Đại tá - liệt sĩ Trương Hồng Anh và vợ Khánh Hà trong những tháng ngày ngắn ngủi bên nhau - Ảnh chụp màn hình
"Người lính không sợ chết, nhưng người lính nào cũng muốn về nhà! Điều gì khiến ba đi qua những mùa khô phải uống nước trong từng vũng bùn? Phải vĩnh biệt một người lính vừa nằm xuống trong rừng khộp trơ trụi lá?
Có một lá thư ngắn ba viết cho mẹ từ chiến trường Đông Bắc, một cái tết ba không thể về nhà: Em và con thương nhớ, cơn gió rét sẽ trôi qua, tia nắng ấm và làn gió lành sẽ đến... Mẹ con em hãy vui lên để mùa xuân yên lành!".
Đó là những lời đầu tiên mà Khánh Hồng - cô con gái của đại tá Trương Hồng Anh, sư đoàn trưởng sư đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia - nói trong những thước phim mở màn của Ba tôi. Khánh Hồng mất ba từ khi còn đang bi bô tập nói.
Câu chuyện về việc thực hiện bộ phim này, cùng những cảm xúc cá nhân, lần đầu tiên được nhà làm phim Đoàn Hồng Lê chia sẻ với Tuổi Trẻ vào ngày kỷ niệm đặc biệt 7-1 năm nay.
Điều chạm đến trái tim tôi nhất chính là những bức thư đôi vợ chồng trẻ gửi cho nhau trong những năm thiếu thốn đó. Như một lá thư của đại tá Hồng Anh viết cho vợ: “Hà em, những ngày của tháng 1 này rất nhớ và trông thư em nhiều. Em, trong cuộc sống và tình yêu của mình phải tự vẽ nên một bức tranh thật đẹp. Bức tranh ấy nếu treo ở phòng riêng hay nơi công cộng cũng đều làm người xem rất sinh động vì có khả năng hướng cho tuổi trẻ một tương lai đầy phấn đấu…”. Bức thư cuối cùng bà Khánh Hà gửi cho chồng hay bức thư về chiếc giường gỗ đơn vị lén tặng mà đại tá Trương Hồng Anh nhắc vợ “phải thận trọng với những vấn đề liên quan đến vật chất”... Những bức thư nhắc nhớ một thời sống trong khó nghèo nhưng người ta đầy ý thức về phẩm giá và tình yêu.
Nhà làm phim ĐOÀN HỒNG LÊ
Chiến tranh nhìn từ cánh thư
* Cơ duyên nào đã đưa chị đến câu chuyện của đại tá Trương Hồng Anh và vợ của ông, bà Khánh Hà, trong bộ phim tài liệu Ba tôi?
- Đầu năm 2018, tôi nhận được kịch bản phim của anh Nguyễn Anh Tuấn, Đài PT-TH Quảng Ngãi, viết về cuộc đời đại tá - liệt sĩ Trương Hồng Anh, một người Quảng Ngãi, sư đoàn trưởng sư đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Ông là sư đoàn trưởng trẻ nhất toàn quân vào năm 36 tuổi, sự hi sinh của ông là tổn thất lớn của quân đội Việt Nam.
Lúc đầu tôi ngần ngại không muốn nhận làm bộ phim này, vì nghĩ chiến tranh qua đi đã lâu, liệu khán giả còn muốn xem những bộ phim tài liệu về người lính? Tôi phải tiếp cận lịch sử theo cách nào đây?
Nhưng khi gọi điện thoại cho người con gái của đại tá Trương Hồng Anh, và đặc biệt sau cuộc trò chuyện với bà Khánh Hà - vợ của đại tá, biết rằng bà còn giữ nguyên vẹn những bức thư họ gửi cho nhau từ khi mới quen, đến lá thư cuối cùng bà viết cho chồng mà lá thư còn chưa kịp đến tay người nhận.
Cuối cùng bà nhận lại bức thư còn nguyên tem đó trong chiếc rương đựng di vật tử sĩ gửi về từ chiến trường Dangrek...
Tôi đã nghĩ nhiều về câu chuyện tình này, quyết định đại tá Trương Hồng Anh sẽ hiện ra trong mắt người xem như một người chồng - người cha - người đồng đội, chứ không phải một vị tướng ngoài chiến trận.
* Và chị đã bắt đầu hành trình của Ba tôi như thế nào?
- Tôi bắt đầu quay cuộc sống của bà Khánh Hà và cô Khánh Hồng - con gái duy nhất của đại tá Trương Hồng Anh - vào tháng 5 năm ngoái, ngay trước ngày giỗ của ông. Bà vẫn sống một mình trong căn hộ 30m2 ở tầng 5 khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội, cùng những kỷ vật của người chồng đã khuất.
Lần giở từng món đồ được bao bọc cẩn thận, có khi bà chảy nước mắt, có khi khúc khích cười như cô thiếu nữ vừa mới biết yêu lần đầu. Trong các kỷ vật, có chiếc khăn tay thêu đôi chim nhỏ ngày hai người mới quen biết, đôi bao tay len trắng đã ngả màu mà đại tá Trương Hồng Anh mang trong ngày cưới của họ. Nhìn cảnh ấy tôi hiểu vì sao mối tình này đã sống với bà cả một đời.
Chuyến đi tìm lại những mảnh vỡ
* Quá trình thực hiện một bộ phim thấm đẫm tình yêu diễn ra ra sao và hẳn là đã để lại cho chị những cảm xúc đặc biệt...
- Trong chuyến đi cùng bà Khánh Hà và con gái trở lại chiến trường Dangrek, chúng tôi gặp người dẫn đường là anh Đặng Xuân Thu - phóng viên đã có mặt trên chiếc xe định mệnh đưa đại tá Trương Hồng Anh đi xem xét chiến trường sau trận đánh.
Chiếc xe trúng mìn của quân Pol Pot, đại tá hi sinh, anh Xuân Thu may mắn sống sót. Chúng tôi ở cùng một khách sạn tại Siem Reap, nhưng tôi giữ kín để hai bên chỉ gặp nhau lần đầu tiên trên con đường đến núi Dangrek, như trong phim, đặng giữ cho họ cảm xúc thật.
Và rồi chúng tôi lần tìm đến sát chân núi Dangrek. 35 năm trôi qua, rừng đã phủ xanh chiến trường ngày trước. Anh Xuân Thu cố gắng xác định con đường mòn chạy vòng chân núi... Bầu trời mùa khô xanh ngắt, một con chim "bắt ma" chao liệng cứ kêu lên từng tiếng khắc khoải khắc khoải.
Chúng tôi hỏi thăm người dân Campuchia đi ngang qua đó. Bà Khánh Hà đứng cách ra một quãng, chắp tay cầu nguyện linh hồn đại tá Trương Hồng Anh. Và rồi đằng xa, người phiên dịch của chúng tôi chạy đến: "Đã tìm ra xác xe rồi!".
Lúc đó đúng 12 giờ trưa. Một người dân Campuchia đưa chúng tôi về rẫy hoa màu bên nhà mình, nơi đó bà Khánh Hà đã nhìn thấy những mảnh vụn còn lại của chiếc xe chở đại tá.
* Ba tôi cho người xem thấy sự can trường của những người lính tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh Campuchia, nhưng đồng thời thấy sự lãng mạn, ngọt ngào trong tình yêu qua lời kể của những người ở lại... Là nhà làm phim, cũng là phụ nữ, chị cảm nhận điều đó ra sao?
- Ngày còn nhỏ tôi có đọc một truyện ngắn trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, chuyện về một người phụ nữ chờ chồng đang ở chiến trường. Sáng nào cô cũng đem quần áo ra phơi trước sân, ngoài trời, và chiều nào trở về cô cũng đứng tần ngần ở khúc quanh rẽ vào nhà, mong nhìn vào sẽ không còn thấy quần áo ở đó, nghĩa là chồng cô đã về.
Ngày này qua ngày khác, những bộ quần áo bạc màu đi trong nắng mưa, không có ai đem cất chúng cả. Tôi cũng từng nghe kể câu chuyện về người vợ của một vị tướng lẫy lừng. Lúc ông ở chiến trường, người vợ ở lại làng quê, đã đi lại với một người buôn chiếu từ vùng khác đến. Nghe tin ông sắp về phép, một đêm mưa gió, người vợ ấy đã bơi qua sông Lam, từ đó không ai còn gặp lại bà.
Trong lúc những người đàn ông hát khúc tráng ca ở chiến trường, những người đàn bà hát bi ca. Chúng ta đã có quá nhiều tráng ca qua những bộ phim tài liệu về chiến tranh, trong khi những khúc bi ca rất ít được ghi chép lại. Đó là điều tôi nghĩ đến khi đứng trong hành lang khu tập thể Nam Đồng, nhìn bà Khánh Hà cắm những bông hoa hồng đặt lên bàn thờ đại tá Trương Hồng Anh.
Đoàn làm phim Ba tôi gồm đạo diễn Đoàn Hồng Lê (bìa trái), biên kịch Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải), vợ con đại tá Trương Hồng Anh, và phóng viên chiến trường Đặng Xuân Thu... có mặt tại Campuchia, nơi đại tá đã hi sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng Campuchia - Ảnh: NVCC
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê theo đuổi dòng phim tài liệu điện ảnh trực tiếp từ năm 2004 và là thành viên Varan Việt Nam - những nhà làm phim theo phong cách phim tài liệu Pháp, với mong muốn sản xuất những bộ phim tài liệu về đề tài đương đại bằng ngôn ngữ điện ảnh trần trụi nhưng giàu cảm xúc và đậm tính hiện thực. Ngoài việc làm phim, Đoàn Hồng Lê cũng là người đồng tổ chức và điều hành dự án đào tạo điện ảnh trực tiếp của Varan Việt Nam vào các năm 2010-2011 tại Đà Nẵng.
Ngoài Ba tôi, nhiều bộ phim của chị đã ra mắt và chạm đến người xem ở những ngóc ngách cảm xúc khác nhau như Lời cuối của cha (giải thưởng Dự án phim tài liệu dài của Quỹ điện ảnh DMZ tại Hàn Quốc năm 2015, giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP tài liệu quốc tế Dehong tại Trung Quốc năm 2018), Đất đai thuộc về ai (sản xuất năm 2009, đoạt giải thưởng của ban giám khảo LHP Cameras des Champs, Pháp năm 2011 và giải Trái tim xanh YxineFF năm 2012)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận