hạn chế được cảnh “sinh nhiều chết nhiều” nhưng còn nhiều chuyện phải sửa lắm. Ví như chuyện “đói không lo, no không mừng” hoặc thấy trâu vào ăn lúa cũng mặc kệ, hoặc phải chờ bộ đội biên phòng đánh kẻng mới giục bọn trẻ xếp hàng đi tắm...
Khi Hồ Kính trở thành đảng viên thì bản Rào Tre xuất hiện chi đoàn thanh niên gồm 14 người, rồi chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, từ những bước đi tiên phong của những người lính biên phòng, 120 người Mã Liềng đã được cấp chứng minh nhân dân. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời họ được nhìn thấy chân dung của họ, cả làng vui lắm, tiếng đàn trbon lại vang vọng khắp núi rừng...
--------
* Kỳ sau: Khi người A Rem rời hang đá
-------------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 2: Ơ Đu - bộ tộc 300 người- Kỳ 1: Đan Lai - bộ tộc chốn “sơn cùng thủy tận”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận