Cô Ái là người má, người bạn của 23 thế hệ sinh viên Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: V.P.
Như thường lệ, đầu giờ mỗi buổi học, má Ái lại đi quanh trường, khu phòng học để giám sát sinh viên. Bạn nào không thực hiện đúng quy định như nhuộm tóc quá nổi, mặc quần "rách tả tơi", áo quá ngắn sẽ ngay lập tức bị nhắc nhở.
Đó là công việc cô Ái đã thực hiện suốt 23 năm trong lịch sử 25 năm của trường đại học này. Năm nay 72 tuổi, cô nói chỉ sợ khi nào đó không còn đủ sức để tiếp tục công việc đã gắn bó suốt 23 năm qua.
"Bà già" nghiêm khắc
Cô nghiêm khắc đến mức khắp các diễn đàn sinh viên trường đều có cảnh báo: vô trường cẩn thận với má Ái.
Em Ngọc Nghĩa, sinh viên năm nhất ngành quan hệ công chúng, chia sẻ: học kỳ đầu tiên học online, không lên trường, tuy nhiên trên các diễn đàn đều có cảnh báo khi đi học trực tiếp, ăn mặc phải chỉnh tề, không là bị má Ái "xử".
"Khi đi học trực tiếp, thấy má Ái từ xa là mình tránh vì cũng sợ. Có lần mình đi trả đồ dùng dạy học, má kêu lại hỏi ăn gì chưa rồi dúi cho mớ trái cây. Từ đó mình hay bắt chuyện với má, nói chuyện nhiều thấy má gần gũi và quan tâm sinh viên như con. Má chỉ nghiêm khắc để rèn luyện tác phong cho các bạn. Má miệng cứng nhưng ruột mềm" - Nghĩa chia sẻ.
Không chỉ sinh viên mới, những cựu sinh viên cũng có nhiều ấn tượng về sự nghiêm khắc của cô Ái. Anh Nguyễn Tấn Trung, sinh viên khóa 2002-2006, vẫn nhớ như in thời mới vào trường, ngổ ngáo, quậy, hay ngủ trong giờ học. Những sinh viên "ngổ ngáo" ngày ấy thường bị cô cho ăn roi khi không làm đúng quy định.
Anh kể thời đó sinh viên nghèo, nhiều khi anh đến trường với cái bụng đói. Má biết. Vậy là má nấu thêm ít phần cơm đem đến trường chia sẻ cho những sinh viên như anh.
"Bạn nào tóc dài quá, nhuộm xanh nhuộm đỏ sẽ bị cắt, đi học trễ bị ăn roi. Nhiều bạn thực sự khó khăn, mặc quần rách đi học chứ không phải mốt như bây giờ. Má nhắc nhở nhưng sau đó sẽ tìm hiểu và tặng các bạn quần áo không phải mới nhưng lành lặn.
Mùa Noel, má mua quà rồi hóa trang thành "bà già Noel" đến từng phòng trọ của các bạn sinh viên khó khăn để tặng. Má cảm hóa các bạn bằng chính tình thương của mình. Khởi đầu bằng kỷ luật nhưng má luôn kết thúc bằng tình thương" - anh Trung nhớ lại.
Mỗi mùa Giáng sinh về, má Ái trở thành “bà già Noel” phát quà cho sinh viên - Ảnh: V.P.
Những thế hệ sinh viên Văn Hiến, hẳn mỗi người sẽ có những ấn tượng và kỷ niệm với cô quản lý sinh viên khó tính này. Anh Ngô Xuân Hào, sinh viên khóa 2003-2007, cho biết thời sinh viên rất nhiều bạn bị cô quất roi vì tác phong chưa đúng nhưng mỗi khi họp lớp, mọi người vẫn luôn nhắc về những kỷ niệm đó.
Cô Ái kể, trong một dịp sinh viên cũ họp lớp có mời cô, các bạn chia sẻ thật lòng: thời sinh viên, ngoài miệng kêu má Ái nhưng trong lòng thực sự rất ghét vì má quá nghiêm khắc. Nhưng khi ra trường, đi làm, va vấp người đời mới nhớ những điều cô đã rèn cho mình khi còn là sinh viên như tác phong, kỷ luật, cách giao tiếp.
"Một nữ sinh viên mặc váy ngồi gác chân lên ghế, tôi sẽ nhắc nhở ngay. Tác phong như vậy sẽ thành thói quen, mai mốt các bạn đi làm, ra đời mà tự do làm theo ý mình như vậy sẽ không tốt" - cô chia sẻ thêm.
Cảm hóa bằng tình thương
Nhắc về quãng thời gian dài làm "bà già khó tính" của mình, cô Ái nói nhớ nhất trường hợp một nam sinh viên rất quậy cách đây nhiều năm.
"Khi sinh viên này đánh cả bảo vệ trường, tôi đã đánh sinh viên một bạt tai và hét lên: Con còn làm khổ má đến bao giờ? Khi gần tốt nghiệp, sinh viên này đã nói địa chỉ nhà và mời tôi khi nào đến nhà chơi. Bạn nói đã bị nhiều trường đuổi học. Chưa ai đánh bạn, kể cả ba mẹ và tôi là người làm điều đó. Bạn giận nhưng cũng phần nào làm bạn thức tỉnh" - cô Ái chia sẻ thêm.
Nói về việc chọn cách nghiêm khắc với sinh viên, cô Ái nói sinh viên đa số từ tỉnh lên, không có ba mẹ, người thân bên cạnh. Lần đầu tiên rời xa sự giám sát của cha mẹ, khát khao tự do khiến các bạn có thể nổi loạn và làm những điều thiếu suy nghĩ. Mình không thể theo sát các em nhưng phần nào đó hướng dẫn và định hướng các em, phần nào chia sẻ những khúc mắc gặp phải.
"Có lần một nữ sinh viên cứ đi qua đi lại trước phòng tôi. Tôi đoán có chuyện nên hỏi, em khóc. Tôi đưa em đi gặp bác sĩ. Em bị bệnh phụ khoa do môi trường ở trọ ẩm thấp nhưng em ngại và không dám nói với ai, không biết xử lý thế nào" - cô chia sẻ thêm.
Má Ái "miệng cứng, ruột mềm" của nhiều thế hệ sinh viên Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: V.P.
Bùi Ngọc Hải, sinh viên năm nhất, cho biết trước khi học trực tiếp đã nhận được nhiều cảnh báo về sự nghiêm khắc của cô Ái, nhất là về tác phong ăn mặc. Hải nói "mình tưởng chỉ học sinh phổ thông mới bị kiểm soát về quần áo, nhuộm tóc, không ngờ học đại học rồi vẫn quản lý như vậy. Lúc đó mình thấy rất lạ. Nhưng khi vô trường, tiếp xúc với cô mới vỡ lẽ nhiều điều. Đó cũng là cách để tạo cho các bạn thói quen ứng xử phù hợp với từng môi trường, tự do trong mức độ hợp lý" - Hải nói.
Trong khi đó cô Ái cho rằng sinh viên đã 18 tuổi, đủ để chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Trường không cấm các bạn nhuộm tóc nhưng đừng quá lố.
"Nhiều sinh viên nói tôi già, cổ hủ nhưng tôi cho rằng môi trường nào phải có tác phong phù hợp với nó. Bạn mặc một cái váy hàng hiệu chục ngàn đôla màu đỏ chói đi dự đám tang, nó đẹp đó nhưng chắc chắn không phù hợp, người ta sẽ đánh giá về cách bạn ăn mặc" - cô chia sẻ thêm.
Năm nay 72 tuổi, cô Ái vẫn còn khỏe, vẫn rảo bước khắp trường. Cô nói hạnh phúc với công việc mình đã và đang làm. Tự hào nghề nghiệp lớn nhất của cô đó chính là cảm hóa được sinh viên bằng chính tình thương và sự nghiêm khắc của mình.
"Tôi chỉ sợ khi nào đó mình không còn sức khỏe để tiếp tục làm công việc này nữa. Trường chắc chắn sẽ tuyển người thay thế nhưng liệu họ có làm như mình đã từng làm không" - cô Ái lo lắng.
Uốn nắn thái độ
Anh Nguyễn Tấn Trung - giám đốc Trung tâm chăm sóc người học Trường ĐH Văn Hiến - chia sẻ nhiều sinh viên nói rằng má Ái quá nghiêm khắc về cách ăn mặc, tóc tai, có lẽ các bạn chưa hiểu được tâm ý của cô.
Anh giải thích thêm, một sinh viên ngành du lịch, nhà hàng khách sạn mà không tạo được thiện cảm cho khách hàng từ vẻ ngoài của mình sẽ ảnh hưởng đến nghề nghiệp sau này. Khi không tôn trọng bản thân, tôn trọng nghề nghiệp thì sẽ không học được cách tôn trọng người khác, tôn trọng khách hàng.
Thái độ của một người rất quan trọng và việc nghiêm khắc ấy chính là cách uốn nắn để các bạn sau này khi đi làm đỡ phải va vấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận