18/12/2015 08:50 GMT+7

Người lớn làm gương

NGUYỄN NGỌC HÀ
NGUYỄN NGỌC HÀ

TT - Tôi không biết Tuổi Trẻ chụp hình vượt đèn đỏ ở đâu mà toàn người trẻ, chứ tôi luôn thấy người lớn (tuổi trên 30) vượt đèn đỏ và xả rác ngay trong cửa hàng.

Nhiều người trẻ âm thầm phát áo ấm bằng tiền của chính mình cho những người không nhà tại các gầm cầu, bến xe… - Ảnh: N.N.H.
Nhiều người trẻ âm thầm phát áo ấm bằng tiền của chính mình cho những người không nhà tại các gầm cầu, bến xe… - Ảnh: N.N.H.

Mua bịch bánh mở bọc lấy bánh ăn và bỏ xuống ngay dưới chân, chen lấn giữa hàng cũng là người lớn... Vì vậy đừng trách người trẻ khi họ bày những thói quen xấu trên đường phố.

Người lớn từng làm việc thiện như đặt thùng nước uống miễn phí, mở quán ăn 2.000 đồng, quyên góp quần áo tiền bạc cho người cơ nhỡ..., thì hiện nay cứ đến cuối năm hay những ngày tết trẻ em, nhiều người trẻ âm thầm mang áo ấm, nấu bánh chưng bánh tét, làm lồng đèn và tự đi phát quà cho trẻ nghèo hay người không nhà. Bên cạnh những gương tốt, không ít người lớn làm gương xấu cho trẻ như vượt đèn đỏ, xả rác, hút thuốc, chen lấn...

Ngoài ra, cần có sự tích cực của cảnh sát giao thông tại các ngã tư. Phải phạt thật nặng người đi ngược chiều. Trên đường Hoàng Sa, Trường Sa là hai nhánh xe chỉ một chiều, thế nhưng luôn có những chiếc xe vô tư đi ngược chiều mà cầm lái là người ngoài 30. Vì thế cần đội ngũ cảnh sát giao thông trực chiến để tạo thói quen tốt cho những người lớn này nhằm làm gương cho người trẻ.

Một thời tại Sài Gòn này trên những con đường một chiều như Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần hiện nay), Nguyễn Đình Chiểu..., người ta đặt bảng (cố định) nhắc nhở “Người có giáo dục và tự trọng không đi ngược chiều”. Hoặc ở các ngã tư cũng có những bảng (cố định) nhắc nhở tương tự “Người có giáo dục và tự trọng không vượt đèn đỏ”.

Vì vậy xem những bức ảnh Sài Gòn xưa người ta luôn thấy cảnh xe dừng đúng vạch vì không ai muốn mình trở thành người vô giáo dục và thiếu tự trọng. Chúng ta không nên hô hào sáo rỗng hoặc cứ trách người trẻ mà chính người lớn không làm gương cũng như không biết cách nhắc nhở để tạo cho người trẻ thói quen ứng xử nơi công cộng.

Tiền để vẽ băngrôn, apphich tuyên truyền sáo rỗng, chúng ta nên dùng vào những chiếc bảng với lời lẽ cứng rắn như thế mới khơi dậy “dây thần kinh mắc cỡ” nơi nhiều người. Như thế mới tạo những thói quen tốt nơi người lớn để thành tấm gương sáng cho người trẻ noi theo.

Người lớn nhìn lại bản thân

Trước khi nói về những hành vi chưa đẹp của các bạn trẻ, theo tôi, người lớn nên nhìn lại bản thân xem mình đã hành động đúng chưa, khi hằng ngày lưu thông trên đường tôi đã chứng kiến cha mẹ chở con đi học cứ vô tư leo vỉa hè khi kẹt xe, hay cho xe chạy chậm lại để con quăng thẳng bịch nước đã uống xong xuống vỉa hè.

Thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tất cả học sinh, thậm chí là sinh viên đều được dạy những điều hay lẽ phải, những vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan nơi công cộng... Học là vậy nhưng khi rời khỏi lớp có mấy ai áp dụng vào thực tiễn cuộc sống? Bởi nếu họ thực hiện những điều tốt trên, bao nhiêu cặp mắt nhìn vào như thể họ là “dị nhân” dù cách làm đó xứng đáng được khen ngợi.

Người lớn là tấm gương để con trẻ học theo, nhưng dường như chúng ta quên mất điều này mà chỉ chăm chăm đổ lỗi cho con trẻ. Nói đâu xa, khi đến bệnh viện, siêu thị, toàn thấy người lớn chen lấn mà không có chút gì gọi là văn hóa xếp hàng. Thật mất tác dụng khi một mặt nhà trường cứ hô hào khẩu hiệu này nọ nhưng khi trở về cuộc sống đời thường thì hoàn toàn ngược lại. Riết rồi trở thành thói quen, mà một khi là thói quen thì khó sửa được.

THANH THÚY

NGUYỄN NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên