12/09/2024 20:13 GMT+7

Người làng gốm Bát Tràng dùng thuyền đi lại trong nước lũ

Nhiều khu dân cư ngoài đê sông Hồng, trong đó có làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đang phải dùng thuyền đi lại trong nước lũ.

Người làng gốm Bát Tràng bì bỏm trong nước lũ - Ảnh 1.

Làng gốm Bát Tràng nằm sát sông Hồng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 12-9 lũ trên sông Hồng tại Hà Nội rút chậm và đang dưới báo động 3 là 0,26m.

Người dân sinh sống ở làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết lũ bắt đầu dâng lên đường làng kể từ chiều 11-9, đến trưa 12-9 nước lũ bắt đầu rút. Tuy nhiên, không ít khu vực trong làng gốm vẫn còn ngập sâu đến 50-60cm, người dân phải dùng thuyền đi lại.

Nước lũ đã khiến nhiều xưởng sản xuất gốm bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Bính (xã Bát Tràng) cho biết đây là lần ngập lụt to nhất trong 21 năm qua. 

"Từ năm 2003 đến nay, làng gốm Bát Tràng lại mới chứng kiến một trận lũ to như vậy. Do lũ lên nhanh quá, nhiều gia đình không kịp chạy bình gốm. Gốm gặp nước nổi lên rồi va chạm vào nhau làm hư hỏng. Nhà thiệt hại ít cũng vài chục triệu đồng, có hộ mất cả trăm triệu đồng", ông Bính nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Bát Tràng, những nhà dân trong làng Bát Tràng bị ngập sâu đã được chính quyền địa phương di chuyển đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Gia Lâm cho biết do trên địa bàn có sông Hồng và sông Đuống đều trên báo động 2 nên đã làm 15 xã ven đê chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có xã Bát Tràng. Theo đó, toàn huyện có 27ha lúa, 1.500ha rau màu và cây cảnh, 65ha nuôi thủy sản và nhà kính... bị thiệt hại.

Người làng gốm Bát Tràng bì bỏm trong nước lũ - Ảnh 2.

Người dân dùng thuyền đi lại trong khu vực đang bị ngập lụt

Nằm cạnh xã Bát Tràng là xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) cũng bị ngập trong nước lũ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngày 12-9 mưa đã giảm ở miền Bắc so với hai ngày trước. Không chỉ sông Hồng, các sông khác như sông Bùi, sông Tích, sông Đáy cũng dâng cao, ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư ở các huyện ngoại thành Hà Nội.

Theo ông Khiêm, lũ trên sông Hồng chỉ gây ngập lụt ngoài đê và không thể ngập lụt bên trong nội thành do có hệ thống đê sông Hồng bao bọc.

Người làng gốm Bát Tràng dùng thuyền đi lại trong nước lũ - Ảnh 3.

Nhiều gia đình ở Bát Tràng vẫn phải dùng thuyền để đi lại ngày 12-9

Người làng gốm Bát Tràng dùng thuyền đi lại trong nước lũ - Ảnh 4.

Nước lũ vẫn chưa rút hết khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn

Người làng gốm Bát Tràng dùng thuyền đi lại trong nước lũ - Ảnh 5.

Một gia đình dùng đất sét để đắp trước cửa nhà ngăn nước lũ sông Hồng

Người làng gốm Bát Tràng bì bỏm trong nước lũ - Ảnh 6.

Một số trường học ở xã Bát Tràng đóng cửa do ảnh hưởng nước lũ

Người làng gốm Bát Tràng dùng thuyền đi lại trong nước lũ - Ảnh 7.

Người dân cho biết vẫn đang chờ nước lũ rút để dọn dẹp lại nhà cửa

Người làng gốm Bát Tràng bì bỏm trong nước lũ - Ảnh 8.

Tuy nhiên ghi nhận cho thấy nước lũ đang rút rất chậm

Nhiều khu vực ở miền Bắc ngập trong nước lũ

Như đã thông tin, ngày 11-9 lũ trên sông Hồng đo được tại Hà Nội là 11,3m, dưới báo động 3 đã khiến khu vực ngoài đê mênh mông trong "biển nước".

Không chỉ Hà Nội, sông Hồng chảy qua các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình cũng dâng cao làm nhiều diện tích hoa màu, chuối, nhà kho, nhà xưởng, nhà dân bị ngập sâu trong nước.

Nước lũ cũng dâng cao ở mức báo động 2, báo động 3 và vượt qua báo động 3 trên nhiều dòng sông khác tại miền Bắc như: sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ.

Người làng gốm Bát Tràng bì bỏm trong nước lũ - Ảnh 8.Người dân tập trung giải cứu hàng nghìn con heo, cây cảnh tiền tỉ bị lũ nhấn chìm

Sáng 12-9, vùng trồng hoa, cây cảnh lớn nhất tỉnh Hưng Yên tại huyện Văn Giang chìm trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên