17/03/2019 12:26 GMT+7

Người làm bột Sa Đéc

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Sinh ra tại làng bột Sa Đéc, ông Nguyễn Văn Nương (76 tuổi, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vẫn hay nói rằng đam mê làm bột đã ăn sâu vào máu của ông.

Người làm bột Sa Đéc - Ảnh 1.

Nghề bột đã trải qua bao thăng trầm nhưng người làm nghề bột vẫn đang phấn đấu đưa bột quê hương vươn xa - Ảnh: NGỌC TÀI

Gom hết vốn liếng xây nhà để mua cổ phần doanh nghiệp chế biến bột, trải qua bao thăng trầm bể dâu với nghề, không giờ phút nào ông thôi nghĩ về cách để phát triển làng bột. Để rồi từ đó ông trở thành anh cả, người đỡ đầu cho các thành viên trong làng bột Sa Đéc.

Quyết giữ nghề bột của cha ông

Nhiều người ở làng bột vẫn gọi ông bằng cái tên thân thương: ông Tư Nương làng bột. 

Chúng tôi gọi điện thoại cho ông vào một buổi trưa đầu năm mới. Ông bảo đang bận giao bột, lát xong sẽ ra ngay. Rồi ông xuất hiện khi trên tay, quần áo vẫn còn vương màu phấn của bột gạo. Vừa gặp, chúng tôi nói ngay một thông tin vui: "Bột Sa Đéc mình có thêm sản phẩm mới - ống hút từ bột, ông Tư hay chưa?".

Người làm bột Sa Đéc - Ảnh 2.

Ông Tư Nương - Ảnh: NGỌC TÀI

Ông tròn xoe mắt vui mừng rồi nói ngay: "Cô cho tui địa chỉ công ty nghiên cứu thành công ống hút bột, tui sẽ liên hệ liền để mua sản phẩm, rồi nếu được thì tham quan nhà máy, đặt vấn đề cung cấp nguyên liệu bột. Sau đó tui sẽ phổ biến ngay trong hội quán làng bột để bà con có tâm thế sẵn sàng cho sản phẩm quá độc đáo này".

Để giữ nghề bột, ông Tư Nương và nhiều thợ làm bột ở Sa Đéc cũng trải qua không ít gian nan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Rồi ông Tư kể về chuyến bán bột thập tử nhất sinh của đời mình. Khi ấy đất nước mới giải phóng, chính sách ngăn sông cấm chợ nên việc bán bột của ông bị liệt vào danh sách cấm. Nhưng nếu không làm bột, gia đình ông lấy cái gì ăn, đàn em nheo nhóc lấy gì có cơ hội học hành?

"Thời đó, đi học về để sách vở qua một bên là xay bột. Hễ đong 42 lít gạo, lấy 40 lít xay bột, 2 lít nấu cơm thì hôm sau bán bột mua được 42 lít gạo nữa. Phải làm như vậy ngày ngày mới có gạo ăn, sau vài tháng thì đàn heo sẽ lớn, có thêm một khoản tiền nữa" - ông Tư kể ngọn nguồn.

Bị cấm cản, ông không những không sợ mà còn "cứng đầu" hơn nữa vì ông tâm niệm mình làm ăn chân chính bằng chính bàn tay, khối óc, cớ sao bị ngăn cấm? 

Bị chính quyền thu giữ cối xay bột, ông chạy vạy từ đầu trên đến xóm dưới để có một ít tiền nhờ thợ đục cối đá mới. Cứ thế, ông vẫn làm bột như bao người bên dòng sông Ngã Bát bám trụ với nghề của cha ông.

Của hồi môn của làng bột

Dòng sông Ngã Bát là nơi làng bột Sa Đéc khai sinh và tồn tại đến ngày nay. Từ vài ngàn hộ thời cực thịnh, hiện chỉ còn khoảng vài trăm hộ giữ nghề. Không ai có thể xác định nghề bột có từ năm nào, chỉ biết ước chừng đã xuất hiện khoảng trăm năm qua.

Nghề làm bột ở đây truyền cả cho con trai lẫn con gái. Ông Tư Nương khi lập gia đình cũng được cha mẹ cho ra riêng với của hồi môn là một bộ chày, cối đá xay bột. Nhưng lạ một điều là chỉ ngay tại mảnh đất khai sinh ra làng bột, chỉ khi sử dụng nước dòng sông Ngã Bát mới cho ra lò loại bột ngon, đậm chất Sa Đéc. Dẫu có mang nghề đi đâu cũng không sao làm ra đúng hương vị đó.

Ông Tư say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà chính ông chứng kiến: "Nhiều người xứ khác muốn đến đây học nghề. Nói nào ngay, dân làng bột không suy tính thiệt hơn, cho ở trong nhà, chỉ dẫn hết không giấu một thứ gì nhưng lạ là họ không thể làm ra đúng hương vị bột Sa Đéc khi mang nghề làm bột về làm ở xứ khác. 

Có mấy thương nhân Sài thành muốn mang nghề bột ở Sa Đéc về trên đó, thậm chí còn cưới cả con gái làng bột, bê luôn đồ nghề ở đây về nhưng cũng không tài nào làm được hương vị bột Sa Đéc. Có gia đình rước luôn bà sui gái về trên đó ở để làm nghề bột nhưng rồi cũng phải chào thua cái hương vị Sa Đéc".

Ông Tư cho rằng cái nghề bột này hồi đó có gì sung sướng đâu. Suốt ngày còm lưng xay bột, tay bị thúi móng vì quanh năm tiếp xúc với nước. Sơ sẩy một chút là giập móng tay móng chân vì bưng bê cối để dằn bột. 

Nhưng hiện giờ ông Tư lại tự tin: "Bây giờ được voi rồi được tiên luôn". Đó là thời điểm ông chế tạo thành công máy ly tâm dùng vào công đoạn vắt bột. Bột xay bằng máy, khi hoàn thành phải đánh tơi cho lên bột rồi vắt nước, đem phơi nhưng với chiếc máy ly tâm "made in Tư Nương", các công đoạn giờ chỉ còn một.

Chính nhờ ông Tư Nương mà nghề bột ở Sa Đéc bước sang một trang mới nhờ được đầu tư máy móc hiện đại. Sản lượng bột tăng gấp đôi ba lần so với thời điểm cực thịnh. Nhiều sản phẩm chế biến từ bột Sa Đéc như bánh phở, hủ tiếu,... giờ là ống hút còn xuất sang nhiều nước, kể cả các quốc gia khó tính như Nhật, Hàn và châu Âu.

Hội quán làng bột

Khi Hội quán làng bột nhen nhóm hình thành, ông Tư được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Mỗi tháng vào ngày 29, không ai nhắc ai, 63 thành viên hội quán gác lại việc nhà, tiệc tùng để cùng hội họp, cùng đóng góp cho làng bột phát triển hơn nữa.

Tròm trèm một năm hoạt động của hội quán, mỗi tháng đều có thành viên mới xin vào. Ông Nương cho biết chính hội quán đã gắn kết anh em, xóm làng bền chặt với nhau. Rồi chuyện buôn bán, những bí quyết được chia sẻ thoải mái không hề giấu giếm. Cũng từ đây không còn chuyện hạ giá, nói xấu nhau chỉ vì muốn bán được bột nhà mình.

Để giúp nhau phát triển, ông Tư còn đề xuất thành lập một quỹ xoay vòng không lãi suất. Từ nguồn tiền trợ vốn giúp nhau mà nhiều thành viên trong hội quán mua sắm máy móc, nâng cao sản lượng lẫn chất lượng.

Ngay trên phần đất của mình, ông Tư còn mở khu ẩm thực làng bột, quy tụ những người làm bánh dân gian về bột như bánh xèo, bánh cống, bánh bò... Khu ẩm thực dần dà còn là nơi giới thiệu với du khách thập phương, thậm chí khách nước ngoài về làng bột, về con người Sa Đéc làm bột vượt khó vươn lên...

Với những người làm bột xứ Sa Đéc, ông Tư thực sự là một anh cả, dành cả một đời cho làng bột quê hương. Ông Lê Nhựt Trường, một thành viên hội quán làng bột, chia sẻ: "Anh Tư đã dẫn dắt nhiều anh em trong hội quán sản xuất bột đạt chuẩn xuất khẩu, có nhiều đóng góp để giúp sản phẩm từ bột vươn xa, được nhiều người biết đến".

Dám nghĩ dám làm

Ông Võ Thanh Tùng, chủ tịch UBND TP Sa Đéc, nhận xét: "Anh Tư Nương là người uy tín, dám nghĩ dám làm. Anh đi tiên phong trong việc đầu tư chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất bột, nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành hàng.

Là người anh cả liên kết các hộ làm bột cùng ngành nghề thành lập hội quán làng bột, nơi đây họ cùng ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bột. Từ những nỗ lực ấy đã góp phần duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương".

Làng bột Sa Đéc: thoải mái chia sẻ bí quyết, vẫn không làm đúng hương vị Làng bột Sa Đéc: thoải mái chia sẻ bí quyết, vẫn không làm đúng hương vị

TTO - Ông Nguyễn Văn Nương (76 tuổi, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) kể, nhiều người xứ khác đến học nghề, được cho ăn ở trong nhà, chỉ hết bí quyết, hay cả người làng bột chính gốc đi nơi khác sản xuất, vẫn không thể cho ra đúng hương vị gốc.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên