18/03/2017 11:10 GMT+7

Người hikikomori: sống ích kỷ hay tự bảo vệ mình?

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Cuộc trò chuyện về Hikikomori - Những “đứa trẻ” mắc kẹt ở Hà Nội ngày 17-3 đặt ra phân vân: người hikikomori sống ích kỷ hay cách tự bảo vệ mình?

Hai khách mời Ogawa Takehiro, Hashimoto Masaya – những hikikimori đang sinh hoạt tại New Start và chị Oguri Ayako (từ trái qua) trò chuyện với sinh viên Trường đại học KHXH & NV Hà Nội - Ảnh: Đức Triết

Maica - một nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do có sáu tháng ở Nhật Bản để nghiên cứu đề tài hikikomori - kể với các sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội câu chuyện trải nghiệm đầy khó khăn khi cô tiếp cận với hikikomori - hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ, từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài hơn sáu tháng trở lên.

Cô bảo điều đáng tiếc nhất là khi tiếp cận được người hikikomori rồi thì lại hết hạn của thời gian học bổng phải về nước.

Thế nhưng, Maica cảm thấy rất vui mừng vì bước đầu có được một số hình ảnh, một số câu chuyện về hikikomori. Đấy là những bạn trẻ mới ngoài đôi mươi hoặc như những người đã ở ngoài tuổi 30, 40 có đến vài năm, thậm chí là hơn 10 năm trở thành hikikomori.

Những nhân vật ấy có muôn vàn lý do giải thích nhưng tựu trung lại là do sự thất vọng về nhu cầu cá nhân, bản thân phải chịu nhiều sức ép từ gia đình, cộng đồng, mối liên kết gia đình bị đứt gãy… khiến họ không muốn giao tiếp mà chỉ giam mình trong phòng đọc sách, chơi game, lướt web…

“Các bạn có bao giờ tự cảm thấy mình là người lười biếng, ích kỷ hay không?”- Maica bất ngờ đặt câu hỏi cho hai khách mời là những hikikomori - Hashimoto Masaya và Ogawa Takehiro.

Không có gì phải giấu giếm, cả hai khách mời đều nói rằng các bạn ấy thấy những năm mình trở thành hikikomori là khoảng thời gian sống rất tốt để tự bảo vệ bản thân và các bạn không ngoại trừ trường hợp điều đó vẫn tái diễn.

“Quả tình thời gian đầu tôi từng muốn chết vì dằn vặt với những ý nghĩ ấy. Nhưng sau đó tôi thấy rõ đây là khoảng thời gian rèn luyện tự bảo vệ mình vượt qua hoàn cảnh lúc đó - hoàn cảnh tôi bị rơi vào sự thất vọng của bản thân khi phải chịu đựng sự giằng co “người thắng và kẻ thua” lúc còn là học sinh; những thất vọng của một người trẻ được đi vòng quanh thế giới trong chương trình “Thuyền hòa bình”.

Tôi không sống ích kỷ mà tôi chỉ muốn được sống hạnh phúc trong những điều bình thường, giản dị mà mình muốn chứ không phải cứ cố gắng sống đuổi theo một đám đông nào đó” - Hashimoto Masaya nói.

Không riêng gì Hashimoto Masaya,  chị Oguri Ayako, nhân viên của Tổ chức phi lợi nhuận New Start ở Nhật Bản, cũng chia sẻ:

“Chúng tôi không nhìn những hikikomori là một việc xấu. Cuộc sống hiện đại thì ồ ạt, gấp gáp, ai cũng muốn chứng tỏ mình là trung tâm trong khi những người hikikomori thích sống nhẹ nhàng, thoải mái, tinh tế và làm việc gì đó cho cộng đồng.

Thế nên khi gặp những áp lực, vòng xoay ấy, họ dễ dẫn đến tâm lý thất vọng, khép kín, không hòa nhập. Tất nhiên, tại New Start tôi cũng gặp một số người rất nặng nề với ý nghĩ gánh nặng cho gia đình. Nhưng, chúng tôi giúp họ hiểu được rằng họ cứ sống thoải mái để hoàn toàn có thể tái hòa nhập xã hội và lao động để bù lại những khoản kinh phí đó.”

Một sinh viên (xin được giấu tên) tham dự buổi nói chuyện đã dũng cảm nói rằng bạn từng hai lần rơi vào trạng thái giống như những hikikomori vì thất vọng không thi đậu du học và sau đó bố mẹ ép đi học ở một trường đại học không thích. 

Bạn sinh viên này phải bảo lưu kết quả thi đại học hai kỳ liền và đóng cửa ngồi trong phòng đọc sách, lướt web.

“Theo em, tình trạng này không chỉ ở Nhật Bản mà có ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam" - bạn sinh viên nói.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên