23/02/2014 12:46 GMT+7

Người gieo chữ "trả nợ quê hương"

TH.HUY - HOÀI THƯƠNG
TH.HUY - HOÀI THƯƠNG

TT - Hơn mười năm tận tụy gieo từng con chữ giúp hàng trăm học sinh từ lớp học tình thương nơi rừng tràm Miệt Thứ đã lớn khôn, bay xa, nhưng hai vợ chồng nhà giáo già vẫn miệt mài ngày ngày đứng trên bục giảng.

Chuyện về lớp học nghèo nơi miệt thứHọc trò nghèo đội đèn tìm chữThầy Xuân của học trò nghèo

CZBOX2vr.jpgPhóng to
Hằng năm lớp học này dạy chữ cho hàng trăm học trò nghèo - Ảnh: Th.Huy

Ấy là vợ chồng nhà giáo già Trần Văn Nhâm và Lê Ngọc Lệ ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Lớp học nghèo giàu tình người

"Cuộc sống bây giờ không dễ gì kiếm được những người yêu nghề, mến trẻ như đôi vợ chồng ông giáo ấy"

ÔngLÊ VĂN CẢNH(phó Phòng GD-ĐT huyện An Minh)

Căn nhà lợp lá cắm trên nền đất được ngăn làm hai gian, mỗi gian là một lớp học với hơn chục chiếc bàn học tự chế. Chân bàn làm từ những cây tràm thẳng có, cong queo cũng có, được cắm trực tiếp xuống đất, mặt bàn từ thân dừa xẻ ra rồi đóng cố định lên bốn chân bàn, miếng ván nào nhỏ thì chắp vá sơ sài với những miếng khác để có bàn cho những đứa trẻ nghèo ngồi học. Do chiếc bàn tự chế không có hộc bàn nên trên vách lớp treo lủng lẳng nào cặp, nào nón, nào cơm trưa của những đứa trẻ ở xa. Chỉ tay ra ngoài sân phía đống bàn ghế gãy nát, bà Lê Ngọc Lệ - 60 tuổi, người phụ trách lớp học - cho hay hai vợ chồng vừa xin mớ bàn hư của một trường tiểu học mang về đóng lại cho tụi nhỏ ngồi học.

Cây lá để cất lớp học đều do người dân từ các miệt Xẻo Lúa, Xẻo Lá, Xẻo Nhàu gom góp mang đến, kẻ góp công, người góp của mà tạo nên. “Thấy vậy đó chớ mỗi ngày dạy bốn lớp từ mẫu giáo đến lớp 3 với hơn 100 học trò. Đứa nào cũng ham học, nhà xa xôi phải đi xuồng nhưng mưa nắng gì cũng đến lớp, có khi cô trò ngồi trong lớp mà mưa dột ướt áo, thế mà gần 15 năm nay chưa bao giờ vắng tiếng ê a” - bà Lệ say sưa kể. Có người học ở lớp học này rồi sau đưa con đến học, và khi có cháu ngoại lại tiếp tục đưa cháu đến đây học, tính ra cả ba đời nhận chữ từ vợ chồng thầy Nhâm, cô Lệ. “Có những phụ huynh nghèo cũng dốt chữ, đưa con đi học rồi đứng ngoài học lóm riết mà biết chữ luôn” - bà Lệ cười.

Từ khi có lớp học này nhiều con em, học sinh đã biết đọc, biết viết. Ngoài những học sinh tiếp thu chậm, vợ chồng thầy giáo già này “chuyên trị” những học sinh đặc biệt như câm, điếc, tự kỷ. Tất cả sau một thời gian đến với lớp học này đều biết chữ. “Mỗi học sinh tui có một phương pháp khác nhau tùy vào đặc điểm, tính nết từng đứa. Những đứa câm điếc thì tui phải vẽ hình để dạy chữ, còn đứa tự kỷ thì phải tìm cách đưa chúng hòa nhập” - ông Nhâm chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Giống (phụ huynh học sinh) nói: “Trước kia đưa con đi học ở trường công với người ta thì đọc chữ rất chậm, nhưng từ khi gửi con vào lớp học tình thương của thầy Nhâm cô Lệ thì giờ đây con tui đã biết đọc, biết viết, lại rất ngoan ngoãn nữa, tui thấy rất vui”.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều phụ huynh có con theo học tại lớp học tình thương của vợ chồng thầy Nhâm đã không tiếc lời khen nghĩa cử cao quý của vợ chồng thầy. Dường như niềm vui lớn nhất của vợ chồng thầy Nhâm là hằng ngày được dạy chữ cho trẻ con. Chính tấm lòng nhân ái và yêu trẻ mà đôi vợ chồng nhà giáo nghèo này khiến những người dân nơi đây cảm phục. Vì thế mà hằng ngày đưa con đi học, mỗi người mang đến lọn rau, mớ cá biếu thầy cô bởi trả tiền công thì vợ chồng thầy Nhâm đâu có nhận.

Mười mấy năm gieo chữ, ông Nhâm, bà Lệ không còn nhớ mình đã dạy cho bao nhiêu đứa học trò. Nhưng mỗi khi có người gợi chuyện thì đôi mắt hai vợ chồng già như sáng lên với bao nhiêu ký ức về những đứa trẻ nghèo ham học mình từng dạy dỗ. Thầy Nhâm tâm sự: “Giờ đây bọn trẻ thành tài, tui thấy mình như trúng số độc đắc. Đứa làm bác sĩ, đứa làm công an, lại có đứa làm giáo viên. Lâu lâu có dịp tụi nhỏ ghé thăm, biết chúng thành đạt hạnh phúc mình cũng vui lây”.

Q2ZsW79s.jpgPhóng to
Đã 65 tuổi, thầy Nhâm vẫn ngày ngày gieo chữ để trả nợ quê hương - Ảnh: Th.Huy

Trả nợ quê nghèo

Vốn là giáo viên từng đi dạy ở những vùng sâu của miệt thứ, vợ chồng thầy Nhâm hiểu thấu nỗi cơ cực và thiếu thốn của những đứa trẻ nghèo. Những năm bao cấp khó khăn, vợ chồng ông dắt díu nhau về quê ở Xẻo Nhàu để bám trụ mà nuôi hai đứa con ăn học. Được người dân thương, vợ chồng ông mượn đất cất nhà. Hằng ngày ông bà đi giăng lưới bắt cá phi và hái rau mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi con. Năm 2000 ông Trần Văn Nhâm và bà Lê Ngọc Lệ mở lớp dạy kèm cho một vài học sinh tiếp thu chậm của hàng xóm gửi. Ban đầu lớp học thu “học phí” mỗi học trò 500 đồng cho một buổi học để đôi vợ chồng nghèo có chút đồng ra đồng vô lo cho hai đứa con ăn học. Đến khi con cái ra trường, hai vợ chồng tình nguyện dạy học miễn phí cho tới ngày nay.

Hai người con của vợ chồng thầy Nhâm giờ đều có việc làm. Một người làm cán bộ ngân hàng ở Cần Thơ, người là chủ doanh nghiệp với cơ ngơi ổn định. “Tụi nhỏ kêu ba mẹ nghỉ dạy lên đó để tụi nó phụng dưỡng, nhưng tui nói hồi xưa chính nhờ cái nghĩa, cái tình của người dân cùng với từng con cá, lọn rau xứ Xẻo Nhàu này mà ba mẹ nuôi con khôn lớn. Nay các con thành đạt, ba mẹ phải ở lại đây dạy học để trả cái nợ quê hương”. Chúng tôi hỏi ông bà định “trả nợ” đến khi nào, ông bà cười nói: “Đến khi nào hổng còn trả được nữa thôi”. Chính vì thế mà có những lúc ông Nhâm bệnh nằm một chỗ không lên lớp được, nhưng thấy tụi nhỏ mang tập vở đến tận đầu giường để đợi thầy trả bài thì “tui hổng cho mình bệnh nữa, phải khỏe để dạy tụi nhỏ”.

Ngày hai buổi gắn mình với lớp học, bữa cơm chiều của vợ chồng thầy Nhâm dọn ra khi các nhà trong xóm đã đỏ đèn. Chưa kịp nghỉ ngơi sau một ngày dạy trẻ, cô Lệ, thầy Nhâm lại ngồi vào bàn viết mẫu, chấm bài cho hàng trăm cuốn tập của trò, chuẩn bị bữa học hôm sau. Đêm ở xóm Xẻo Nhàu tĩnh mịch, gió lùa qua vách lá của lớp học nghèo, đôi vợ chồng già vẫn còn ngồi đó để vun đắp cho tương lai bọn trẻ những con chữ nghĩa tình. Quên đi cái tuổi đã gần thất thập, thầy Nhâm còn nghe văng vẳng bên tai lời của cô học trò đang có bầu bơi xuồng ngang nhà nói vọng vô: “Thầy ơi đừng có nghỉ dạy nghen, đợi con đẻ con xong mang đến nhờ thầy cô dạy chữ”.

Được vinh danh

Lớp học tình thương của thầy Nhâm và cô Lệ đã được Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang công nhận thành một điểm trường. Các em cũng được học theo chương trình chung của bậc giáo dục tiểu học mà bộ đã ban hành. Các kỳ thi cũng được tổ chức như trường công, học hết lớp 3 nếu kết quả thi đạt yêu cầu, các em được chuyển sang học lớp 4 ở các trường công lập.

Ông Nhâm và bà Lệ được vinh danh trong chương trình Vinh quang VN lần 7-2009. Trong buổi vinh danh, ông bà được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen là tấm gương bình dị mà cao quý và tặng ông bà tấm ảnh Bác Hồ.

TH.HUY - HOÀI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên