Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư thắp nhang trên những hàng bia mộ chưa có tên liệt sĩ - Ảnh: MAI HOA
Chuyến về nguồn đúng vào dịp kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019).
Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (huyện Tân Biên) hiện là nơi yên nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, trong đó có hơn 5.000 ngôi mộ vô danh.
Giữa những hàng dài bia mộ có tên và chưa có tên liệt sĩ, tiếng hát "Linh thiêng Việt Nam", "Nhớ các anh", "Nhớ mãi khúc quân hành"…vang lên trong khói hương ấm áp.
Tiếng hát vang lên giữa nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên - Ảnh: MAI HOA
Phát biểu tại lễ dâng hương dâng, hoa ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, bà Thân Thị Thư nói: chuyến hành trình này sẽ giúp cho mỗi người cảm nhận được giá trị vĩnh cửu và to lớn của hòa bình, cảm nhận được niềm khao khát hòa bình là một chân lý có tự bao đời và cảm nhận được hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong đặt tại huyện Bến Cầu là nơi tưởng niệm 99 liệt sĩ thanh niên xung phong TP.HCM đã hi sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Hơn 40 năm trước, khi quân Khmer Đỏ nổ súng tràn qua biên giới tàn sát đồng bào ta, nhiều cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đang lao động, sản xuất ở các vùng ngoại thành TP.HCM, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ đã tình nguyện xung phong ra chiến trường sát cánh cùng bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngày 22-7-1978, tại tỉnh Svay Riêng, quân Pol Pốt gây ra cuộc tàn sát khiến 24 thanh niên xung phong hi sinh.
Ngày này sau đó được chọn làm ngày giỗ chung của các liệt sĩ thanh niên xung phong TP.HCM hi sinh trên chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận